Vì sao cửa hàng đồ chơi đua mở chuỗi?

Thị trường đồ chơi tăng trưởng mạnh mẽ thúc đẩy một cuộc đua ngầm giữa các nhà kinh doanh chuỗi cửa hàng đồ chơi trên toàn quốc.

Đối với những bậc cha mẹ thuộc thế hệ 8X, những cây kiếm Nhật, cây súng trường hay những món đồ hàng làm bằng nhựa được bọc nylon sơ sài treo lủng lẳng ở các quầy đồ chơi gần chợ là hình ảnh khó quên. Sau gần 10 năm, các quầy đồ chơi gần chợ mờ nhạt dần và được thay thế bằng các cửa hàng hiện đại, trưng bày hấp dẫn hơn. Thậm chí, trung tâm thương mại lớn thường là những nơi các doanh nghiệp kinh doanh đồ chơi chọn để tổ chức các ngày hội giảm giá hay các chương trình khuyến mãi lớn trong năm để thu hút các thượng đế nhỏ tuổi.

Những lo ngại về đồ chơi độc hại không rõ xuất xứ khiến ngày càng nhiều bậc cha mẹ tìm đến những cửa hàng bán đồ chơi uy tín và cao cấp hơn. Thay thế cho đồ chơi Trung Quốc là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật, Mỹ và châu Âu. Kéo theo nhu cầu này là các hệ thống cửa hàng đồ chơi có quy mô và dịch vụ chuẩn hơn. Cuộc đua mở chuỗi vừa giành lợi thế về điểm bán, vừa giành lợi thế về thương hiệu.

Hiện nay, nổi bật trên thị trường đồ chơi là các chuỗi cửa hàng của Mykingdom (Việt Tinh Anh), FunnyLand (GoldenKids), ToyLand (Phương Nga)... Trong đó, Việt Tinh Anh và Phương Nga là doanh nghiệp vừa phân phối vừa phát triển hệ thống bán lẻ. Theo tìm hiểu của NCĐT, Mykingdom hiện dẫn đầu với hệ thống 125 cửa hàng. Tiếp đến là FunnyLand với 28 cửa hàng trên toàn quốc. Xếp thứ ba và thứ 4 là ToyCity (11 cửa hàng) và ToyLand (8 cửa hàng). Đáng chú ý là ToyCity (Con Cưng), dù sinh sau đẻ muộn (chỉ mới thành lập hồi cuối năm ngoái), nhưng đã sở hữu 11 cửa hàng và đang có kế hoạch mở rộng lên 100 vào cuối năm nay.

Theo đó mỗi chuỗi cửa hàng đều có dòng sản phẩm đặc trưng riêng. Mykingdom có thế mạnh về các mẫu đồ chơi lắp ghép của thương hiệu Lego hay các mẫu mô hình siêu anh hùng của DC Comics, Marvel. Còn các mặt hàng điểm nhấn của FunnyLand là Takara Tomy hay Brandstaetter Stiftun. Trong khi đó, Toy City tập trung vào các sản phẩm cho trẻ dưới 3 tuổi, vừa túi tiền.

Có thể nói bức tranh về cửa chuỗi cửa hàng đồ chơi đã nhộn nhịp và đa dạng hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm. Trước đó, đồ chơi chính hãng chỉ được tìm thấy ở các chuỗi nhà sách như FAHASA hay PNC. Mặc dù thị trường khá nhộn nhịp khi có nhiều doanh nghiệp tham gia, nhưng có một điều khá thú vị là độ lớn của thị trường cho đến nay vẫn là một ẩn số nhưng đầy sức hấp dẫn.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2016, giá trị mặt hàng đồ chơi và game của nước này xuất vào Việt Nam là xấp xỉ 170 triệu USD, tăng 150% so với cách đây 4 năm. Với hơn 80% nguồn hàng đồ chơi trong nước có xuất xứ từ Trung Quốc, ước tính tổng giá trị mặt hàng đồ chơi nhập khẩu vào Việt Nam khoảng hơn 200 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị thị trường này được định giá lên đến cả tỉ USD, theo một báo cáo trước đó của Công ty NKid cho rằng đồ chơi được xếp cùng với các sản phẩm dành cho bé như quần áo, tã... có giá trị khoảng 1,1 tỉ USD/năm. Việt Nam hiện có hơn 20 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 0-12. Tính trung bình, mỗi phụ huynh chi khoảng 500.000 đồng/tháng cho mỗi trẻ em; ở TP.HCM con số này gấp ba lần.

“Rất khó để đưa ra con số cụ thể về độ lớn thị trường, mức độ chi tiêu của khách hàng ở thời điểm hiện tại. Giống như thị trường điện thoại cách đây 10 năm, các công ty nghiên cứu thị trường lúc đó rất khó đưa ra các thông số đo lường cụ thể cho đến khi các chuỗi cửa hàng như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A hay FPT hình thành”, Giám đốc một chuỗi cửa hàng đồ chơi ở TP.HCM cho biết. Nhưng vị này cho rằng có một điều rõ ràng là thị hiếu khách hàng đang thay đổi, hướng đến các món đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, không độc hại và khoản chi cho nhu cầu đồ chơi cũng đang tăng lên. Chị Phương Trinh, ngụ ở quận Phú Nhuận chọn mua đồ chơi có thương hiệu khoảng 2 năm trở lại đây, dù đắt hơn nhưng bền và an tâm hơn về độ an toàn cho con trẻ. Bên cạnh đó, do cạnh tranh quyết liệt nên tần suất khuyến mãi của các chuỗi cũng dày hơn, mẫu mã vì thế cũng đa dạng hơn.

Theo khảo sát của chúng tôi, doanh thu của Mykingdom khoảng 700 tỉ đồng năm, nhưng con số này vẫn chỉ bằng một nửa so với các nhà nhập khẩu hàng Trung Quốc ở Chợ Lớn. Ngành kinh doanh đồ chơi được ví như thời trang, thời gian xoay vòng nhanh cùng mới mức lãi gộp hấp dẫn, lên đến 70%. Do đó, thị trường này vẫn đang là mảnh đất màu mỡ với các doanh nghiệp đến sau.

Khó khăn nhất hiện nay chính là cạnh tranh mặt bằng trước sự đổ bộ của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường JLL, giá thuê mặt bằng ở các vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm khoảng 120-130 USD/m2/tháng, cao gấp 3 lần giá bình quân trên thị trường. Tuy nhiên, Công ty CBRE cho rằng thị trường sẽ dễ thở hơn vào năm 2017 và 2018 vì nguồn cung dồi dào hơn do tăng thêm khoảng 500.000m2 diện tích bán lẻ. Còn hiện tại, tùy vào vị trí và diện tích, giá cho thuê mặt bằng một cửa hàng khoảng 100m2 cùng với vốn hàng hóa, chi phí thiết lập mỗi cửa hàng tốn hơn 400 triệu đồng/cửa hàng. Nhìn chung, bán lẻ là cuộc đua trường vốn, ai phủ rộng hơn, nhanh hơn sẽ chiếm ưu thế; kinh doanh đồ chơi cũng không ngoại lệ. Mô hình phân phối đồ chơi ở Vệt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nhưng ngày càng đòi hỏi mức độ đầu tư lớn hơn về quy mô.

Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư