Thị trường hàng không cần thêm cạnh tranh

Mới đây, Air Asia - một hãng hàng không của Malaysia thông báo sẽ liên kết với 3 đối tác là Công ty TNHH Gumin, Công ty CP Hàng không Hải Âu và doanh nhân Trần Trọng Kiên để thành lập một hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam, vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó Air Asia chiếm 30% cổ phần (tỷ lệ tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài), Gumin nắm 69,9% và doanh nhân Trần Trọng Kiên góp 0,1% vốn.

Liên doanh này dự kiến hoạt động vào năm 2018 với 2 máy bay, tập trung vào thị trường trong nước.

Air Asia được biết đến là hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng khi cung cấp những chuyến bay theo lịch trình nội địa và quốc tế với giá vé thấp hàng đầu châu Á. Trong năm 2009, hãng này đã được Skytrax bình chọn là Hãng hàng không giá rẻ tốt nhất trên thế giới.

Air Asia mỗi ngày khai thác hơn 500 chuyến bay quốc tế và nội địa, đến 66 thành phố. Trước đây hãng này đã có 3 lần muốn gia nhập thị trường hàng không Việt Nam nhưng đều bất thành.

Tuy nhiên, lợi thế giá rẻ của liên doanh trên có thể bị ảnh hưởng khi gần đây báo chí đưa tin việc lấy ý kiến về dự thảo áp khung giá sàn cho dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế Quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014 của Bộ Tài chính.

Ảnh: QH.

Theo đó, bên cạnh quy định về khung giá trần đã có, có thể áp khung giá sàn đối với các đường bay nội địa. Mặc dù ngay sau đó, báo chí đã đưa tin Cục Hàng không dân dụng lên tiếng bác bỏ rằng, chưa có đề xuất gì về việc dự thảo áp giá sàn vé máy bay.

Nhưng những thông tin kể trên đã dấy lên nỗi lo nếu việc áp giá sàn thành hiện thực thì không những là rào cản đối với Air Asia mà còn ảnh hưởng đến hãng hàng không giá rẻ Vietjet, vốn đã tăng được thị phần đáng kể trong những năm qua. Cụ thể sau 5 năm với chiến lược giá rẻ, Vietjet Air vươn lên nắm 41,5% thị phần bay nội địa, trong khi thị phần của Vietnam Airlines giảm mạnh, từ gần 75% xuống còn 42,5%.

Một thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia thì cạnh tranh sẽ tốt hơn, theo đó người tiêu dùng có thể hưởng lợi nhờ giá giảm. Do đó, việc áp giá sàn đối với giá vé máy bay có thể làm mất cơ hội đi máy bay của phần lớn khách hàng trong nước vì thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

Những doanh nghiệp hàng không giá rẻ đang nhắm nhiều hơn đến thị trường ngách là khách hàng có thu nhập thấp, không có điều kiện để tiếp cận dịch vụ bay vốn có giá quá cao. Các chương trình khuyến mãi giá rẻ của những hãng "giá cao" thường được xây dựng cho những tuyến vắng khách hoặc các tuyến mà ghế không thể lấp đầy.

Thống kê cho thấy chỉ mới 10% dân số Việt Nam tiếp cận được các dịch vụ hàng không, trong khi 90% còn lại chưa thể tiếp cận do giá vé cao hơn so với mức thu nhập.

Tiềm năng tăng trưởng của ngành hàng không tại thị trường Việt Nam đang thu hút khá nhiều nhà đầu tư tham gia. Thống kê cho thấy chỉ mới 10% dân số Việt Nam tiếp cận được các dịch vụ hàng không, trong khi 90% còn lại chưa thể tiếp cận do giá vé cao hơn so với mức thu nhập.

Trong khi đó, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng trưởng đều đặn qua các năm cũng giúp thị trường hàng không Việt Nam trở thành một trong những thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thời gian qua nhiều "đại gia" cũng đã xin góp vốn, mua lại hoặc đầu tư cải thiện các hạ tầng cơ sở sân bay.

Vì vậy, cần có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện gia nhập thị trường cho nhiều đối thủ cạnh tranh. Và các doanh nghiệp tham gia thị trường sẽ buộc phải tái cấu trúc hoạt động, tiết giảm chi phí để xây dựng chiến lược giá tốt hơn, từ đó tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng giúp khách hàng có nhiều cơ hội để tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhiều hơn.

Khánh Phương
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn