Làm giàu nhờ linh vật

Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, nhiều doanh nghiệp, nhất là các hãng công nghệ đã sử dụng con vật để làm đại diện cho mình.

Dù bị hỏi đột ngột và chỉ mới trả lời bộc phát nhưng từ phát biểu của những người lãnh đạo doanh nghiệp tại buổi tọa đàm “Đối thoại doanh nghiệp tỉ đô” do NCĐT tổ chức gần đây thì báo gấm, bồ câu, heo rừng hiện là những con vật được Thế Giới Di Động, Vietjet Air, Masan Nutri-Science chọn làm biểu tượng.

Theo lý giải của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới Di Động, “báo gấm là con vật khi cần tăng tốc thì sẽ đạt 180 km/h trong 15 giây đầu. Báo gấm cũng có khả năng leo cây, bơi dưới nước, khả năng thích nghi với môi trường tương đối nhanh”. Còn ông Phạm Trung Lâm, CEO Masan Nutri-Science, chọn heo rừng vì “heo rừng nhanh hơn cả báo”. Trong khi đó, ông Lưu Đức Khánh, CEO Vietjet, cho rằng: “Chim bồ câu không những phù hợp với ngành hàng không vốn luôn bay cao, bay xa mà tính cách loài vật này rất hòa nhã. Chỉ chim bồ câu mới miêu tả chính xác tính cách, thương hiệu và chiến lược của Vietjet”.

Vũ khí thương hiệu

Cả 3 nhà lãnh đạo đều ít nhiều bất ngờ và bối rối khi phải đưa ngay ra đáp án trong tình huống thiếu sự chuẩn bị. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO của FPT, cũng là người điều phối buổi tọa đàm, lại có câu hỏi cắc cớ này.

Ông Nam kể, thầy ông từng tâm sự, các cao thủ võ lâm học rất nhiều từ các con vật và sáng chế ra những thế võ mới. Nhưng để hiểu kỹ con vật, phải tìm được đến tận bản năng của nó. Chẳng hạn, bản năng của con thỏ thể hiện rõ nhất khi nó bị nắm tai xách lên. Từ câu chuyện của thầy, ông Nguyễn Thành Nam rất tò mò muốn biết các doanh nghiệp tự cho mình là con gì. Tất nhiên không là con gì cũng chẳng sao cả. Nhưng ông Nam nhận thấy, người đầu tiên trên thế giới đề cập đến vấn đề này là tỉ phú Bill Gates, khi ông ta so sánh các lập trình viên Microsoft với một đàn mèo. Rất thông minh, tự lực, nhưng không thể dạy được.

Ở FPT, ngay từ buổi ban đầu, câu chuyện “con gì?” đã được tranh luận sôi nổi. Có 2 trường phái xuất hiện, giữa một bên ví mình như một con cá mập và một bên cho FPT như đàn cá măng. Nghiêm túc đến nỗi, một nhà sáng lập tách ra để thực hiện trường phái “đàn cá” của mình. Câu chuyện sau đó quay trở lại. Lúc đầu ông Trương Gia Bình cho FPT là đàn sói, sau chuyển sang voi. Gần đây nhất là đàn sư tử.

“Có vẻ như anh ấy vẫn chưa hiểu được bản chất của con vật mà mình so sánh”, ông Nam nói vui. Về cá nhân mình, ông Nam thích ví FPT với hình ảnh một đàn ong chăm chỉ, cần mẫn, lúc cần có thể xả thân để cứu tổ. Theo ông Nam, tính cách FPT thể hiện đúng nhất không phải lúc gồng mình, mà là ở những cuộc họp đầy thư giãn, khi ai cũng có thể châm chọc ai, nhưng người ngoài không được động vào.

Thực tế, giữa người và vật luôn có mối gắn kết. Theo một thống kê, người Mỹ nuôi khoảng 180 triệu thú nuôi từ chó, mèo tới các loài bò sát. Còn ở Nhật, có những đảo nhỏ mà hàng trăm loài sinh vật, như thỏ, mèo, hươu... đến sinh sống rất đông. Chúng tự do đi lại, tìm kiếm thức ăn và rất dễ kết nối với con người.

Vì thế, nhiều quốc gia đã chọn linh vật làm biểu tượng. Nếu như Pháp có chú gà trống Gô-loa tượng trưng cho tinh thần bất khuất thì Anh có 3 chú sư tử, hiện thân của lòng dũng cảm. Riêng Mỹ lấy hình ảnh đại bàng sải cánh vạn dặm để nhấn mạnh tinh thần tự do.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhà tư vấn thương hiệu Dean Crutchfield (Mỹ) từng đánh giá: “Việc sử dụng hình ảnh con vật sẽ tạo ra sự gần gũi, ấm áp và tin cậy cho sản phẩm. Nếu được phóng tác đúng cách, hình ảnh linh vật trên logo công ty khó bị ngó lơ”. Do đó, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, nhiều doanh nghiệp, nhất là các hãng công nghệ đã sử dụng con vật để làm đại diện cho mình. Đó là thỏ Mi của Xiaomi, chim cánh cụt của Tencent và Linux, cáo lửa của Mozilla, voi của Evernote và IBM, chú chim xinh của Twitter...

Trong những ngành khác như thực phẩm, đồ uống, xe hơi, giải trí, đồ chơi… các hãng đã rất thành công khi sử dụng hình ảnh loài vật để tạo ấn tượng marketing. Có thể kể ra hàng loạt các trường hợp như chú hổ Tony của Kellogg, con tôm hùm của Red Lobster, chú bò của Chick-fil-A, gấu trúc của Panda Express, hươu cao cổ của Deere & Co, con cú của TripAdvisor… Ngay những tên tuổi đã không còn giữ vị trí đầu bảng kinh doanh như hãng xe Jaguar thì nhờ logo đặc biệt, với hình tượng con báo mà thương hiệu Janguar vẫn luôn in đậm trong tâm trí nhiều người. Hay chỉ cần nhìn logo đầu chuột Mickey là biết ngay của hãng Walt Disney.

Ở Việt Nam, nhiều công ty đã biết gắn con vật với sản phẩm. Đó là cám Con Cò của Proconco (thuộc Masan), mì Gấu Đỏ của Asia Foods, bánh đậu xanh Rồng Vàng... Một số công ty cũng đã dùng linh vật làm đại diện cho mình như đàn bò sữa của Vinamilk, rồng đỏ của Sabeco, chú gà con của Beeline... Còn nhớ, TVC quảng cáo của Beeline từng được khách hàng yêu thích nhất với 78% người dùng nhận biết được Beeline chỉ sau 2 tháng ra mắt.

Sống tốt nhờ linh vật

Những thương hiệu gắn với linh vật thường tồn tại lâu bền trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngoài chọn lựa con gì làm biểu tượng, các doanh nghiệp còn phải biết sáng tạo trong thiết kế và truyền tải thông tin. Đó thường là kết hợp giữa tạo dựng hình ảnh logo có sức liên tưởng mạnh với chiến dịch quảng cáo hiệu quả và slogan đắt giá. Chẳng hạn, dù bán burger gà nhưng Chick-fil-A lại chọn những chú... bò làm linh vật, với câu slogan hài hước: “Eat mor Chikin” - Hãy ăn nhiều gà hơn. Khách hàng đã quá đỗi kinh ngạc và thích thú. Chỉ trong thời gian ngắn, chuỗi nhà hàng Chick-fil-A đã nổi đình nổi đám, đe dọa cả những đối thủ đáng gờm như McDonald’s, Subway hay Burger King.

Ở Việt Nam, một thời, đi đâu người ta cũng nghe trẻ em và người lớn nghêu ngao hát “trăm phầm trăm, trăm phần trăm sữa tươi nguyên chất trăm phần trăm”, từ một video quảng cáo đầy vui nhộn của Vinamilk.

Rõ ràng, chọn lựa linh vật và triển khai quảng bá một cách sáng tạo, đơn giản, ấn tượng đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tạo được sự chú ý, gia tăng thị phần, sức cạnh tranh, đẩy mạnh doanh thu. Ở tầm cao hơn, các doanh nghiệp còn có thể tận dụng được nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn khác.

Điển hình tại Nhật, hình ảnh mèo xuất hiện trong nhiều chiến dịch quảng cáo của Nhật. Thế giới cũng háo hức với những bộ sưu tập dụng cụ, đồ vật mang thương hiệu mèo Hello Kitty, mèo Doremon. Tính đến nay, sau 43 năm hiện diện, mèo Kitty đã có mặt tại 70 quốc gia, trong hơn 50.000 dòng sản phẩm, từ thẻ tín dụng, trang sức, phim ảnh, báo chí, thiết bị công nghệ... Hằng năm, cô mèo Kitty mang về cho Công ty Sanrio hơn 7 tỉ USD. Đây cũng là con số mà hãng phim nhà chuột Walt Disney đã đạt được trong năm 2016, trở thành hãng phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại...

Sau gần 90 năm hoạt động, Mickey đã xuất hiện trong khoảng hàng trăm bộ phim, hàng ngàn truyện tranh và nhiều đồ lưu niệm... Mickey còn là đề tài ưa thích của các họa sĩ, nhà thiết kế tem thư trên thế giới thỏa sức sáng tạo. Cựu Tổng thống Mỹ, ông Jimmy Carter từng ví von “Mickey là đại sứ thiện chí, nhà trung gian hòa bình, nói thứ ngôn ngữ của tình bạn trên khắp thế giới”. Về phần mình, mèo Kitty cũng giữ vai trò rất ý nghĩa khi được chọn làm phái viên ngoại giao của Nhật, đại sứ du lịch chính thức của Nhật đến Trung Quốc và Hồng Kông.

Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào dựa vào linh vật mà tạo được tiếng vang lừng lẫy và hiệu ứng lan tỏa như các công ty nước ngoài. Nhưng với vai trò đã được chứng minh, các chuyên gia tin rằng, doanh nghiệp sẽ dần quan tâm và nhấn mạnh đúng mức hơn đến đầu tư, khai thác hiệu quả linh vật.

Thủy Ngọc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư