Đế chế Samsung: 80 năm xây dựng, có thể chìm đắm chỉ trong 1 nốt nhạc

“Tôi đã rất tự hào khi khởi đầu sự nghiệp của mình tại Samsung, với văn phòng nằm tại trung tâm thành phố Seoul. Tôi cảm thấy tương lai của mình đã được bảo đảm”, ông Son Young Ho, một nhân viên của Samsung nhớ lại những ngày đầu làm việc.

Tương tự như ông Son, hàng trăm nghìn sinh viên mới tốt nghiệp ở Hàn Quốc mỗi năm cũng mơ được làm cho Samsung nhưng chỉ có vài người là qua được vòng tuyển chọn.

Tại xứ sở kimchi này, mọi người thường coi Samsung là một đế chế khổng lồ khi nói về tầm ảnh hưởng của công ty đến nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á. Tổng số tài sản của Samsung tương đương 1/5 GDP toàn quốc.

Xếp hạng tổng vốn hóa thị trường của Samsung Electronics (tỷ USD).

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Samsung luôn tôn trọng nhân viên của mình. Tập đoàn này là đối tượng thường xuyên nằm trong tầm ngắm của các công tố viên về tội trốn thuế và hối lộ.

Thậm chí có những thời kỳ, nhiều cựu nhân viên và người thân từng làm trong nhà máy sản xuất bán dẫn của Samsung đã đứng biểu tình suốt 1 năm trước cửa trụ sở công ty yêu cầu bồi thường cho các nạn nhân mắc bệnh bạch cầu do hít phải hóa chất.

Mới đây nhất, các công tố viên đã thành công xin được lệnh bắt giữ của tòa án với Phó Chủ tịch Lee Jae Young vì nghi ngờ các khoản đóng góp trị giá 37,3 triệu USD cho các quỹ từ thiện của bà Choi Soon Sil, bạn thân của Tổng thống Park Geun Hye nhằm đổi lấy ưu đãi về chính trị.

Theo phía công tố viên, Tổng thống Park đã gây áp lực để Quỹ hưu trí quốc gia (NPS) bỏ phiếu thông qua việc sáp nhập Samsung C&T và Cheil Industries vào năm 2015 nhằm làm tăng sức kiểm soát của Phó Chủ tịch Lee với tập đoàn Samsung.

Gia phả gia đình nhà ông Lee

Vụ sáp nhập này đã nâng số cổ phần nắm giữu của Lee trong C&T lên 16,5% nhớ khối cổ phẩn 23,2% ông đã nắm giữ trong Cheil. Đây là một bước đi quan trọng nhằm củng cố vị thế của nhà thừa kế Lee khi C&T đóng vai trò chủ chốt trong tập đoàn Samsung và nắm giữ 4,2% cổ phần của Samsung Electronics, mỏ vàng của hãng chuyên sản xuất smartphone.

Theo giáo sư Kim Sang Bong của trường đại học Chonnam National University, tập đoàn Samsung đang quản lý theo kiểu gia đình trị và bỏ qua các luật lệ về tính dân chủ.

Ngay sau những cáo buộc bắt đầu từ tháng 1/2017, Phó Chủ tịch Lee đã rút Samsung Electronics khỏi Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKL), vốn là một tổ chức chuyên vận động hành lang cho các tập đoàn lớn và đóng vai trò quan trọng trong vụ quyên góp cho quỹ của bà Choi.

Một số nguồn tin nội bộ cũng cho hay Samsung đang có kế hoạch đóng cửa bộ phận chiến lược (FSO) của hãng vì văn phòng này có liên quan trực tiếp đến những vụ bê bối của Tổng thống Park. Tuy nhiên phía Samsung phủ nhận thông tin trên.

Báo cáo kinh doanh sơ bộ của Samsung Electronics (nghìn tỷ Won)

Áp lực to lớn

Một trong những khó khăn lớn nhất với ông Lee hiện nay là không được gặp mặt các đối tác nước ngoài mà có thể phải nhờ phụ tá làm điều đó. Đây là một rủi ro với tập đoàn Samsung khi công ty quốc tế này có 90% thu nhập đến từ thị trường nước ngoài.

Thêm vào đó, các cổ đông cũng đang gây áp lực để tập đoàn làm rõ vụ bê bối trên. Vào tháng 12/2016, quỹ APG Asset Management nắm giữ 0,8% cổ phần của Samsung đã gửi thư đề nghị công ty giải thích những bê bối liên quan đến hối lộ cho quỹ từ thiện của bà Choi.

Trong khi đó, quỹ Elliott Management nắm giữ 0,62% cổ phần của Samsung yêu cầu công ty trả thêm cổ tức thay vì lấy tiền đi hối lộ và đề nghị mở rộng hội đồng quản trị. Elliott cũng phản đối vụ sáp nhập C&T với Cheil vì cho rằng động thái này đi ngược lại lợi ích của cổ đông.

Nhiều chính trị gia và công tố viên cũng đang gây sức ép yêu cầu Samsung có những động thái minh bạch hơn, đồng thời đề nghị gia đình ông Lee cần chịu nhiều trách nhiệm hơn cho những thất bại của công ty trong thời gian qua thay vì được nắm quyền điều hành thời gian dài như vậy.

Hiện gia đình của nhà sáng lập Lee Buyng Chull nắm giữ 39,1% cổ phần của Samsung C&T, qua đó nắm 19,3% cổ phần của Samsung Life Insurance và 4,2% của Samsung Electronics. Trong khi Samsung Life Insurance quản lý toàn bộ mảng kinh doanh tài chính của hãng thì Samsung Electronics quản lý tất cả các mảng còn lại.

Kế hoạch tăng cường quyền thống chị cho nhà thừa kế Lee Jae Young.

Vấn đề thừa kế

Hiện câu hỏi khiến nhiều chuyên gia quan tâm nhất hiện nay là ai sẽ quản lý công ty khi Phó Chủ tịch Lee Jae Young vắng mặt.

Nhiều người cho rằng 3 nhà lãnh đạo chính của Samsung Electronics là Phó Chủ tịch Kwon Oh Huyn, Chủ tịch Yoon Boo Keun và Chủ tịch Shin Jong Kuyn là những ứng cử viên tiềm năng cho vị trí tạm quyền này. Nguyên nhân rất đơn giản, 3 nhà lãnh đạo trên là những người quản lý công việc hàng ngày của Samsung và kể cả khi ông Lee vắng mặt thì họ vẫn có thể đảm bảo đế chế này vận hàng bình thường.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng người cha Lee Kun Hee của Phó Chủ tịch Lee cũng là một vấn đề với Samsung. Vị lãnh đạo này đã 75 tuổi và đang phải nằm viện sau cơn đau tim hồi tháng 5/2014. Mặc dù Phó Chủ tịch Lee đã điều hành công ty nhưng các chuyên gia cho rằng vấn đề thừa kế sẽ khá phức tạp.

Tỷ lệ 3,58% cổ phần mà ông Lee Kun Hee nắm giữ trong Samsung Electronics có trị giá hơn 15 nghìn tỷ Won, như vậy mức thuế phải đóng cho khoản thừa kế này lên tới hơn 3 tỷ Won, một con số khá lớn cho nhà thừa kế trẻ.

Một vài nhà phân tích thì lại cho rằng việc ông Lee Kun Hee qua đời có thể khiến quá trình chuyển giao quyền lực gặp rắc rối trong tương lai khi hội đồng cổ đông không đồng ý với vị thế mới của người con trai. Theo giáo sư Kim Sang Jo của trường đại học Hansung University, chuyện hội đồng cổ đông phản đối người thừa kế sau khi người cha qua đời là chuyện khá bình thường tại các Chaebol Hàn Quốc.

Theo giáo sư Kim, Samsung cần có những động thái cải tổ bởi trong tình trạng như hiện nay, Phó Chủ tịch Lee sẽ không được hội đồng cổ đông tôn trọng nếu chính thức thừa kế công ty do vướng vào các bê bối.

Báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh của Samsung Electronics.

Nỗi lo trước mắt

Trên thực tế, việc ông Lee bị bắt giữ không phải nỗi lo trước mắt của tập đoàn Samsung. Công ty này vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt nhờ mảng sản xuất chất bán dẫn.

Lợi nhuận sản xuất của Samsung đã tăng 50,2% trong quý IV/2016 so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ từ kết quả quý III nghèo nàn khi vụ bê bối smartphone Note 7 diễn ra. Dẫu vậy, doanh số của công ty lại chỉ đạt 53,3 nghìn tỷ Won, không tăng trưởng mấy so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh số cả năm 2016 của Samsung chỉ đạt 201,9 nghìn tỷ Won, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận chỉ tăng 19,9%. Tổng lợi tức chi trả cho các cổ đông năm 2016 đạt 3,85 nghìn tỷ Won, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia cho rằng kết quả kinh doanh năm nay của hãng có thể sẽ tốt nhờ mảng chip khi giá sản phẩm này đi lên. Trước những thông tin trên, giá cổ phiếu của Samsung đã tăng kỷ lục ngày 26/2 nhưng đã mất 6% ngay những phiên sau đó do vụ bê bối của ông Lee.

Một mỗi lo trước mắt nữa là thị trường smartphone khi Samsung rớt xuống vị trí thứ 2 sau Apple sau vụ Note 7 năm ngoái. Số liệu của IDC cho thấy doanh số smartphone của hãng quý IV/2016 đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước xuống 77,5 triệu sản phẩm, trong khi doanh số của Apple tăng lên mức kỷ lục 78,3 triệu sản phẩm trong cùng kỳ nhờ iPhone 7.

Hiện Samsung đang hướng đến một số sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa nguồn thu, tiêu biểu là lĩnh vực công nghệ sinh học, trí thông minh nhân tạo, xe hơi thông minh... Vì vậy, công ty này thực sự cần sự có mặt của Phó Chủ tịch Lee để ra được định hướng sau cùng.

Hãng phân tích Nomura nhận định với những yếu tố trên, việc ông Lee bị bắt giữ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cổ đông cũng như những nước có liên quan đến chuỗi sản xuất của hãng.

Băng Tâm
Nguồn Thời Đại