Panasonic chi 1 tỷ yên bổ sung thêm dây chuyền tại nhà máy Việt Nam và Malaysia

Panasonic dự kiến sẽ sản xuất hơn 50% lượng tivi cho thị trường châu Á ở ngoài Nhật Bản vào năm 2020, tận dụng chi phí nhân công thấp để tạo ra thị trường đại chúng cho sản phẩm hàng đầu của mình.

Hãng điện tử Nhật Bản đặt mục tiêu sản lượng 3 triệu sản phẩm trong khu vực. Panasonic sẽ bổ sung thêm dây chuyền tại các nhà máy Malaysia và Việt Nam với chi phí khoảng 1 tỷ yên (8,98 triệu USD), để tăng cường đầu ra của các sản phẩm gồm cả tivi UHD 4K. Một số khâu phát triển thiết kế cho TV 4K cũng sẽ được chuyển từ Nhật Bản sang Malaysia để thúc đẩy quá trình phát triển.

Nhà máy Panasonic tại Malaysia là một trung tâm sản xuất lớn, xuất khẩu cả sang Nhật Bản. Chi phí nhân công thấp biến châu Á thành khu vực lý tưởng để lắp ráp TV, vì nhiều giai đoạn của quy trình vẫn phải làm bằng tay. Các nhà máy và trung tâm phát triển ở Nhật sẽ tập trung vào dòng TV 4K cao cấp hơn và màn hình OLED (diode phát sáng hữu cơ).

Nhà máy Panasonic Việt Nam.

Thị trường truyền hình châu Á đang mở rộng với tốc độ khá nhanh. Doanh thu của Panasonic trong khu vực tăng 11% trong năm kết thúc ngày 31/3, tổng doanh thu TV là 307,1 tỷ yên (2,75 tỷ USD). Khối lượng bán hàng toàn cầu đạt khoảng 6 triệu chiếc. Việc tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao giúp hoạt động kinh doanh của hãng bắt đầu sinh lời trong năm tài chính 2015 sau 7 năm thua lỗ.

Công ty này đã từ bỏ sản xuất màn hình plasma và tinh thể lỏng cho TV sau khi không cạnh tranh được với Hàn Quốc và các đối thủ khác về giá cả. Hiện tại, hãng đang làm việc để cải thiện công nghệ trong các lĩnh vực như xử lý hình ảnh và âm thanh.

Hoạt động bán và gửi hàng dự kiến sẽ giữ nguyên trong năm tài chính này. Tuy nhiên, Panasonic hiện đang chuẩn bị phát triển và lên kế hoạch mở rộng vào năm 2020, nhờ vào thị trường châu Á và việc khách hàng Nhật thay thế hoặc nâng cấp TV trước Thế vận hội Tokyo.

Trang Hồ / Nikkei
Nguồn Người đồng hành