“Kết duyên” với Xiaomi, Digiworld có lấp đầy khoảng trống Nokia để lại?

Không Nokia và thị trường IT phát triển không như kỳ vọng đã khiến cho lợi nhuận của Digiworld sụt giảm trong 2 năm liên tiếp bởi doanh thu sụt giảm và chi phí tăng khi đầu tư phát triển cho các hoạt động kinh doanh mới. Và nay, Digiworld là nhà phân phối cho Xiaomi với các sản phẩm có phân khúc giá ngang Nokia.

Xiaomi vừa ký hợp tác chiến lược với CTCP Thế giới số - Digiworld (mã DGW). Theo đó, Digiworld sẽ chịu trách nhiệm phân phối, mở rộng thị trường và cung cấp bảo hành cho tất cả các dòng sản phẩm công nghệ của Xiaomi tại Việt Nam.

Ông Đào Hồng Việt, chủ tịch Digiworld cho biết, DGW và Xiaomi sẽ hợp tác phát triển thị trường cho toàn bộ hệ sinh thái mang tên Mi-Eco của Xiaomi, trước hết trong đợt ra mắt đầu tiên là 3 smartphone Redmi Note 4, Redmi 4A, Mi Mix, và các thiết bị linh phụ kiện.

Các sản phẩm đầu tiên của Xiaomi được nhập khẩu chính thức về Việt Nam qua Digiworld có phân khúc giá ngang các dòng sản phẩm của Nokia. Liệu Xiaomi có giúp Digiworld “lấp đầy” khoảng trống Nokia để lại trong thời gian tới không?

Năm 2015, Microsoft Nokia đã thay đổi chiến lược kinh doanh chuyển từ phần cứng sang phần mềm nên số lượng máy cung cấp cho thị trường sụt giảm mạnh qua đó đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Digiworld cũng như tác động đáng kể đến chiến lược sản phẩm của doanh nghiệp này.

Digiworld là nhà phân phối cho Xiaomi. Ảnh: trangcongnghe.com.

Năm 2015, Digiworld đạt 4.203 tỷ đồng doanh thu, giảm 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 103,5 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm 2014, và chỉ đạt 70% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Digiworld cho biết kết quả kinh doanh năm 2015 bị sụt giảm do mảng kinh doanh Nokia bị sụt giảm đến 64% so với năm 2014, .

Năm 2016, kỳ họp thường niên vào tháng 4/2016 Digiworld đặt kế hoạch doanh thu 5.430 tỷ đồng, tăng 29%; lợi nhuận sau thuế gần 140 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2015 khi không có đóng góp của Nokia. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm, Digiworld đã điều chỉnh giảm doanh thu thuần 27% từ mức 5.430 tỷ đồng xuống 3.951 tỷ đồng, trong đó giảm mạnh nhất là doanh thu từ điện thoại (-40%) xuống 1.388 tỷ đồng; máy tính giảm gần 16% xuống 1.947 tỷ đồng; thiết bị văn phòng giảm gần 22% xuống 576 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 53,5% từ mức 139,84 tỷ đồng xuống 65 tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, Digiworld đạt 67 tỷ đồng lơi nhuận sau thuế.

Dĩ nhiên, kết quả kinh doanh năm 2016 tiếp tục sụt giảm so với năm 2015 không chỉ bởi Nokia mà còn do thị trường IT không tăng trưởng như dự kiến; các rủi ro ngoài dự kiến đối với các sản phẩm mới liên quan đến thời gian giao hàng từ nhà sản xuất; chi phí marketing, nhân sự, cơ sở hạ tầng ứng trước chưa thu hồi được; các thương hiệu điện thoại còn khá mới ở Việt Nam (như Obi, Intex…).

Vì vậy, sau cú bắt tay với InfoFabrica (Singapore) để phân phối và cung cấp dịch vụ Cloud toàn diện, và hợp tác với Xiaomi, Digiworld có thể lấy lại được những gì đã mất trong 2 năm qua hay không chỉ có thời gian mới trả lời chính xác nhất. Nhưng cổ đông của Digiworld có thể kỳ vọng khi mà thị trường nội địa đang khá ưu ái với các sản phẩm công nghệ của Xiaomi, và bởi sản phẩm công nghệ của hãng này được tung ra thị trường với mức giá hợp lý để nhiều người, nhiều tầng lớp có thể tiếp cận.

Hồng Quân
Nguồn BizLive