Xu hướng cạnh tranh mới trong ngành ngân hàng

Các ngân hàng thương mại (NHTM) từ trước đến nay luôn cạnh tranh quyết liệt trong hoạt động tín dụng và huy động vốn, trong đó, những ngân hàng với quy mô lớn và có thương hiệu đạt được lợi thế trong việc thiết lập giá và thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, đề án thanh toán không dùng tiền mặt vừa ra đời có thể thúc đẩy xu hướng cạnh tranh của các ngân hàng tập trung sang một hướng khác.

Về tổng thể, đề án đặt ra bốn mục tiêu chính, bao gồm giảm tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế, phát triển mạnh thanh toán qua thẻ, thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và cuối cùng là tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Cạnh tranh ở các sản phẩm dịch vụ thanh toán và đối tác liên kết

Cuộc cạnh tranh về số lượng máy EDC/POS và các đơn vị chấp nhận thẻ tiếp tục là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các ngân hàng, trong đó nhóm NHTM nhà nước vẫn đang chiếm nhiều lợi thế với số lượng máy POS rất lớn. Hiện nay, mạng lưới máy POS đã được kết nối liên thông tại nhiều ngân hàng, nên các khách hàng có thể thanh toán bằng thẻ nội địa, quốc tế hay thẻ tín dụng do các ngân hàng trong nước phát hành tại bất kỳ máy POS của ngân hàng nào.

Để có thể thu hút được khách hàng tham gia và tạo được niềm tin nơi khách hàng, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục cạnh tranh về công nghệ thanh toán và quản lý, cũng như nâng cao tính bảo mật, an toàn trong giao dịch. Ảnh: Mai Lương.

Do đó, các ngân hàng sẽ chạy đua phát triển các đơn vị chấp nhận thẻ và cạnh tranh về mức phí chiết khấu cho các đại lý ưu tiên sử dụng máy POS của ngân hàng mình. Mức phí phổ biến hiện nay là 1,5-2% trên mỗi giao dịch. Với tổng giá trị giao dịch qua POS đã tăng mạnh qua các năm thì nguồn phí thu được từ đây là rất lớn.

Cụ thể, tổng giá trị giao dịch năm 2015 gần 200.000 tỉ đồng, nếu tính phí 2% trên giá trị giao dịch thì nguồn thu sẽ là 4.000 tỉ đồng/năm. Do đó, ngân hàng nào chiếm lĩnh thị phần về máy POS được sử dụng sẽ đảm bảo được nguồn thu bền vững, ổn định và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể đẩy mạnh cạnh tranh hoạt động thanh toán qua mPOS. Về cơ bản mPOS khác với POS là doanh nghiệp chỉ cần sử dụng một thiết bị đọc thẻ di động gắn vào điện thoại thông minh (smartphone) là có thể chấp nhận thanh toán bằng thẻ của khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi. Với tốc độ tăng trưởng sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì rõ ràng hình thức thanh toán qua mPOS sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Ngoài ra, các ngân hàng phải đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán tự động để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thẻ, tiền gửi thanh toán của ngân hàng. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn, các hình thức thanh toán điện tử ngày càng được ưa chuộng, nhất là tại các đô thị lớn. Do đó, việc mở rộng mạng lưới đối tác liên kết với các công ty điện lực, cấp - thoát nước, viễn thông, truyền hình và các công ty trung gian thanh toán là rất quan trọng.

Ngân hàng nào chiếm lĩnh được thị phần ở sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử không những có được lượng khách hàng cơ sở ổn định mà còn có thêm cơ hội để bán chéo các sản phẩm khác.

Thời gian gần đây cũng đã chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt để phát triển các sản phẩm tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng, thanh toán điện tử giữa các ngân hàng, thông qua các chương trình khuyến mãi hấp dẫn khi sử dụng sản phẩm. Về lâu dài, ngân hàng nào chiếm lĩnh được thị phần ở sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử không những có được lượng khách hàng cơ sở ổn định mà còn có thêm cơ hội để bán chéo các sản phẩm khác.

Cuộc cạnh tranh mới về mạng lưới và kênh phân phối

Mở rộng mạng lưới về các vùng nông thôn để thu hút lượng vốn nhàn rỗi còn nhiều tiềm năng có thể được nhiều ngân hàng lựa chọn, nhất là khi dư địa phát hành thẻ nội địa còn khá lớn với thị trường 80% ở nông thôn, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cá nhân từ 15 tuổi trở lên được mở thẻ.

Trong khi đó, mạng lưới tại các đô thị có thể thu hẹp lại vì hiện tại đã quá dày đặc, khi ra ngõ là gặp ngân hàng san sát nhau. Thực tế trước đây các ngân hàng phát triển mạnh mạng lưới tại các đô thị là để huy động vốn khi nguồn vốn kinh doanh luôn bị thiếu hụt và không thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên sắp tới câu chuyện huy động vốn có thể không còn là điểm nóng do mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát qua mỗi năm tùy thuộc vào sức khỏe của từng ngân hàng, chứ không phải cứ muốn tăng trưởng tín dụng nóng, phát triển tràn lan như trước đây là được.

Bên cạnh đó, một lượng tiền nhàn rỗi sẽ nằm tại ngân hàng với định hướng giảm tỷ lệ tiền mặt trong nền kinh tế và các giao dịch thanh toán buộc phải chuyển khoản qua ngân hàng, trong khi hoạt động cho vay đã bị bắt buộc phải giải ngân qua tài khoản ngân hàng từ lâu nay, do đó áp lực huy động vốn để đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng có thể được giảm bớt. Thực tế thời gian qua các ngân hàng cũng đã xây dựng và báo cáo định kỳ về kế hoạch kiện toàn mạng lưới, đảm bảo phải nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh.

Trong khi mạng lưới truyền thống có thể bị thu hẹp tại các đô thị lớn và giúp ngân hàng tiết giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí nhân viên, chi phí tài sản, ưu tiên phát triển tại các vùng nông thôn còn nhiều tiềm năng với chi phí vận hành rẻ hơn, thì các kênh phân phối hiện đại khác như Autobanking và ngân hàng số có thể trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt trong tương lai.

Kênh phân phối hiện đại như Autobanking và ngân hàng số có thể trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt trong tương lai. Ảnh: tuoitrenews.vn.

Về mạng lưới máy ATM truyền thống, các ngân hàng sẽ không quá tập trung phát triển do hiện tại các thẻ đều đã rút được tiền mặt tại máy ATM ở các ngân hàng khác nhau, trong khi chi phí liên quan đến hoạt động rút tiền mặt như chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, các chi phí vận hành, bảo trì và chi phí vốn khi phải để một lượng tiền mặt tồn quỹ tại ATM là quá lớn.

Mục tiêu giảm tiền mặt trong nền kinh tế cũng không khuyến khích hoạt động rút tiền mặt từ máy ATM. Tuy nhiên, nếu có thể phát triển thêm mạng lưới ATM thì các ngân hàng có thể đẩy mạnh các dòng máy có chức năng nhận tiền mặt báo có ngay, chiến lược mà Ngân hàng Đông Á đã phát triển mạnh mẽ trong hai năm gần đây qua dự án phát triển mạng lưới Auto Banking.

Về ngân hàng số, thời gian gần đây các ngân hàng cũng đã bắt đầu tập trung phát triển và hứa hẹn sẽ trở thành cuộc cạnh tranh quyết liệt trong tương lai. Với xu hướng sử dụng mọi giao dịch thanh toán qua điện thoại thông minh thì ứng dụng ngân hàng số không những đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng ưa thích công nghệ, mà còn giúp ngân hàng có cơ hội ứng dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích hành vi, thói quen tiêu dùng và xu hướng tìm kiếm của khách hàng, từ đó có thể chủ động đáp ứng các nhu cầu của khách hàng qua các sản phẩm/gói sản phẩm phù hợp.

Tuy nhiên, để có thể thu hút được khách hàng tham gia và tạo được niềm tin nơi khách hàng, các ngân hàng sẽ phải tiếp tục cạnh tranh về công nghệ thanh toán và quản lý, cũng như nâng cao tính bảo mật, an toàn trong giao dịch. Rõ ràng trong bối cảnh hoạt động cho vay vẫn rủi ro, các ngân hàng cũng phải tập trung xử lý nợ xấu thì chiến lược phát triển các sản phẩm dịch vụ để nâng cao nguồn thu phí và cải tiến kênh phân phối sẽ là trọng tâm phát triển trong tương lai.

Hồ Lê
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn