Thị trường bảo hiểm tăng trưởng mạnh trong năm 2016

Thị trường bảo hiểm đã có một năm tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm qua, trong đó thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng mạnh nhất trong 10 năm gần đây, theo nhận định của các nhà điều hành thị trường và công ty bảo hiểm.

Năm 2016, tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt xấp xỉ 102.000 tỉ đồng, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 86.049 tỉ đồng, tăng 22,74%; doanh thu hoạt động đầu tư ước 15.718 tỉ đồng, theo bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Riêng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng cao kỷ lục với mức tăng 30,5%, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12,5%.

Bộ Tài chính ước tính các công ty bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 186.570 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2015, với tỷ lệ khoảng 75% là đầu tư dài hạn; đồng thời đã chi trả quyền lợi bảo hiểm 25.870 tỉ đồng.

Tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm đạt xấp xỉ 240.000 tỉ đồng, tăng hơn 18%; tổng dự phòng nghiệp vụ của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 145.000 tỉ đồng, tăng 24%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt gần 53.000 tỉ đồng, tăng hơn 15%.

Ảnh minh họa: Internet.

Thị trường bảo hiểm đã có một năm tăng trưởng mạnh và quan trọng hơn, đà tăng trưởng tích cực nhiều khả năng được nối tiếp trong năm 2017, theo giới kinh doanh bảo hiểm.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, năm 2017 với những dự báo thuận lợi về tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường bảo hiểm được dự kiến duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số.

Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, ông Paul Nguyễn cho rằng, năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh của các sản phẩm tiềm năng như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết đầu tư. Năm 2017 cũng sẽ là một năm có nhiều cơ hội cho các công ty bảo hiểm khi hoạt động tại một thị trường có dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng Internet trên 44%, nhờ đó có thể kết nối với khách hàng thông qua không gian kỹ thuật số.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, mức độ thâm nhập của bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay mới đạt khoảng 2% GDP, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,55%), châu Á (5,37%) và thế giới (6,3%), theo ông Phan Quốc Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Long, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức của các công ty bảo hiểm và cơ quan quản lý thị trường.

Bộ Tài chính trong báo cáo tổng kết của ngành cho biết năm 2017 sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, mở rộng các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm, đồng thời tăng cường công tác giám sát thị trường.

Đức Nam
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn