Hàng không Việt Nam: Tăng trưởng nhiều, thách thức nhiều

Qua hình ảnh đông đúc hành khách tại các sân bay cùng những thông tin liên tục về việc mở đường bay mới hay mua sắm máy bay mới, có thể thấy các hãng hàng không hoạt động tại thị trường Việt Nam đã có một năm làm ăn phát đạt. Loại hình hàng không giá rẻ được xem là yếu tố chính có tác dụng thúc đẩy nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không trong những năm gần đây.

Thị trường hàng không Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nhiều nhưng các hãng hàng không trong nước cũng đang đối diện với nhiều thách thức khi miếng bánh béo bở tất nhiên sẽ lôi kéo nhiều đối thủ quốc tế vào cuộc.

Thêm một năm thành công vượt mong đợi

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hết năm 2016, ước khoảng 52,2 triệu hành khách đã chọn đường hàng không, tăng hơn 29% so với năm 2015, riêng lượng hành khách bay nội địa tăng cao, đạt 28 triệu lượt, tăng 30% so năm 2015. Hiện tại, phân khúc thị trường nội địa được chia sẻ bởi 4 hãng hàng không, trong đó 87% thị phần thuộc về Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Xu hướng sử dụng hình thức bay giá rẻ đang phát triển mạnh mẽ khi có đến 15 triệu lượt khách sử dụng hàng không giá rẻ trong năm 2016, chiếm gần 55% tổng lượng hành khách vận chuyển trên các đường bay quốc nội.

Còn trên các đường bay quốc tế, năm 2016 cũng chứng kiến sự bùng nổ mở đường bay của cả các hãng hàng không trong nước lẫn nước ngoài. Tính chung, có hơn 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 78 đường bay đi và đến Việt Nam. Các hãng hàng không trong nước cũng đã khai thác thêm nhiều đường bay mới nhằm gia tăng thị phần và sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh với các hãng nước ngoài.

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) công bố trong năm 2015 nhận định Việt Nam là thị trường hàng không đứng thứ 7 toàn cầu về tốc độ phát triển trong giai đoạn 2014 - 2017. Sự thành công về doanh số của thị trường hàng không Việt Nam đến từ nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự phát triển của ngành du lịch, việc mở cửa biên giới giữa các quốc gia, nền kinh tế phát triển ổn định, sự đóng góp của các hãng hàng không giá rẻ…

Tính đến hết tháng 11/2016, các hãng hàng không Việt Nam sử dụng gần 150 máy bay cho việc vận chuyển, tăng 10% so với năm 2015. Theo dự thảo chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không và đội tàu bay dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 mới được Cục Hàng không trình lên Bộ Giao thông Vận tải, lượng máy bay được khai thác bởi các hãng hàng không trong nước sẽ lên tới con số 230.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt trên 20% trong 3 năm gần đây, nếu chỉ tăng thêm 80 máy bay trong 4 năm thì có lẽ chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu thực tế trong thời gian tới.

Cạnh tranh khốc liệt trên đường bay quốc tế

Trong 11 tháng của năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện được hơn 228.000 chuyến bay, tăng khoảng 37.000 chuyến, vượt 19% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đa phần là các chuyến bay nội địa.

Không gặp sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài, các hãng hàng không trong nước đã khai thác khá tốt tiềm năng của thị trường nội địa bằng việc sắm thêm máy bay, mở rộng thêm nhiều phân khúc đường bay mới và tung ra nhiều chương trình kích cầu.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, 2 hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific và Vietjet Air đã nâng số đường bay khai thác tại thị trường nội địa lên con số 50, kết nối sân bay tại 3 thành phố lớn nhất với 17 sân bay địa phương.

Phân khúc thị trường nội địa được chia sẻ bởi 4 hãng hàng không, trong đó 87% thị phần thuộc về Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Tuy nhiên, ở phân khúc đường bay quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam đang phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt khi xu hướng mở cửa bầu trời từng bước được hiện thực hóa bởi những hiệp thương, hiệp định đa phương.

Theo số liệu mới nhất từ CAPA Fleet Database, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á về lượng máy bay được khai thác, trong khi đó, các đường bay quốc tế tại Việt Nam đang thể hiện tốc độ tăng trưởng cao theo sự bùng nổ về nhu cầu du lịch nước ngoài. Vì vậy, đây thực sự đang trở thành miếng bánh béo bở đối với các hãng hàng không nước ngoài.

Trong năm 2016, hầu hết các đường bay của các hãng hàng không nước ngoài đều đạt tỷ lệ khai thác cao. Hãng hàng không Emirates tiếp tục tăng thêm đường bay từ Hà Nội sau khi đã “bội thu” trên đường bay từ TP.HCM (khai thác từ năm 2012).

Một thương hiệu khác không kém tầm là Air New Zealand cũng mở đường bay thẳng đến Việt Nam hồi tháng 6, tạo nên một sự cạnh tranh mạnh trên đường bay vì hành khách giảm được gần một nửa chi phí so với các lộ trình có dừng quá cảnh do các hãng hàng không khác thực hiện. Bên cạnh đó, hãng này còn lên nhiều kế hoạch khai thác mới tại thị trường Việt Nam từ năm 2017, nổi bật là dành chiếc máy bay hiện đại và sang trọng nhất Dreamliner thế hệ mới phục vụ hành khách Việt.

So với hàng không truyền thống, hàng không giá rẻ trên phân khúc quốc tế tại Việt Nam khá náo nhiệt và sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn với sự xuất hiện của Malindo Air (Malaysia), Cambodia Angkok Air hay gần nhất là Vanilla Air (Nhật Bản)… Theo Malindo Air, trong năm 2015 đã có gần 230.000 lượt khách Việt bay đến Malaysia và con số này được kỳ vọng sẽ lên đến 280.000 lượt trong năm 2016. Hãng hàng không giá rẻ Vanilla Air cho hay có hơn 181.000 lượt khách Việt Nam đã bay đến Nhật Bản trong sáu tháng đầu năm 2016. Các hãng hàng không trong nước vì thế đã phải nỗ lực cạnh tranh. Hàng loạt các đường bay quốc tế mới đã được Vietjet Air và Jetstar Pacific khai thác cùng nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Năm 2017 hứa hẹn sẽ là khoảng thời gian tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam. Có được cơ hội phát triển quý báu nhưng các hãng hàng không Việt Nam cũng sẽ phải cố gắng vượt qua nhiều thách thức mới nếu muốn giữ vững thị phần trong nước cũng như vươn tầm quốc tế.

Huỳnh Khôi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn