Kido lên kế hoạch bán cổ phần mảng kem và sữa chua

Theo báo cáo của một công ty chứng khoán, Kido đang có kế hoạch bán 35% cổ phần của Công ty thực phẩm Đông lạnh Kinh đô, công ty con đang quản lý ngành hàng lạnh của Kido.

Kem và Sữa chua tiếp tục đóng góp lớn

Năm qua, doanh thu từ kem và sữa chua đạt khoảng 1.405 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm trước và chiếm 63% doanh thu của Kido.

Sau khi xây dựng thành công vị thế dẫn đầu về kem tại Việt Nam cũng như mở rộng thị phần ở mảng hàng lạnh với sữa chua, Kido dự kiến sẽ bổ sung thêm nhiều sản phẩm mới, nhằm chia đều gánh nặng về chi phí bán hàng và quản lý. Đây là chiến lược quan trọng không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giúp củng cố mối quan hệ với các nhà phân phối và là lợi thé quan trọng của Kido so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.

Do đó, Kido đang xem xét đến hàng rau củ và khoai tây chiên đông lạnh, mặc dù tỷ suất lợi nhuận từ những sản phẩm này không cao.

Trước đó, Kido đã thành công bước đầu với sản phẩm bánh mỳ và bánh bao đông lạnh, được làm nóng ngay tại các điểm bán lẻ và bán như một loại thực phẩm tiện lợi. Tỷ suất lợi nhuận của mảng này khoảng 25%.

Kido hiện vận hành ngành lạnh thông qua công ty con là Thực phẩm Đông lạnh Kinh Đô (KFF) và theo báo cáo của một công ty chứng khoán, Kido đang có kế hoạch bán 35% cổ phần của KFF.

Đây là công ty có vốn điều lệ 560 tỷ đồng, do Kido sở hữu 99,8%. Thương vụ dự kiến được thực hiện vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay.

Tính đến cuối năm 2016, KFF có 50.000 điểm bán hàng và dự kiến đến năm 2018 sẽ nâng gấp đôi số điểm bán này. Trong năm 2016, KFF đã nâng cấp nhà máy tại TPHCM và đưa nhà máy mới tại bắc Ninh đi vào hoạt động. Tổng cộng công suất sản xuất kem đã lên 24 triệu lít và sữa chua là 25 triệu lít.

Doanh thu mảng dầu ăn của Kido năm nay tăng mạnh, lên tới 738 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ và chiếm 1/3 tổng doanh thu thuần.

Mảng dầu ăn của Kido gồm 2 mảng: Dầu ăn của công ty mẹ Kido với thương hiệu Đại Gia Đình và dầu ăn của Tường An. Hồi cuối năm ngoái, Kido đã mua 65% cổ phần của Tường An và được hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty này vào báo cáo 2016.

Dầu ăn là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận khá thấp nhưng lại đem về dòng tiền và lợi nhuận ổn định. Kido có kế hoạch nâng tỷ suất lợi nhuận sau thuế mảng này lên 5%. Thương hiệu dầu ăn của Tường An hiện nay rất mạnh ở khu vực phía Nam và có nhiều tiềm năng để mở rộng sang những khu vực khác.

Doanh thu dầu ăn tăng mạnh nhờ hợp nhất Tường An.

Mỳ ăn liền đã chính thức dừng hoạt động

Kido hiện nay đã dừng mảng mỳ ăn liền và sẽ không ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ mảng này trong năm 2017.

Mỳ ăn liền là mảng đáng thất vọng nhất của Kido trong năm 2016 khi doanh thu không đáng kể, chỉ đạt vài tỷ đồng và mức đóng góp rất nhỏ trong cơ cấu doanh thu. Thị trường mì ăn liền được coi là đã bão hoà và Kido từ đầu năm cũng xác định đây là mảng kinh doanh sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Hồi quý 3/2016, nếu không tính khoản lãi từ việc bán nốt 20% cổ phần Kinh Đô Bình Dương, thì Kido đã phải ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 112 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí bán hàng liên quan đến sản phẩm mỳ gói. Đây là lần đầu tiên Kido lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.

Bất động sản

Mảng bất động sản của Kido đã có dấu hiệu tích cực hơn. Dự án Tân An Phước có thể sẽ được bán còn dự án Lavenue đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế cuối cùng trước khi đưa vào phát triển cùng với đối tác liên doanh. Nhờ đó, Kido có thể sẽ có những khoản lợi nhuận bất thường trong 2 năm tới.

Minh Quân
Nguồn Trí thức trẻ