Sáu xu hướng tiêu dùng trong ngành thực phẩm toàn cầu

Những xu hướng tiêu dùng trong ngành thực phẩm trên thế giới có thể cần một độ trễ nhất định khi đến Việt Nam. Tuy vậy, việc biết được những xu hướng này có thể giúp doanh nghiệp có những chiến lược chuẩn bị dài hạn cần thiết.

Từ quan sát tại những hội chợ cũng như hội thảo quốc tế gần đây, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về thị trường bán lẻ và nhượng quyền, đã chia sẻ về sáu xu hướng lớn trong lĩnh vực thực phẩm toàn cầu hiện nay. Buổi chia sẻ diễn ra vào chiều 27-7 tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).

Cụ thể, có xu hướng về niềm tin, tiêu dùng mọi lúc mọi nơi, sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế, dịch vụ đăng ký dài hạn, cá nhân hóa dinh dưỡng cho người dùng và sau cùng, đó là nhu cầu xuất hiện từ những hộ gia đình độc thân.

Nói đến xu hướng niềm tin nhất thiết phải đề cập tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Trong xu hướng này, người dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm hữu cơ mà còn chú ý nhiều đến tính bản địa của sản phẩm.

Trong cuộc sống hiện đại, con người càng trở nên bận rộn và họ thích những sản phẩm tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Tiện lợi không chưa đủ mà còn phải có mọi lúc mọi nơi.

Nguyễn Phi Vân

Bà Nguyễn Phi Vân trong buổi chia sẻ về xu hướng tiêu dùng trong ngành thực phẩm toàn cầu. Ảnh: ĐT.

Đối với xu hướng xuất hiện những phẩm thay thế, bà Vân đưa ra nhiều ví dụ, đáng chú ý là câu chuyện cà phê sữa dừa, một sản phẩm được Starbucks giới thiệu gần đây tại Mỹ. Theo đó, thay vì dùng các loại sữa như trước kia, chuỗi cà phê nổi tiếng này chọn loại sữa làm từ dừa để tạo ra những sản phẩm mới.

Trong bình luận ngắn về ví dụ này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, cho rằng đó là cơ hội đáng chú ý cho Bến Tre, nơi nổi tiếng với dừa và các sản phẩm từ dừa. Tuy thấy được xu hướng thị trường như vậy, nhưng theo bà Hạnh, để nắm bắt được cơ hội này, không phải là chuyện dễ dàng.

Mô hình đăng ký sử dụng dịch vụ dài hạn không phải là câu chuyện mới. Nó xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực như xem phim, tập thể dục.. Tuy vậy, trong lĩnh vực thực phẩm, đây là một xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ với nhiều dịch vụ mới được cung cấp bởi những công ty khởi nghiệp.

Việc đăng ký không dừng lại đơn thuần ở những nhu cầu chung như tháng này người dùng cần bao nhiêu ký gạo, mấy lít dầu ăn... mà đi sâu vào nhu cầu thực phẩm của từng ngày. Ví dụ như trường hợp của Hello Fresh, đơn vị này có thể giao công thức nấu ăn và nguyên liệu được chuẩn bị sẵn theo yêu cầu hàng ngày của người dùng. Bên cạnh Hello Fresh, bà Vân còn đưa ra một số công ty khác như Paleo Life Box, Graze.com...

Với sự phát triển của công nghệ, việc cá nhân hóa nhu cầu dinh dưỡng đã trở thành hiện thực và đi vào cuộc sống. Năm 2016, công ty Campbell Soup đã mua lại Habit, một startup chuyên ngành dịch vụ bữa ăn cá nhân hóa dinh dưỡng. Habit hoạt động như sau: họ yêu cầu khách hàng cung cấp các chỉ số cơ thể, chiều cao, cân nặng, vòng eo... và hoàn thành một bài kiểm tra tại nhà để lấy 60 chỉ số sức khỏe cần thiết. Từ dữ liệu thu được, Habit phân tích chế độ dinh dưỡng theo mục tiêu sức khỏe của khách hàng đặt ra. Và từ đó, cung cấp các bữa ăn phù hợp.

Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Xu hướng cá nhân hóa nhu cầu dinh dưỡng còn được thúc đẩy bởi một xu hướng khác đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hộ gia đình độc thân. Theo bà Vân, người trẻ ngày càng thích cuộc sống độc thân, hoặc kéo dài cuộc sống độc thân. Xu hướng này, đến lượt nó, lại kéo theo những nhu cầu khác mà các doanh nghiệp cần quan tâm. Vì sống độc thân nên họ có thiên hướng chọn những căn hộ nhỏ; và vì căn hộ nhỏ nên họ sẽ ưu tiên chọn những thực phẩm có kích thước nhỏ, đi kèm đó là các thiết bị làm bếp đa năng.

Xin quay lại nhu cầu thứ năm đó là việc cá nhân hóa nhu cầu dinh dưỡng. Thay vì chỉ dừng lại ở khía cạnh dinh dưỡng, việc cá nhân hóa, theo bà Vân, có thể mở rộng ra với sở thích cá nhân và phân khúc khách hàng. Đối với hai yếu tố này, sự xuất hiện của máy in 3D trong ngành thực phẩm đem đến một giải pháp khả thi. Nói rõ hơn thế này, nhờ công nghệ in 3D, doanh nghiệp có thể in ra những sản phẩm theo hình dạng mà khách hàng yêu cầu. Khách cần một cái bánh socola hình con voi, chuyện không quá phức tạp.

Máy in 3D còn giúp doanh nghiệp tiếp cận một phân khúc khách hàng tiềm năng đó là người già. Người già họ vẫn thích ăn đùi gà nhưng đùi gà thật thì dai quá, không cắn được. Thế nhưng, nhờ máy in 3D, từ nguyên liệu thị gà xay nhuyễn, người dùng có thể in ra một cái đùi gà nhìn như thật, vừa mềm, vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.

Những ví dụ trên không còn nằm ở ý tưởng mà đã là những sản phẩm chính thức mà bà Vân có dịp dùng thử tại các hội chợ. Chuyện có thể khó tin, nhưng như bà Vân chia sẻ, đó là điều đã diễn ra trên thế giới và rất có thể, sẽ có ngày diễn ra tại Việt Nam.

Đức Tâm
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn