'Kẻ phá bĩnh' Uber: Mới quá khó quản, đi trước bị thiệt?

Airbnb, Uber, Lyft, Spotify,... thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của “kinh tế chia sẻ” (sharing economy). Nhiều start-up ăn theo thành công, nhiều tỷ phú mới xuất hiện, một số thương hiệu có giá trị cả chục tỷ USD...

Tuy nhiên, mô hình này khá khó khăn khi thâm nhập các nền kinh tế mới nổi, đôi khi còn bị coi là "kẻ phá bĩnh". Một trong nhiều lý do là chưa có hành lang pháp lý, chưa có tiền lệ... nên cứ từ từ xem xét.

Bùng nổ start-up tỷ USD

Với sự phát triển của công nghệ, làn sóng “kinh tế chia sẻ” nở rộ trong khoảng 5 năm gần đây. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng start-up giá trị trên 1 tỷ USD tại Mỹ cộng lại đã lên đến 500 tỷ USD.

Hàng trăm tỷ USD được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vào các start-up loại này, với những cái tên như Airbnb, Uber, Lyft, Spotify,... Riêng Uber, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2010, dịch vụ chia sẻ đi nhờ xe của Mỹ đã vươn tới hàng trăm thành phố tại khoảng 70 quốc gia trên toàn thế giới.

Thuật ngữ “sharing economy”, dịch sang tiếng Việt là “kinh tế chia sẻ”, trở nên phổ biến và trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực, từ đi nhờ xe, cho thuê chia sẻ nhà cửa, căn hộ, vật dụng, trang phục,... Nhiều start-up ăn theo thành công, nhiều tỷ phú mới xuất hiện. Một số thương hiệu có giá trị thương hiệu lên tới cả chục tỷ USD, riêng Uber có thời điểm được xác định lên tới 50-70 tỷ USD.

Mô hình kinh tế chia sẻ bùng nổ trên thế giới.

Uber cũng đã phát triển vượt bậc tại London, Paris, San Francisco và Singapore,... Tại Việt Nam, Uber cũng phát triển với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong năm 2015, đã có gần một vạn lái xe tham gia vận chuyển khách bằng ứng dụng Uber, với hàng triệu chuyến đi được thực hiện.

Airbnb (AirBed and Breakfast) - một DN được thành lập tại California, Mỹ năm 2008 cũng đã được định giá lên tới hơn 10 tỷ USD. Đây là dịch vụ đặt phòng, căn hộ,... ở gần 200 quốc gia. Chỉ sau vài năm, Airbnd đã kêu gọi được hơn 2 tỷ USD tiền đầu tư và là một trong những dự án điển hình về “kinh tế chia sẻ” hấp dẫn nhất từ trước tới nay.

Trong một buổi làm việc gần đây tại Việt Nam, ông Jan Bellens, Phó TGĐ phụ trách Thị trường mới nổi toàn cầu, Thị trường Ngân hàng và vốn thuộc EY Singapore, cho rằng, một trào lưu công nghệ mới đang nở rộ, phát triển dữ dội rộng khắp và sẽ đổi mới nhiều mặt lĩnh vực dịch vụ trên thế giới.

Ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech thì nhận xét, hiện CNTT là nền tảng của mọi hoạt động của đời sống. Giao thông vận tải có Uber, nhà ở có Airbnd,... Tăng trưởng của các DN này cực nhanh, mỗi năm có thể vài lần.

Theo nhiều chuyên gia, thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự bùng nổ phát triển của kinh tế chia sẻ. Đây là mô hình start-up đứng ra làm trung gian và thu các khoản phí kết nối giữa những khách hàng và người cung cấp dịch vụ, thông qua cầu nối là các website hoặc phần mềm.

Uber là một điển hình của mô hình kinh tế chia sẻ.

Gập ghềnh đường vào nền kinh tế mới nổi

Kinh tế chia sẻ được sự ủng hộ của chính quyền nhiều nước phát triển, đặc biệt ở Mỹ và một số nước châu Âu. Lợi ích là khá nhiều, nhưng loại hình start-up mới này cũng mang đến nhiều thách thức cho các ngành kinh doanh truyền thống và gặp khó khi thâm nhập một số nền kinh tế mới nổi. Đôi khi, start-up kiểu này được coi là “kẻ phá bĩnh”.

Theo tính toán của Uber tại Việt Nam, mỗi năm, dịch vụ gọi xe của DN này giúp hành khách Việt tiết kiệm hàng chục tỷ đồng so với taxi truyền thống. Thời gian chờ đợi cũng giảm, thu nhập chủ xe tăng,... Tuy nhiên, những tiện ích trên của Uber lại ảnh hưởng và bị phản đối từ taxi truyền thống.

Tại châu Á, tốc độ người dùng các dịch vụ đi nhờ xe như vậy đang gia tăng chóng mặt, có thể lên tới hơn 60% người dân sử dụng như tại Hòa Kỳ.

Mặc dù vậy, đó chỉ là tính toán theo lý thuyết. Uber hay một số hãng cung cấp dịch vụ tương tự đang đối mặt với những khó khăn ở nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia hay cả ở Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, trong năm 2015, Uber đã thua lỗ cả tỷ USD và sau đó đã phải hợp tác với đối thủ ở Đại lục. Tại Indonesia, Uber cũng gặp tình cảnh khó khăn tương tự khi bị đối thủ chính có nguồn gốc khu vực là Grab cạnh tranh.

Mô hình kinh tế chia sẻ được nhiều nước quan tâm.

Trên thực tế, hiện tại chính phủ nhiều nước tại châu Á không cấm, thậm chí còn tìm hướng cho loại hình start-up này phát triển. Chính quyền Trung Quốc có kế hoạch giúp các tài xế Uber cùng tồn tại với tài xế taxi truyền thống, như hợp pháp hóa dịch vụ chia sẻ xe.

Tại Việt Nam, Uber vẫn đang hoạt động, mặc dù cơ quan quản lý mới đây đã lên tiếng. Vấn đề hiện có lẽ chỉ nằm ở việc xác định hình thức kinh doanh là dịch vụ cung ứng vận tải hay cung cấp nền tảng công nghệ và việc cân bằng quyền lợi với loại hình dịch vụ truyền thống. Tính hợp pháp của mô hình kinh doanh này đang được chính quyền các nước nhanh chóng xem xét và đưa vào áp dụng.

Trong khi còn nhiều tranh cãi, các dịch vụ trong cả lĩnh vực vận tải hay tài chính (thường được gọi là Fintech) gần đây được người tiêu dùng khá hào hứng đón nhận bởi sự thuận tiện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.

Những start-up “kỳ lân” trên thế giới như Uber hay Airbnd,... cũng đang tạo ra một sự hứng khởi trong cộng đồng các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam. Gần đây, một startup Việt khai thác dịch vụ cung cấp xe sân bay giá rẻ tương tự như Uber đã gặt hái nhiều thành công. Khá nhiều các FinTech ứng dụng trên smartphone và máy tính như Payoo, 123Pay, VninaPay, VTCPay, MoMo, SenPay, ML, TM, MobiVi,... đang được ồ ạt triển khai, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

M. Hà
Nguồn Vietnamnet