Thị trường sữa: Cuộc đua “organic” bắt đầu

Trong khi thị trường sữa Việt Nam đang dần trở lên bão hòa với các sản phẩm sữa tươi, khiến cho các lợi thế cạnh tranh dần ngang bằng nhau, thì một cuộc chiến trong phân khúc sản xuất sữa organic cũng bắt đầu.

Giữa tháng 12, Vinamilk đã trở thành cái tên đầu tiên trên thị trường tung ra sản phẩm sữa tươi organic (sữa hữu cơ). Theo thông tin của nhà sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam, sản phẩm sữa organic theo tiêu chuẩn hữu cơ của Châu Âu hoàn toàn được sản xuất ở Việt Nam.

Vinamilk tiên phong…

“Đây là bước tiến tiếp theo của Vinamilk trên hành trình mang đến những sản phẩm organic cao cấp giàu dinh dưỡng từ thiên nhiên tốt cho sức khỏe” – ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Điều hành của Vinamilk chia sẻ và nhấn mạnh rằng, từ nay người tiêu dùng Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm organic đạt tiêu chuẩn organic Châu Âu được sản xuất ngay tại Việt Nam.

Việc Vinamilk tung ra một sản phẩm sữa mới với chất lượng cao hơn có thể hiểu là một bước đi đón đầu xu thế mới trong ngành sữa, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty, trước những áp lực ngày càng gia tăng của các hãng sữa khác.

Với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm, Cty nghiên cứu thị trường The Neilsen đưa ra thông tin, trong ngân sách người tiêu dùng chi cho mặt hàng tiêu dùng ở thành thị thì sữa chiếm 32%.

Trong vài năm trở lại đây, thị trường sữa được cho là một mảng kinh doanh béo bở thu hút nhiều DN trong nước và nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành sữa giai đoạn 2011-2015 là 17%. Nếu như trước đây Vinamilk gần như chỉ phải cạnh tranh với một số hãng sữa ngoại khác, thì nay còn phải cạnh tranh với cả các hãng sữa nội, như TH Milk và Nutifood.

Nhưng dù thị trường sữa tiềm năng, hầu hết các DN nội chỉ chọn đầu tư vào phân khúc sữa nước, vì 75% thị phần mảng sữa bột hiện nay thuộc về các DN ngoại và để lật đổ là điều không dễ dàng gì. Tuy nhiên, chỉ cần tập trung vào phân khúc sữa nước thôi cũng là đủ để cho các hãng sữa nội phát triển.

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước sẽ đạt 660 triệu lít, đáp ứng 35% nhu cầu tới năm 2015, 1 tỷ lít đáp ứng 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu tới năm 2025. Tuy nhiên, nếu muốn thu hút được người tiêu dùng, các hãng sữa cũng phải thay đổi chiến lược sản phẩm. Sự ra đời của TH Milk cách đây vài năm đã khiến nhiều hãng sữa nội như Vinamilk phải thay đổi theo, khi TH Milk chỉ tập trung vào sản xuất sữa tươi, sữa sạch từ đàn bò nuôi trong trang trại.

Đây có lẽ chính là lý do buộc Vinamilk phải đi trước một bước bằng cách tung ra sản phẩm sữa organic.

Nếu như trước đây Vinamilk gần như chỉ phải cạnh tranh với một số hãng sữa ngoại khác, thì nay còn phải cạnh tranh với cả các hãng sữa nội, như TH Milk và Nutifood.

Và câu trả lời từ TH

Dù chưa đưa ra thị trường dòng sản phẩm sữa organic, nhưng TH Milk, cũng không chịu ngồi yên nhìn Vinamilk độc chiếm phân khúc đó. Thậm chí, với lợi thế có kinh nghiệm phát triển trang trạng sữa sạch từ năm 2008 tới nay, kế hoạch của TH Milk còn tham vọng hơn.

Hiện tại, TH Milk cũng đã hoàn thiện các khâu cuối cùng để đánh giá việc thực hiện bộ tiêu chuẩn về hữu cơ là EC 834-2007 và EC 889-2008; tiếp đó sẽ là chuẩn Mỹ. Trang trại TH là trang trại đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi và sản xuất sữa organic theo các tiêu chuẩn quốc tế này. Như vậy, cũng chỉ trong một thời gian ngắn nữa, TH Milk cũng sẽ tung ra thị trường sản phẩm sữa organic.

Bà Thái Hương- Chủ tịch HĐQT tập đoàn TH- bày tỏ thẳng thắn, bà và Tập đoàn TH sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ để “định tính” “định lượng” được chất lượng sữa tươi hữu cơ TH true Milk. Một đại diện tại trang trại bò của TH Milk còn cho biết nếu như kế hoạch phát triển bò organic thành công tại Nghệ An, số lượng đàn bò được chuyển đổi sẽ còn lớn hơn nữa. Điều này có lẽ trong tầm tay TH Milk bởi trong suốt 9 năm qua, tập đoàn này đã phát triển được một đàn bò hơn 45.000 con. Trong 5 năm tới, dự kiến TH sẽ phát triển đàn bò lên tới gần 203.000 con.

Ông Richard De Boer, Giám Đốc Tổ chức Chứng nhận Control Union tại VN: “Ba không” của Organic

Richard De BoerTrước hết, các sản phẩm Organnic phải đạt tiêu chuẩn “3 không” gồm: Thứ nhất, không biến đổi gene. Chẳng hạn, thức ăn cho bò (bao gồm thành phần chính là cỏ tươi và 1 phần thức ăn thô khác) được gieo trồng theo quy trình organic, không sử dụng hạt giống biến đổi gene cũng như đảm bảo không chứa các thành phần biến đổi gene. Thức ăn phải đạt chất lượng 100% organic. Thứ hai, không sử dụng hormone tăng trưởng: Quy trình chăm sóc đàn bò đảm bảo không chịu sự can thiệp của các loại hóa chất, đặc biệt hoàn toàn không sử dụng hormone tăng trưởng cho bò. Thứ ba, không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học: Đàn bò được chăn thả trên đồng cỏ hữu cơ hoàn toàn tự nhiên quanh năm, không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi.

Các loại thực phẩm organic được sản xuất phải giàu các chất dinh dưỡng tự nhiên, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người sử dụng. Tại các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, xu hướng sử dụng thực phẩm organic đang trở nên phổ biến trong nhiều năm nay nhờ những lợi ích rõ rệt cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, trong bối cảnh những nước trên đang là thị trường tiêu thụ truyền thống sản phẩm thực phẩm chế biến, nông sản của Việt Nam thì doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cần có những bước chuyển biến thích hợp với xu thế này nếu không muốn bị mất thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.

Ninh Kiều
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp