Tranh cãi về Uber và Crab: Nhìn về khía cạnh người tiêu dùng

Uber và Grab đang được nhiều người nhắc đến như kẻ "phá bĩnh" ngành taxi truyền thống. Các hãng taxi bị thất thu nghiêm trọng, thu nhập của các tài xế cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều người cho rằng Uber đang cạnh tranh không lành mạnh, không đóng thuế đầy đủ, luôn áp dụng chính sách khuyến mãi hậu hĩnh để phá giá... Số khác bảo Grab và Uber gây kẹt xe, tắc đường (vì quá nhiều người mua hoặc thuê xe để chạy Uber hoặc Grab). Trăm tội nặng, nhẹ đang được quy kết cho dịch vụ vận chuyển hành khách "không xe" này.

Trong khi đó, đa số người tiêu dùng lại ủng hộ Uber và Grab vì họ được hưởng lợi. Nhờ có 2 dịch vụ taxi "không xe" này mà người tiêu dùng giảm được đáng kể chi phí đi lại. Họ cũng có nhiều lựa chọn hơn là chỉ mỗi taxi truyền thống, vốn có giá khá cao và nhiều lúc gọi xe không có. Chưa kể, không ít tài xế taxi truyền thống có thái độ phục vụ kém, nhiều xe cũ kỹ do hãng và tài xế không quan tâm chăm sóc.

Không ít người bán luôn ô tô của mình để chuyển sang đi Grab hoặc Uber. Số khác đưa luôn xe riêng vào hợp tác kinh doanh với hai hãng này.

Ảnh: Quý Hòa.

Có thể nói, chính Uber và Grab (trong đó có dịch vụ vận chuyển bằng xe máy), một mặt làm nhiều tài xế taxi bỏ việc (do thu nhập giảm sút), mặt khác lại tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động. Đặc biệt, đội ngũ xe ôm Grab Bike, Uber Moto có thể đã lên đến hàng chục nghìn người. Nhiều người trong số đó là sinh viên, sau giờ học tranh thủ chạy xe ôm kiếm tiền trang trải học phí và sinh hoạt phí...

Đưa các dịch vụ Grab và Uber vào guồng quản lý để tránh thất thu thuế là việc các cơ quan chức năng cần làm. Nhưng nếu vì những lý do như gây khó khăn cho ngành taxi truyền thống, hay gây tắc đường, kẹt xe mà triệt bỏ hay làm khó hai dịch vụ này thì rất không nên.

Thứ nhất, như trên đã nói, Grab và Uber đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, trong đó có sinh viên, người lao động phổ thông (là tài xế xe ôm).

Thứ hai, nếu có nhiều ô tô chạy Grab, Uber thì cũng có thể giảm thiểu ô tô cá nhân vì nhiều người sở hữu ô tô cá nhân đã bán xe để đi Grab, Uber cho tiện.

Thứ ba, taxi truyền thống chạy quá nhiều cũng làm tăng mức độ kẹt xe, tắc đường chứ không chỉ Uber hay Grab.

Và suy cho cùng, không gì quan trọng bằng số đông người tiêu dùng được hưởng lợi.

Nếu các hãng taxi truyền thống muốn tồn tại, theo quy luật thị trường, cách tốt nhất là phải cải tiến sản phẩm, dịch vụ, phương pháp quản lý và điều hành.

Nếu các hãng taxi truyền thống muốn tồn tại, theo quy luật thị trường, cách tốt nhất là phải cải tiến sản phẩm, dịch vụ, phương pháp quản lý và điều hành để cạnh tranh sòng phẳng cả về chất lượng lẫn giá cả, chứ không phải bằng cách triệt hạ, không cho đối thủ hoạt động.

Người tiêu dùng ai cũng biết, vài "ông lớn" taxi từng làm mưa, làm gió nhờ tận dụng chính sách ưu đãi là hạn chế các hãng taxi nhỏ tham gia thị trường. Các doanh nghiệp lớn về taxi gần như là độc quyền và từng rất an toàn nhờ vào rào cản gia nhập (entry barrier) khá cao này.

Đó cũng là lý do các thương hiệu taxi này luôn "chảnh", đưa ra mức giá cao, quản lý tài xế kém, dẫn đến cảnh phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách...

Chính nhờ có Uber và Grab mà các doanh nghiệp taxi mới buộc phải xem lại mình. Các doanh nghiệp này bắt đầu bớt cậy thế độc quyền để áp giá tùy thích. Còn nhớ, khi xăng dầu lên giá, các "ông lớn" taxi tăng giá cước rất nhanh và rất đáng kể; nhưng khi xăng dầu giảm giá thì họ cứ đủng đỉnh, từ từ giảm giá và cũng chỉ giảm chút đỉnh cho có.

Cách hành xử này làm mất thiện cảm của người tiêu dùng. Vậy nên khi có các hãng khác nhảy vào, phục vụ lịch sự hơn, giá rẻ hơn, các "ông lớn" mất khách là điều không có gì phải ngạc nhiên.

Kiện thưa hay tìm cách triệt hạ nhau không phải là giải pháp căn cơ. Thay vào đó, hãy tự mình cải tiến sản phẩm, dịch vụ, đầu tư cho công nghệ, tái cấu trúc bộ máy, thay đổi phương pháp quản lý. Một khi thương hiệu đem lại giá trị tương xứng cho người tiêu dùng, họ sẽ chẳng bao giờ quay lưng.

Nguyễn Hữu
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn