Mạng xã hội – kênh bán hàng cực hiệu quả của doanh nghiệp tại Trung Quốc

Cũng giống như các nhân vật nổi tiếng ở phương Tây, ngôi sao mạng xã hội tại Trung Quốc dễ dàng kiếm tiền từ những thông tin liên quan đến cuộc sống của mình.

Gogoboi dành một tháng để mặc đồ có hình nhân vật hoạt hình Pokemon. Yao Chen, nữ hoàng mạng xã hội Trung Quốc, gặp gỡ những người tị nạn trong một tháng.

Cũng giống như tại Mỹ, ở Trung Quốc, những người dẫn dắt đám đông (key opinion leaders – KOL) có thể là bất kỳ ai, một cô gái bình thường cho đến diễn viên nổi tiếng. Trang mạng xã hội của họ đang trở thành công cụ kiếm tiền hiệu quả, theo Financial Times đưa tin.

Họ thường có lượng người theo dõi cao trên mạng xã hội, trong trường hợp của Yao Chen, cô có đến 80 triệu người theo dõi. Và cũng giống như các nhân vật nổi tiếng ở phương Tây, họ dễ dàng kiếm tiền từ những thông tin liên quan đến cuộc sống của mình.

Giám đốc công ty tư vấn toàn cầu R3, ông Greg Paull, nhận xét: “Ở Trung Quốc, những KOL đã thực sự trở thành công cụ truyền thông hiệu quả. Giờ đây, mỗi khi các nhãn hàng tung ra sản phẩm mới, ngoài ngân sách dành cho chương trình quảng cáo trên truyền hình hay một số chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông khác, họ luôn có ngân sách dành cho các KOL.” Thậm chí, ngân sách dành cho KOL đang lấy đi số tiền lẽ ra được chi tiêu cho các kênh quảng cáo khác truyền thống.

Ngôi sao mạng xã hội Yao Chen tại Trung Quốc. Ảnh: Telegraph.

Những công ty sản xuất hàng tiêu dùng ví như Unilever hay công ty kinh doanh hàng xa xỉ như Burberry và Gucci đã nhanh chóng bắt kịp xu thế sử dụng KOL để quảng bá về sản phẩm của mình.

Kênh truyền thông mới này đã mang đến nhiều hiệu quả bất ngờ. Hãng sản xuất đồng hồ Jaeger-LeCoultre cho biết từ khi quảng cáo thông qua KOL, tỷ lệ nhận diện thương hiệu của hãng tăng lên hơn gấp đôi, theo tính toán của Baidu. Trước đó, Jaeger-LeCoultre đã chạy một chiến dịch quảng cáo với blogger nổi tiếng Papi Jiang. Cùng lúc đó, diễn viên Kris Wu đã giúp tăng doanh số bán hàng đáng kể cho Bulgrai và Burberry.

Một số nhãn hàng xa xỉ như Longines hay Tiffany cũng đã chạy một số chương trình với hai ngôi sao tuổi vị thành niên này để thu hút thêm sự quan tâm của những người tiêu dùng trẻ.

Khi mà các tập đoàn nước ngoài ngày một quan tâm đến KOL như một cách để bán được nhiều hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc, số tiền họ chi cho các KOL đang tăng nhanh chóng mặt.

Hãng đồng hồ Jaeger-LeCoultre trả ít nhất 5 triệu nhân dân tệ tức 731.000USD cho đoạn video kéo dài 30 giây được đăng tải trên trang cá nhân của blogger nổi tiếng Papi Jiang, theo tính toán của công ty Kevin Gentle of Madjor.

Dù các hãng phải chi số tiền cao như vậy cho KOL nhưng hiệu quả tích cực đến nhãn hàng hoàn toàn xứng đáng với số tiền mà họ đã bỏ ra. Ví như trong trường hợp diễn viên Yang Mi, cô đã chia sẻ những hình ảnh về bữa tiệc sinh nhật của mình được nhà thiết kế Michael Kors tổ chức tại một khách sạn ở New York trên trang cá nhân.

Diễn viên Yang Mi chia sẻ những hình ảnh về bữa tiệc sinh nhật của mình được nhà thiết kế Michael Kors trên trang cá nhân.

Ảnh: top-news.top

Với 72 triệu người theo dõi, với những bức ảnh được cập nhật thường xuyên cũng như được truyền trực tiếp trên trang cá nhân của cô, nội dung liên quan đến bữa tiệc sinh nhật này đã nhận được hơn 12 triệu bình luận và lượt yêu thích.

Trong trường hợp của Trung Quốc, sự phát triển của các KOL đã tạo ra hẳn một ngành chuyên hưởng lợi. Các KOL không chỉ nhận được tiền quảng cáo nhãn hàng mà họ còn nhận được tiền từ những người hâm mộ khi người hâm mộ gửi đến người họ ưa thích những món quà hay tiền ảo.

Ngoài ra, họ cũng nhận được nhiều tài trợ cho cuộc sống hàng ngày của mình, ví như hãng trang sức De Beers tài trợ toàn bộ cho đám cưới của cặp đôi Liu Shishi và Wu Qilong.

Những KOL có sức ảnh hưởng lớn còn có thể gọi được đầu tư cho chính công ty của họ. Ví như Papi Jiang từng huy động được hơn 2 triệu USD vào công ty của cô. Nhóm nhạc nữ SNH48 trong khi đó đã giúp cho tập đoàn truyền thông sở hữu họ Star48 Culture and Media Group nhận được khoản đầu tư trị giá 150 triệu USD.

Ngành công nghiệp KOL của Trung Quốc ước tính có quy mô khoảng 58 tỷ nhân dân tệ vào năm 2015 và được dự báo sẽ chạm mốc 100 tỷ nhân dân tệ trong năm 2018. Trang mạng xã hội Weibo công bố số liệu cho thấy trong năm ngoái Weibo đã nhận được 1,7 tỷ USD tiền quảng cáo.

Trung Mến
Nguồn BizLive