Euromonitor dự báo ngành thực phẩm nấu sẵn tăng trưởng bình quân 9% giai đoạn 2016 -2021

Cuộc sống bận rộn và vấn nạn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cùng sự phát triển của cửa hàng tiện lợi đã thúc đẩy ngành thực phẩm chuẩn bị sẵn phát triển nhanh. Vissan tiếp tục dẫn đầu thị phần, tiếp theo sau là Cháo sen Bát bảo Minh Trung. Thị phần của Masan tiếp tục sụt giảm nhẹ.

Dự báo ngành thực phẩm nấu sẵn tăng trưởng kép 9%/năm giai đoạn 2016 – 2021

Tổ chức nghiên cứu Euromonitor Internatonal đánh giá ngành thức ăn nấu sẵn ở Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 11,4% về giá trị, đạt mức 985 tỷ đồng và tăng 9,2% về sản lượng tiêu thụ, đạt mức 14.000 tấn trong năm 2016.

Nguồn: Số liệu Euromonitor.

Xét về giá trị, thức ăn sẵn khô tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ 15% so năm trước đó, tiếp theo là thức ăn trữ lạnh 11,5%, sau cùng là thức ăn bảo quản thường 10,8%. Xét về sản lượng, thức ăn khô tăng trưởng mạnh nhất trong năm với mức tăng 13%, thức ăn giữ lạnh tăng 9,3%, thức ăn bảo quản thường tăng 8,5%. Giá đã tăng trung bình 2% trong năm 2016.

Euromonitor cho rằng, cuộc sống bận rộn, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều người tiêu dùng Việt Nam như sinh viên, dân văn phòng, những người có ít thời gian nấu nướng; kèm theo đó là vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn đã khiến cho người tiêu dùng ngày một tin tưởng hơn vào thực phẩm chế biến sẵn của các công ty/doanh nghiệp thực phẩm có tiếng.

Nguồn: Số liệu Euromonitor.

Mức tăng trưởng của ngành trong năm 2016 cao hơn so với năm 2015 do cầu tăng lên, thu nhập tăng lên; các nhà sản xuất cũng biết cách đưa ra các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của người dùng và kênh phân phối được mở rộng, đặc biệt là việc phát triển các cửa hàng tiện lợi như B’s Mart hay Circle K….

Mặc dù tăng trưởng ở mức cao, nhưng mức tăng về sản lượng và giá trị của ngành, cũng như tính riêng cho từng dòng sản phẩm trong năm 2016 đều thấp hơn mức tăng bình quân của giai đoạn 2011 - 2016. Euromonitor dự báo đà tăng trưởng cao của ngành sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới, với mức tăng trưởng kép 9%/năm về sản lượng và 8,5%/năm về giá trị.

Nguồn: Số liệu Euromonitor.

Vissan tiếp tục chiếm gần 40% thị phần ngành

Vissan tiếp tục là đơn vị dẫn đầu ngành chiếm thị phần bán lẻ hơn 39%, tiếp theo sau là Minh Trung 17,2%, Đồ hộp Hạ Long 5,4%; Tuyền Ký 5,2%; Asia Food 4,6%. Thị phần của Masan ghi nhận năm thứ 2 sụt giảm liên tiếp đạt mức 2,2%, xếp sau cả Vifon đạt thị phần 2,9%.

Xếp sau Vissan là Minh Trung, tuy nhiên Minh Trung và Vissan không phải là đối thủ của nhau do sự khác biệt về dòng sản phẩm. Minh Trung nổi tiếng với dòng sản phẩm cháo bát bảo, cháo dinh hưỡng, súp, chè, đồ uống….

Nguồn: Số liệu Euromonitor.

Năm 2016, công ty Nhật Việt đang ghi nhận mức tăng trưởng giá trị cao nhất ngành 22%, với mạng lưới phân phối được mở rộng sẵn sàng cho việc đa dạng hóa sản phẩm trong dòng thức ăn sẵn giữ lạnh. Các sản phẩm của Nhật Việt với giá thành hợp lý, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Ngoài ra, sự tăng trưởng của Nhật Việt có liên quan đến sự mới mẻ. Sự phát triển mạnh mẽ của Nhật Việt có thể sẽ đe dọa thị phần của Việt Quán và Malai Bakery.

Trong khi đó, dòng sản phẩm mì gói và các sản phẩm tương tự, Asia Food và Vifon đang trở lại khi thị phần của 2 doanh nghiệp đang tăng lên hàng năm trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là Asia Food. Masan Consumer Corp, thành viên của Tập đoàn Masan (mã MSN) ghi nhận sự sụt giảm thị phần năm thứ 2 liên tiếp từ mức 3,5% vào năm 2014 xuống 2,2% vào ăm 2016.

Kết quả nghiên cứu thị trường của Euromonitor cho thấy, các món ăn thuần Việt vẫn đang chiếm ưu thế, bên cạnh các món Hoa, Pháp, Ý.

Hồng Quân
Nguồn BizLive