Xiaomi vay 1 tỉ USD để mở rộng ra toàn cầu và đầu tư cho cửa hàng bán lẻ

Theo SCMP, hãng sản xuất điện thoại có trụ sở tại Bắc Kinh tuyên bố chi nhánh Hong Kong của họ đã đạt được thỏa thuận kéo dài 3 năm với nhóm 18 ngân hàng, dẫn đầu là Deutsche Bank và Morgan Stanley.

Lei Jun, người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Xiaomi cho hay, các khoản tài trợ mới này sẽ "chống lưng" cho kế hoạch mở rộng mang tầm quốc tế của công ty cũng như sáng kiến tích hợp các hoạt động bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến.

Xiaomi trước đây cũng đã có một khoản vay 1 tỉ USD với thời hạn 3 năm vào năm 2014. Lei gần đây cũng vừa chỉ ra công cuộc kinh doanh toàn cầu của Xiaomi, bao gồm hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bước vào "kỷ nguyên tăng trưởng nhanh chóng".

Vào đầu tháng này, Xiaomi ước tính đã bán được 23,2 triệu chiếc điện thoại thông minh trong quý II, và tăng 70% so với quý trước (kết thúc vào 31 tháng 3) - một kỷ lục của công ty kể từ khi chiếc smartphone đầu tiên của họ được ra mắt vào tháng 8 năm 2011.

Điều này cũng cho thấy rằng Xiaomi đang ở vị thế sẵn sàng tạo ra một cuộc lội ngược dòng sau khoảng thời gian tụt hậu so với các đối thủ trong nước như Huawei Technologies, Oppo, và Vivo trong những quý vừa qua.

Lei Jun

Lei Jun, người sáng lập và CEO của Xiaomi, phát biểu tại một cuộc hội đàm ở Wuhan trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Internet Thế giới lần thứ ba ở Wuzhen.

Việc mảng kinh doanh smartphone của Xiaomi liên tục sụt giảm trong năm ngoái đã khiến cho Richart Windsor, một chuyên gia phân tích lâu năm ở Edison Investment Research, đưa ra định giá cho start-up này chỉ vào khoảng 3,6 tỉ USD. Đây là con số quá thấp nếu so với năm 2014, khi giá trị thị trường của Xiaomi ước tính lên tới 45 tỉ USD.

Sau đó vào tháng Một, Windsor nâng mức này lên 5 tỉ USD, khi Xiaomi đã tích trữ các nguồn lực, tập hợp lại và nhắm đến mục tiêu doanh thu 100 tỉ nhân dân tệ trong năm nay.

Theo như ông Neil Shah, giám đốc nghiên cứ của Counterpoint: "Có rất nhiều lĩnh vực mà Xiaomi cần đẩy mạnh nguồn lực của họ để mở rộng ra ngoài Trung Quốc và Ấn Độ cũng như cạnh tranh với Huawei, Oppo hay Vivo trên quy mô toàn cầu. Khoản vay này chắc chắn sẽ giúp ích cho sự mở rộng của công ty trên các nước như Nga và Mexico, các thị trường mà công ty vừa thâm nhập, cũng như những thị trường khác như châu Âu, Nam Á và Trung Đông".

Xiaomi đã tập trung xây dựng một lượng lớn các cửa hàng bán lẻ theo kiểu truyền thống nhằm hỗ trợ nền tảng bán lẻ trực tuyến của họ. Vào tháng 4, công ty kỳ vọng sẽ tạo ra mức doanh thu 70 tỉ nhân dân tệ trong vòng 5 năm tới từ các cửa hàng truyền thống này. Theo báo cáo, công ty sở hữu 137 cửa hàng trên toàn thế giới cùng kế hoạch mở thêm 2000 cửa hàng nữa trong nước và tại các thị trường đa dạng nước ngoài trong 3 năm tiếp đến.

Ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vĩ và người sáng lập, CEO của Xiaomi Lei Jun giới thiệu Xiaomi Mi Note 2 tại Bắc Kinh vào năm ngoái.

Ông Shah khuyên Xiaomi "nên học hỏi từ LeEco, theo đuổi một chiến lược mở rộng khôn ngoan, và không đốt quá nhiều tiền vào việc marketing để chạy đua với Huawei, Oppo hay Vivo".

Tập đoàn LeEco đã rút lui khỏi kế hoạch mở rộng đầy tham vọng ở Mỹ và bỏ mặc thương vụ mua lại nhà sản xuất truyền hình Mỹ Vizio trị giá 2 tỉ USD, đồng thời chìm trong nợ nần và phải nhận phán quyết đóng băng toàn bộ tài sản từ phía tòa án.

Ông Shah nói: "Một phần của khoản vay mới này của Xiaomi cần đầu tư vào xây dựng chất lượng tài sản trí tuệ và cá những nghiên cứu, phát triển có ý nghĩa. Công ty cũng nên cấp phép các tài sản trí tuệ ấy để thâm nhập vào các thi trường phương Tây như là Mỹ hay Anh, để bảo vệ bản thân khỏi các vụ kiện bằng sáng chế tại đó".

Đầu tháng này, Xiaomi đã ký xong một hợp đồng cấp phép và trả phí cho Nokia, sau thỏa thuận chuyển giao bằng sáng chế với gã khổng lồ phần mềm Microsoft vào tháng Năm năm ngoái.

Vào ngày 28/7, Xiaomi đã cho biết công ty đang có 4806 bằng sáng chế, 2404 trong số đó là bằng quốc tế, điều này cung cấp nền tảng vững chắc cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của Xiaomi.

Văn Hoàn
Nguồn ICT News