Cuộc đua thị phần chiếu phim: Doanh nghiệp ngoại thắng thế

Thị trường chiếu phim Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh và hấp dẫn với doanh thu 130 triệu USD/năm. Tuy nhiên, phần lớn thị phần nằm trong tay doanh nghiệp ngoại.

Theo số liệu do Tập đoàn Giải trí đa phương tiện CGV (Công ty Megastar trước đây) đưa ra, doanh thu vé phim của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong khoảng 10 năm qua.

Năm 2006, doanh thu đạt khoảng 5 triệu USD, năm 2010 là 25,7 triệu USD, năm 2012 khoảng 47 triệu USD, cuối năm 2014 khoảng 82 triệu USD...

Năm 2015, đại diện Tập đoàn CJ Hàn Quốc nhận định Việt Nam đã chính thức trở thành "thị trường trăm triệu USD" khi tổng doanh thu phòng vé đạt 130 triệu USD, tương đương hơn 2.800 tỷ đồng.

Doanh thu toàn thị trường chiếu và phân phối phim của Việt Nam qua các năm. Đồ họa: Hiếu Công.

Với dân số lên đến trên 90 triệu đa phần là người trẻ, thị trường Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển. Hơn nữa, tỷ lệ số lần đến rạp trung bình của người Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Hiện người số lần người Việt Nam đến rạp chỉ bằng 1/6 Malaysia và 1/12 so với Hàn Quốc. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ có thể liên tục bị rút ngắn trong các năm tới.

Đại diện tập đoàn Giải trí MegaGS cũng lạc quan dự đoán đến năm 2018, tổng doanh thu phòng vé tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, tức vượt mốc 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.

Tính đến giữa năm 2015, Việt Nam có hơn 480 phòng chiếu phim, trong đó CGV là đơn vị nắm giữ thị phần áp đảo, với 176 phòng chiếu (chiếm 36,4%), Lotte là 111 phòng (chiếm 23%), rạp quốc gia 98 phòng chiếu (chiếm 20,4%), Platinum Cineplex 37 phòng chiếu (chiếm 7,7%), BHD star Cineplex 36 phòng chiếu (chiếm 7,5%). Các đơn vị khác khác chia nhau phần 5% còn lại.

So sánh số lượng phòng chiếu của các đơn vị chiếu phim lớn tại Việt Nam. Đồ họa: Hiếu Công.

Như vậy, trong 4 đơn vị có thị phần cao nhất thì có 3 đơn vị nước ngoài là CGV, Lotte, Platinum với số phòng chiếu chiếm 67,1%.

Số phòng chiếu thấp hơn thường đi kèm với doanh thu của các doanh nghiệp nội cũng thấp hơn các đối thủ ngoài nước.

Theo số liệu mới nhất của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 138 rạp, cụm rạp chiếu phim. Trong đó, các doanh nghiệp nội địa (nhà nước và tư nhân, bao gồm cả hình thức góp vốn hợp tác với nước ngoài) là 92 cụm rạp, còn cụm rạp doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 46.

Tổng số lượng phòng chiếu trên cả nước là 510, trong đó, nội địa là 241, nước ngoài là 269. Tổng số lượng ghế ngồi là 86.500, trong đó, nội địa là 47.700 và nước ngoài khoảng 38.800.

Thị phần doanh thu của các hãng chiếu phim lớn tại Việt Nam. Đồ họa: Hiếu Công.

Sau vụ lùm xùm của phim “Tấm cám chuyện chưa kể”, thị trường phần nào thấy được thị trường điện ảnh Việt đang bị các “ông lớn” nước ngoài nắm giữ, quyết định.

Với việc Platinum bị buộc phải đóng cửa 3 cụm rạp, với tổng 28 phòng chiếu, doanh nghiệp này sẽ rớt đài, chỉ còn lại 9 phòng chiếu, chưa tới 2% số phòng chiếu trong cả nước. Dư địa sẽ dành cho các ông lớn khác.

Bà Trần Mai Hoa - Tổng Giám đốc Công ty CP Vincom Retail, cho biết doanh nghiệp "đang rất khẩn trương xúc tiến việc tìm kiếm các đối tác khác để thay thế".

Trao đổi với phóng viên chiều 22/2, đại diện BHD khẳng định "hoàn toàn không liên quan đến vụ việc vừa xảy ra giữa Platinum và các bên khác", đại diện CGV cho biết họ đang cân nhắc việc mở rộng hoạt động, thuê thêm mặt bằng của Vincom tại Hà Nội.

Đại diện BHD cũng cho biết công ty có cổ phần với riêng cụm rạm Platinum The Garden, không phải với toàn hệ thống Platinum hiện có.

Hiếu Công
Nguồn Zing News