Sữa ngoại tăng giá, xâu xé thị trường Việt Nam

Đang có rất nhiều hãng sữa bị bóc trần sai phạm, đối mặt với nguy cơ xử phạt vì lừa dối người tiêu dùng vì quảng cáo sai sự thật, vi phạm nhãn mác. Bất chấp tất cả, các hãng sữa vẫn tăng giá và gây náo loạn thị trường Việt Nam.

Đủ kiểu tăng giá

Năm nào cũng vậy, cứ sau tết là các hãng sữa đua nhau tăng giá, năm nay thậm chí mức tăng còn chóng mặt và đồng loạt hơn với mức tăng từ 10-20%.

Vào thời điểm tháng 1, tháng 2, một số công ty sữa đã tăng giá nhưng đến thời điểm tháng 3 này, một loạt các hãng sữa điều chỉnh giá gần như là cũng một thời điểm tạo ra một làn sóng tăng giá sữa ồ ạt và mạnh mẽ “vỗ” thẳng vào túi tiền của người dân. Từ sau Tết đến nay các hãng sữa đã có 2 đợt tăng giá lớn với mức tăng tổng cộng lên tới 20%.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm sẽ có 2-3 đợt tăng giá sữa. Riêng giai đoạn 2007-2010, giá sữa có tới 16 lần tăng giá. Từ đầu năm đến nay cũng có tới 2 lần tăng giá sữa. Giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng là 5-10%, thậm chí có loại tăng 13-14%.

Có muôn vàn lý do được các hãng sữa đưa ra để lý giải cho việc tăng giá, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng tỉ lệ dưỡng chất, thay đổi mẫu mã… Tuy nhiên theo Cục quản lý giá thì trong những tháng vừa qua giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ở mức ổn định và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng, vẫn giữ ở mức 90.000 đồng/kg sữa nguyên liệu nguyên kem nhập khẩu và trên 80.000 đồng/kg sữa tách béo.

Theo Luật Giá thì từ ngày 1-1-2013, các hãng sữa mỗi khi điều chỉnh giá sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi đều phải kê khai đăng ký. Nếu doanh nghiệp đưa ra được bản tính toán giá thành hàng hóa, dịch vụ (đối với hàng sản xuất trong nước), giá vốn nhập khẩu (nếu là hàng hóa nhập khẩu) hợp lý thì Bộ Tài chính mới chấp thuận với phương án điều chỉnh giá do doanh nghiệp đăng ký.


Để lách quy định mới của Luật Giá nhiều doanh nghiệp đã đổi tên sản phẩm từ sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi thành “sản phẩm dinh dưỡng”, “sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt", "thức ăn công thức dinh dưỡng", ), "thực phẩm bổ sung". Như vậy doanh nghiệp sẽ không phải đưa ra bản giải trình và chờ sự chấp thuận từ Bộ Tài Chính mà có thể tăng giá sữa như đối với các mặt hàng thông thường.

Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam đang có gần 500 dòng sản phẩm sữa. Tuy nhiên, lượng sữa sản xuất từ nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, và chủ yếu phục vụ cho sản xuất sữa nước. Khoảng 70% còn lại là nhập khẩu, trong đó 50% là sữa nguyên liệu và 20% là sữa thành phẩm.

Lựa chọn thông minh

Thị trường sữa ở Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào hàng nhập khẩu. Trong khi đó, mặc dù được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, chất lượng sản phẩm không thua kém sữa ngoại, lại có lợi thế về nhân công, vận chuyển và nhiều yếu tố khác nên giá thành hợp lý hơn, sữa lại tươi, mới hơn sản phẩm nhập khẩu, nhưng sữa nội vẫn đang “lép vế”.

Nguyên nhân một phần là do các hãng sữa ngoại có chiến lược quảng cáo - tiếp thị tốt hơn, mẫu mã bắt mắt hơn, tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tâm lý “sính ngoại” của phần lớn người dân Việt Nam vẫn chưa thay đổi. Lợi dụng điều này, một lượng lớn sữa ngoại không rõ nguồn gốc đã tràn vào Việt Nam dưới hình thức “hàng xách tay” (thực tế là buôn lậu), đặc biệt tai hại hơn là vấn nạn sữa giả, sữa nhái đang xuất hiện nhiều nơi.

Đánh vào tâm lý “sính ngoại” của NTD, nhiều cửa hàng quảng cáo rằng “hàng xách tay” là sản phẩm chính hãng, được sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam dưới hình thức “xách tay” trốn thuế nên giá rẻ hơn. Điều đó đã tạo tâm lý cho người mua tin rằng “hàng xách tay” là hàng “xịn”. Lợi dụng tâm lý này, nhiều cơ sở chuyên làm hàng nhái đã sản xuất các loại hàng “rởm” dán mác các nhãn hiệu nổi tiếng để tung ra thị trường đánh lừa người tiêu dùng dưới chiêu bài “hàng xách tay”.

Đánh vào tâm lý “sính ngoại” của NTD, nhiều cửa hàng quảng cáo rằng “hàng xách tay” là sản phẩm chính hãng, được sản xuất ở nước ngoài và đưa về Việt Nam dưới hình thức “xách tay” trốn thuế nên giá rẻ hơn.

Thực tế có nhiều sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài có hàm lượng đạm (protein) rất thấp, theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì những sản phẩm đó được xếp vào nhóm “thực phẩm bổ sung”, không có đầy đủ chất dinh dưỡng như các sản phẩm sữa, nhưng khi mang về bán ở thị trường Việt Nam lại được quảng cáo là sữa để bán giá cao gấp nhiều lần.

Chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên một cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Học – thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết: Mặc dù các loại sữa bột ngoại giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, gấp 4 lần so với các dòng sữa nội nhưng phần lớn khách hàng vẫn thích mua sữa ngoại. Đa số người tiêu dùng cho rằng “tiền nào của nấy”, sữa càng đắt tiền càng tốt chứ họ không biết nên dùng loại sữa nào thì phù hợp với thể trạng của con cái mình để có hiệu quả tốt nhất.

Chị Võ Thị Thúy (Quang Trung – Hà Đông – Hà Nội) cũng chia sẻ: “Tôi mới sinh con gái đầu được 10 tháng. Khi ra đời, bé cân nặng 3,2kg. Bạn bè đến thăm tặng rất nhiều loại sữa ngoại đắt tiền nhưng hơn 2 tháng sau vẫn thấy bé chậm lớn, tiêu hóa không bình thường. Đến viện Nhi được bác sĩ tư vấn dùng một loại sữa nội vốn bán rất nhiều trên thi trường và giá khá phù hợp. Từ đó tôi chỉ cho bé dùng duy nhất loại sữa này và bé phát triển tốt".

TS Nguyễn Hữu Toản – Nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM đưa ra lời khuyên, các ông bố bà mẹ khi lựa chọn sữa cho con cái nên tìm hiểu kỹ các thông tin. Trước hết sữa phải có nguồn gốc, thông tin rõ ràng; thứ hai là phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với thể trạng, nhu cầu dinh dưỡng của bé.

Theo ông Toản, sữa bột cho trẻ em ở mỗi thị trường thường được nhà sản xuất đưa ra mỗi công thức khác nhau để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bé sinh sống ở môi trường khí hậu và nhiệt độ ở đó. Nhiều người cẩn thận nhờ người quen ở nước ngoài mua sữa gửi về cho bé dùng, như thế chưa chắc đã tốt, bởi những sản phẩm đó có thể không phù hợp với trẻ em Việt Nam. Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ lựa chọn cho bé sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nước, tôi cho đó là một sự lựa chọn thông minh cho sức khỏe và cả túi tiền.

Nguồn Vietnamnet