Câu chuyện làm giàu nhờ hàng giá rẻ của “ông trùm” ngành nội thất Nhật

Tập đoàn Nitori đã có lãi đến 30 năm liên tiếp bất chấp việc kinh tế Nhật phải trải qua 6 lần suy thoái và một cuộc khủng hoảng nhà đất tồi tệ.

Bắt đầu từ thập niên 1990, kinh tế Nhật rơi vào “thập kỷ mất mát”. Các công ty bán lẻ Nhật chứng kiến tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm không ngừng từ năm 1998, theo thống kê của Hiệp hội kinh doanh siêu thị Nhật.

Tuy nhiên chỉ riêng Nitori vẫn “ăn nên làm ra” bởi hãng đã lựa chọn bán hàng cho phân khúc người tiêu dùng trung lưu vốn rất nhạy cảm với giá cả mỗi khi tình hình kinh tế khó khăn hơn. Tập đoàn Nitori đã có lãi đến 30 năm liên tiếp bất chấp việc kinh tế Nhật phải trải qua 6 lần suy thoái và một cuộc khủng hoảng nhà đất tồi tệ, theo câu chuyện về tập đoàn Nitori được Bloomberg đăng tải mới đây.

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Nitori thu hút khách hàng bằng khẩu hiệu “Giá cả luôn rẻ”, thậm chí giá sản phẩm của hãng giảm đến 12 lần chỉ trong vài năm. Và ông luôn yêu cầu nhân viên phục vụ khách hàng với tiêu chí khách hàng sẽ nhận được sản phẩm và dịch vụ bán hàng tốt vượt kỳ vọng.

Nhiều khách hàng Nhật rất hài lòng với sản phẩm của Nitori. Một khách hàng nam, anh Kaoru Uminuma, nhận xét: “Đồ của Nitori không quá thời trang nhưng giá luôn rẻ và chất lượng tốt.”

Ảnh: Bloomberg.

Ông Akio Nitori không phải người gốc Nhật. Được sinh ra tại đảo Sakhalin trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cậu bé Nitori được bố mẹ đưa đến sống ở Hokkaido, đảo cực Bắc của Nhật, khi mới 3 tuổi.

Khi đó, gia đình Nitori sống trong một căn hộ nhỏ chỉ khoảng 40 mét vuông và hoàn toàn không có đồ nội thất. Khi đi học, Nitori cũng không phải học sinh giỏi, ông vẫn còn nhớ mình là học sinh duy nhất trong trường tiểu học không thể viết chuẩn xác tên mình.

Và trong cuốn tự truyện được xuất bản năm 2015, ông cũng vẫn thừa nhận rằng mình không phải một người sống có kỷ luật: “Thậm chí cho đến tận bây giờ, tôi vẫn sống rất thoáng. Tôi uống rượu bia quá nhiều và thích lang thang. Chính vì vậy, nếu không có nhiều người hỗ trợ, tôi không thể thành công.”

Akio Nitori bắt đầu mở cửa hàng nội thất đầu tiên vào năm 1967. Sau đó khi mà ông mới làm chủ chỉ 2 cửa hàng ở Hokkaido, một ngày nọ, ông tuyên bố mình sẽ mở được 100 cửa hàng trên khắp nước Nhật, rất nhiều nhân viên đã bảo ông điên rồ, họ xin nghỉ việc. Thế nhưng Nitori không hề lùi bước.

Và đến hiện tại, Nitori đã có tất cả 488 cửa hàng, chủ yếu tại Nhật. Chỉ riêng trong năm 2017 này, Nitori mở thêm trung bình 4 cửa hàng mỗi tháng, bán đủ các loại hàng hóa từ ghế sofa, giá sách cho đến khăn tắm hay bát đĩa. Trong năm tài khóa kết thúc ngày Hai mươi tháng Hai, doanh thu của Nitori tăng 12% lên 513 tỷ yên tương đương 4,6 tỷ USD.

Hiện nay, Nitori có giá trị vốn hóa thị trường cao thứ 3 tại Nhật chỉ sau tập đoàn Seven & I Holdings Co nổi tiếng với chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và FastRetailing chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo.

Công việc kinh doanh của Nitori phát triển, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu Nitori cũng rất hài lòng khi mà chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu Nitori tăng giá đến 21% và hiện tại ở mức cao gấp 3 lần so với cuối năm 2012. Hiện nay, Nitori có giá trị vốn hóa thị trường cao thứ 3 tại Nhật chỉ sau tập đoàn Seven & I Holdings Co nổi tiếng với chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và FastRetailing chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo.

Trong ngành kinh doanh đồ nội thất, tập đoàn Nitori đứng đầu cả về doanh số và doanh thu bán hàng.

Hiện nay, tổng tài sản của ông chủ Nitori được tính toán ở mức khoảng 3,5 tỷ USD. Hiện ông đang là cổ đông lớn nhất trong tập đoàn Nitori.

“Ngành kinh doanh đó không hề dễ làm, thế nhưng Nitori là người biết kiếm tiền”, giáo sư ngành chiến lược kinh doanh tại đại học Hitotsubashi ở Tokyo, ông Ken Kusunoki, nhận xét.

Chính Nitori thừa nhận rằng ông đã học được rất nhiều ý tưởng kinh doanh từ người Mỹ. Trong một chuyến công tác đến California, Mỹ vào năm 1972, ông rất bất ngờ khi tại chuỗi cửa hàng nội thất của Sears và Levitz, nội thất Mỹ được bán với giá rất rẻ, chỉ bằng 30% so với Nhật. Và ông đã lập tức có tham vọng học hỏi từ người Mỹ để mang đến đồ nội thất giá rẻ chất lượng tốt cho người Nhật.

Trước tiên ông muốn mang cơ hội đó đến cho nhân viên của mình: “Tôi không thể tăng lương gấp ba cho nhân viên của mình nhưng tôi muốn trước tiên mang đến cho họ cơ hội được dùng đồ nội thất tốt với giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với hiện nay.”

Để làm được điều này, Nitori sẽ cần phải rút ngắn khâu phân phối để tiết kiệm chi phí. Hàng đến được Nitori đang phải đi từ nhà máy đến các công ty bán buôn rồi mới đến Nitori.

Ảnh: Nikkei.

Trong bối cảnh Nhật thập niên 1970, khá nhiều công ty bán buôn được sở hữu bởi những “tay chơi” có mối liên quan đến mafia Nhật (yakuza). Để tránh rắc rối với nhóm này, Nitori đã phải âm thầm đi gặp chủ các xưởng sản xuất vào buổi đêm để thỏa thuận mua hàng trực tiếp. Giá hàng nội thất nhờ vậy đã giảm được phần nào.

Đến đầu thập niên 1980, chiến lược quyết tâm bán hàng giá rẻ đã đưa ông đến Đài Loan, ông lục tung các cuốn danh bạ điện thoại tại Đài Loan để tìm được nhà cung cấp. Đến năm 2000, phần lớn đồ nội thất của Nitori đã được sản xuất tại Trung Quốc và nhiều nước có chi phí nhân công thấp ở châu Á khác.

Nitori hiện cũng đang có nhà máy tại Indonesia và Việt Nam. Hàng được sản xuất tại Đông Nam Á và sau đó nhập khẩu về Nhật để người Nhật có thể được dùng đồ giá rẻ.

Nitori cũng được đồn đại rằng đã sao chép rất nhiều thiết kế từ các đối thủ. Mỗi năm, hàng trăm nhân viên của Nitori bay đến Mỹ để đến thăm các gian hàng của Wal-Mart, Target, họ ăn mặc xuềnh xoàng như sinh viên và chụp hình mẫu sản phẩm.

Thập niên 1980 khi kinh tế Nhật đang tăng trưởng bùng nổ, dù các trợ lý hết lòng hối thúc Nitori mở cửa hàng tại Tokyo – thị trường giàu có nhất nước Nhật nhưng ông từ chối. Thay vào đó, ông chờ đến khi bong bóng nhà đất Nhật xì hơi và giá nhà đất sụp đổ.

 Akio NitoriVà thực tế đã cho thấy Nitori có lý do hợp lý để làm như vậy. Khi thị trường bất động sản sụp đổ, giá cho thuê mặt bằng tại Tokyo cũng giảm theo, Nitori tranh thủ cơ hội đó đưa sản phẩm vào thẳng những khu vực trung tâm nhất tại Tokyo. Cung lúc đó, ông tranh thủ cơ hội mở thêm nhiều cửa hàng tại trung tâm kinh tế Osaka.

Năm nay đã 73 tuổi, Nitori cho biết ông vẫn chưa có ý định sẽ ngừng làm việc. Hiện tại hoạt động kinh doanh tại Nhật được ông tạm thời giao cho người cộng sự lâu năm. Bản thân ông tập trung vào phát triển thương hiệu Nitori tại Trung Quốc. Từ năm 2014, ông đã mở 11 cửa hàng và đặt kế hoạch sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hàng trong năm nay.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thị trường, chiến lược cạnh tranh bằng giá rẻ của Nitori có thể không phát huy nhiều tác dụng tại đất nước vốn đã là công xưởng sản xuất hàng giá rẻ của thế giới. Có thể kể đến IKEA với nhiều gian hàng chật ních người nhưng chủ yếu đến đây để nằm, ngồi miễn phí hưởng điều hòa mát chứ không phải để mua hàng.

Dù vậy, Nitori vẫn rất quyết tâm, ông tham vọng sẽ mở được 3000 cửa hàng tại Trung Quốc trước năm 2032.

Trung Mến
Nguồn BizLive