Thương hiệu Trump bắt đầu chịu “hậu quả”?

Từ khi ông Donald Trump ra tranh cử Tổng thống Mỹ, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu tuyên bố gây “giật mình” của ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thương hiệu Trump - chẳng hạn lượng người xem chương trình truyền hình thực tế “The Apprentice” (tạm dịch: “Người học việc”) hay doanh số của sản phẩm giày Ivanka Trump?

Câu trả lời cho câu hỏi này, ít nhất đến thời điểm hiện tại, có thể sẽ khiến Trump cảm thấy không vui - theo tờ New York Times.

Một loạt công ty lớn có vẻ đang xem xét lại mối quan hệ giữa họ với thương hiệu Trump. Dường như thương hiệu của gia đình Tổng thống Mỹ sẽ không được hưởng lợi từ nhiệm kỳ của ông ở Nhà Trắng.

Hôm thứ Sáu vừa rồi, hãng bán lẻ Neiman Marcus tuyên bố dừng bán dòng sản phẩm trang sức Ivanka Trump trên website của hãng, với lý do được đưa ra là doanh số ảm đạm. Trước đó một ngày, thương hiệu nữ trang của ái nữ nhà Trump cũng bị loại khỏi trang web của một nhà bán lẻ khác là Nordstrom.com.

Các công ty dường như đang lo ngại rằng sự phản đối nhằm vào các chính sách của Trump - nhất là sắc lệnh gần đây của ông về cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và công dân 7 quốc gia có phần đông dân số là người Hồi giáo - sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh số bán hàng của họ. Dù Nordstrom đã có động thái cắt quan hệ với cái tên Trump, hôm thứ Bảy, nhiều người dùng mạng xã hội Twitter vẫn đưa hashtag #BoycottNordstrom (tẩy chay Nordstrom).

Hôm thứ Sáu, một công ty rượu bia có tên MillerCoors đã liên lạc với Shannon Coulter, nhà sáng lập GrabYourWallet.org - một chiến dịch kêu gọi tẩy chay Neiman Marcus, Nordstrom và các doanh nghiệp khác có “dính dáng” đến cái tên Trump. “Họ muốn biết vì sao công ty của họ bị đưa vào danh sách. Tôi cho rằng tất cả các công ty nên chú ý”, bà Coulter nói.

Ivanka Trump

Khách hàng trong cửa hiệu nữ trang Ivanka Trump tại cao ốc Trump Tower, New York, Mỹ, hôm 8/12/2016 - Ảnh: Getty/CNBC.

Giải thích về việc MillerCoors bị đưa vào danh sách “đen”, đại diện GrabYourWallet cho biết đó là do Peter Coors, một thành viên hội đồng quản trị hãng mẹ của công ty này, đã tham gia vào việc vận động tài chính tranh cử cho ông Trump hồi tháng 6 năm ngoái.

Khi mà các cuộc biểu tình và chiến dịch tẩy chay có thể được tổ chức thật dễ dàng trên mạng, các thương hiệu đối mặt với áp lực ngày càng lớn phải trả lời yêu cầu của người tiêu dùng.

Do cái tên Trump đã bị “chính trị hóa”, các thương hiệu gắn với Trump cũng chung cảnh ngộ. Chỉ vài ngày sau khi hashtag #DeleteUber (kêu gọi xóa tài khoản Uber) xuất hiện trên Twitter, Giám đốc điều hành (CEO) công ty ứng dụng chia sẻ xe này là ông Travis Kalanick đã rút khỏi nhóm cố vấn kinh tế của ông Trump.

Hiện ông Trump và con gái Ivanka đã rút khỏi vai trò điều hành tại Trump Organization, tập đoàn của nhà Trump với nhiều sân golf, khách sạn và bất động sản khác ở nhiều nơi trên thế giới. Do Trump Organization là một công ty tư nhân kín tiếng nên khó có thể biết được nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc làm ăn của tập đoàn này. Mặc dù vậy, hoạt động nhượng quyền thương hiệu của tập đoàn nhà Trump có thể sẽ gặp trở ngại do cái nhìn của dư luận đối với ông.

Ngoài ra, khách hàng cũng đang đối mặt với áp lực phải quay lưng lại với chương trình “The Apprentice” mà Trump là một nhà sản xuất. Bà Coulter cho biết Honest Company, một công ty có quảng cáo sản phẩm trong “The Apprentice” đã cam kết sẽ không giữ quảng cáo này trong mùa tới.

Chưa kể, việc “dính dáng” đến Trump có vẻ như không giúp gì cho “The Apprentice” trong việc tăng lượng người xem, nên các công ty cũng không hào hứng với việc chạy quảng cáo với chương trình này. Trong một sự kiện ở Washington hôm thứ Năm vừa rồi, Trump nói đùa rằng mọi người nên cầu nguyện cho lượng người xem “The Apprentice”.

An Huy
Nguồn VN Economy