Những câu chuyện nổi bật nhất làng công nghệ Đông Nam Á 2016

Cùng nhìn lại các câu chuyện ấn tượng nhất trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á trong năm 2016.

1. Alibaba thôn tính Lazada

Năm ngoái, Alibaba đã mua lại 1 tỷ USD cổ phần kiểm soát trong Lazada của Rocket Internet. Đây là cửa hàng online lớn nhất tại Đông Nam Á, đối thủ chính của Alibaba và Amazon. Giao dịch cho phép gã khổng lồ Trung Quốc dễ dàng bành trướng tại thị trường nước ngoài và đạt mục tiêu ít nhất nửa doanh thu tại đây.

Đông Nam Á sở hữu tiềm năng khổng lồ với tầng lớp trung lưu và tỉ lệ sử dụng smartphone, Internet ngày một tăng. Tuy vậy, đây vẫn là “ca khó” đối với các công ty không hiểu rõ về thị trường.

Thông báo được đưa ra vào thời điểm không thể thuận lợi hơn: Lazada được cho là đã cạn tiền và không có nhiều may mắn trong việc gọi vốn. Dù vậy, các chuyên gia nhận định thương vụ xác nhận sức hấp dẫn của Đông Nam Á trong mắt các nhà đầu tư chiến lược.

2. Alibaba đối đầu Amazon

Jack Ma (trái) của Alibaba và Jeff Bezos của Amazon.

Không chỉ Lazada, Alibaba còn thôn tính một công ty khác là nhà cung cấp tạp hóa online Redmart. Redmart được cho là mục tiêu của Amazon, gã khổng lồ nước Mỹ có kế hoạch gia nhập thị trường Đông Nam Á đầu năm tới. Theo báo cáo của TechCrunch, Amazon đang tuyển quân và bí mật mua các tài sản như xe tải đông lạnh. Nếu đây là sự thật, chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chạm trán nảy lửa giữa hai “đại gia” Amazon và Alibaba vào năm 2017.

3. Rakuten rút khỏi Đông Nam Á

“Đại gia” thương mại điện tử Nhật Bản, Rakuten, đã đóng cửa các chợ online tại Singapore, Malaysia, Indonesia hồi tháng 3 và sa thải 150 nhân viên. Họ cũng thông báo bán trang TMĐT Tarad của Thái Lan mua từ năm 2009. Công ty không đưa ra lý do cho việc rút lui khỏi thị trường mà chỉ tiết lộ nó nằm trong lộ trình mới.

4. Vòng gọi vốn F của Grab

Antony Tan, ông chủ Grab.

Ứng dụng gọi xe hàng đầu Đông Nam Á, Grab, huy động thành công 750 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất vào tháng 9, dẫn đầu bởi SoftBank (Nhật Bản). Nó nâng mức tiền mặt của Grab lên 1 tỷ USD và nâng giá trị lên hơn 3 tỷ USD, là startup công nghệ lớn thứ hai khu vực, chỉ sau Garena.

5. Thua lỗ của Rocket Internet

“Công xưởng startup” của Đức cho biết đã lỗ hơn 680 triệu USD trong năm nay do nhiều mảng kinh doanh không duy trì được sự bền vững. Tuy vậy, Rocket Internet chưa “cạn tiền” khi vẫn còn 1,7 tỷ USD trong ngân hàng và 1,16 tỷ USD trong danh mục startup.

6. Thương vụ đầu tiên của Google

Google có thương vụ mua bán đầu tiên tại Đông Nam Á khi thôn tính ứng dụng chat Pie của Singapore. Các kỹ sư của Pie được cho là khởi động cho nhóm kỹ thuật mà Google định xây dựng tại quốc đảo.

7. Taxi tự lái đầu tiên trên thế giới

Taxi tự lái của NuTonomy là loại đầu tiên trên thế giới, bắt đầu thử nghiệm tại Singapore từ tháng 8. NuTonomy sử dụng hai xe Renault Zoe và Mitsubishi i-MiEV cải tiến, đón khách trong quận One North. Hành khách phải được mời mới dùng được dịch vụ này. NuTonomy cũng hợp tác với Grab để cho người dùng ứng dụng cơ hội trải nghiệm taxi không người lái.

Công ty thu thập và đánh giá dữ liệu liên quan đến hiệu suất của phần mềm, quy trình đặt xe, tuyến đường cũng như trải nghiệm của hành khách. Dữ liệu cho phép họ hoàn thiện mọi thứ trước khi chính thức triển khai vào năm 2018.

8. Cơn sốt Pokemon Go

Game di động của Niantic “cuốn bay” cả thế giới năm 2016, nhanh chóng trở thành ứng dụng số 1 sau khi ra mắt. Tại Đông Nam Á, game đánh bại nhiều sự kiện quốc tế khác về lượng tìm kiếm Google.

9. Netflix “chào sân” Đông Nam Á

Netflix có bước tiến khổng lồ trên toàn cầu khi đồng loạt “ra quân” tại 130 quốc gia. Tại Đông Nam Á, dịch vụ xem phim trực tuyến Mỹ cạnh tranh với các đối thủ địa phương như Hooq, iFlix, cả hai đều có giá thấp hơn và lưu trữ nội dung phù hợp với người dân hơn.

10. Rocket bán Foodpanda

Rocket Internet vừa thông báo bán toàn bộ mảng kinh doanh toàn cầu của dịch vụ gọi món trực tuyến Foodpanda cho đối thủ Delivery Hero. Họ cho biết giao dịch nhằm giảm sự phức tạp cho công ty. Thương vụ dự kiến hoàn tất trước cuối năm nay.

Delivery Hero đang có mặt tại 33 nước trên thế giới, trong khi Foodpanda hoạt động tại 22 nước và có dấu ấn mạnh mẽ tại châu Á.

11. Garena là startup giá trị nhất khu vực

Trong vòng huy động vốn D dẫn đầu bởi quy đầu tư chiến lược của chính phủ Malaysia hồi tháng 3, Garena của Singapore gọi thành công 170 triệu USD, được định giá 3,75 tỷ USD, trở thành startup có giá trị nhất Đông Nam Á.

Thành lập năm 2009, Garena bắt đầu viết phần mềm kết nối mọi người trong các game đa người chơi, sau đó đầu tư vào phát hành game. Năm 2010, startup ra mắt Garena+, nền tảng trực tuyến cho phép mọi người gặp gỡ, nói chuyện và chơi game với nhau. Gần đây, họ lại giới thiệu các dịch vụ khác như mạng thanh toán AirPay, chợ TMĐT di động Shopee. Năm 2015, Garena đạt tổng doanh thu 300 triệu USD.

Du Lam / Tech In Asia
Nguồn ICT News