Ngành vận tải hàng không Việt Nam: Muốn bay mà vẫn phải chờ

Trong vòng 15 năm qua, Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về vận tải hàng không.

Nhiều chuyên gia dự đoán rằng năm nay, ngành hàng không khu vực này sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng xấp xỉ 10%, trong đó nổi bật là sự tăng tốc của hai thị trường Việt Nam và Myanmar. Cùng với việc xuất hiện thêm hãng bay mới trong tương lai gần, ngành vận tải hàng không Việt Nam đang có cơ hội để vươn tới kỳ vọng tăng trưởng đến 20%. Nhưng với “chiếc áo” hạ tầng đã quá chật như hiện tại, liệu các hãng hàng không có được bay bổng như mơ ước hay tiếp tục nhường cơ hội cho những đồng nghiệp láng giềng?

Một trong ba thiết kế của Sân bay quốc tế Long Thành.

Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của phân khúc vận chuyển hàng không giá rẻ (LCC) đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của ngành vận chuyển hàng không khu vực Đông Nam Á hiện nay. Trong năm 2016, hầu hết các thị trường hàng không của các quốc gia trong khu vực đều có sự gia tăng về lượng hành khách, trong đó Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có tăng được ít nhất là 9%, còn những thị trường lớn như Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đạt được kết quả cao hơn năm 2015. Mặc dù vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với toàn thế giới (chỉ khoảng 6% thị phần) nhưng thị trường vận chuyển Đông Nam Á đang phát triển nhanh hơn so với mức trung bình của toàn cầu. Riêng với thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam, 2017 được xem là năm đánh dấu sự trở mình đặc biệt khi chỉ trong sáu tháng đầu năm, tổng lượt hành khách mà các hãng hàng không đã phục vụ lên đến con số 27,6 triệu, đạt mức tăng trưởng 17% so với năm trước. Nếu lượng hành khách trên các chuyến bay quốc tế đạt 12 triệu lượt thì trên các chuyến bay nội địa còn cao hơn, tới những 15,6 triệu lượt. Hàng không giá rẻ vẫn chiếm thị phần cao hơn hàng không truyền thống (57% so với 43%). Theo giới phân tích, xu hướng sử dụng hình thức hàng không giá rẻ trên phân khúc nội địa của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay. Tương tự, trên đường bay quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã có một năm đáng nhớ với hàng loạt đường bay mới được khai trương và nhiều kế hoạch phát triển. Hiệp định mở cửa bầu trời giữa các quốc gia Đông Nam Á cũng tạo ra cơ hội để các hãng hàng không Việt Nam nỗ lực củng cố năng lực và gia tăng thị phần để có thể đủ sức cạnh tranh với hơn 52 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác hơn 78 đường bay đi và đến Việt Nam như hiện nay.

Sự ách tắc tại cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất.

Lãnh đạo các hãng hàng không Việt Nam đang kỳ vọng mức tăng trưởng không dưới 20% của ngành vận tải hàng không nước nhà trong năm nay. Điều đó có thể dễ dàng trở thành hiện thực nếu như cơ sở hạ tầng được đầu tư kịp thời và các định hướng chiến lược phát triển vận tải hàng không sớm được hiện thực hóa. Theo CAPA (Center for Asia Pacific Aviation), lợi nhuận biên trung bình của thị trường hàng không khu vực Đông Nam Á làm giảm đáng kể mức trung bình của toàn cầu trong năm 2016 và dự đoán sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2017. Nguyên nhân được cho là do sự quá tải tại các sân bay trong khu vực, áp lực về doanh thu và lợi nhuận trong cạnh tranh. Tại Việt Nam, cũng vì sự yếu kém về mặt hạ tầng cơ sở nên để giảm áp lực, Cục Hàng không phải đưa ra quy định hạn chế số máy bay sẽ sắm thêm của các hãng hàng không, cụ thể là trong giai đoạn 2016-2020 chỉ cho phép tăng thêm 230 chiếc, ít hơn nhiều so với số đơn đặt hàng mà các hãng hàng không đã ký với các nhà sản xuất máy bay. Việc cấp quản lý bắt buộc phải đưa ra hạn chế đó trong khi vận tải hàng không đang bước vào cơ hội phát triển mạnh có thể xuất phát từ sự chậm trễ trong việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất – cửa ngõ bầu trời quan trọng nhất tại phía Nam, sự ì ạch trong tiến trình xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành và sự bất hợp lý trong đầu tư khai thác tại các sân bay địa phương. Nếu không giải quyết được sớm những thách thức liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng trong những năm tiếp theo, ngành vận tải hàng không Việt Nam có thể sẽ giẫm vào “vết xe đổ” của ngành hàng không Indonesia, khi có nhiều hãng hàng không hoạt động mà các sân bay vẫn xưa cũ, tạo nên áp lực quá lớn cho công tác quản lý, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cũng như tình trạng hoãn, hủy chuyến tràn lan.

Hình ảnh máy bay của Vietjet Air.

Thị trường hàng không Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng dành cho các nhà đầu tư. Sự thành công của Vietjet Air là một ví dụ cụ thể cho thấy sức hấp dẫn của thị trường 90 triệu dân này. Nhiều hãng hàng không có thế lực phía sau là những nhà đầu tư lớn đã sẵn sàng tham gia cuộc đua này như Bamboo Airlines, Vietstar Airlines hay cả một liên doanh với AirAsia đang vẽ nên một viễn cảnh vô cùng sôi động dành cho thị trường hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, có lẽ các nhà đầu tư và cả người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục chờ, bởi bầu trời thì rộng nhưng sân đỗ vẫn còn quá hẹp. Xin kết bài viết bằng phát biểu của một vị lãnh đạo Cục Hàng không: “Nhà nước phải lo đáp ứng về hạ tầng, về năng lực quản lý hàng không, nhưng việc phát triển hạ tầng đến đâu và như thế nào cũng còn phải phụ thuộc vào năng lực của mỗi quốc gia”.

Huỳnh Khôi
Nguồn Doanh nhân Cuối tuần