Thị trường nhượng quyền ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn gieo hạt

Theo báo cáo năm 2015 của Hiệp hội nhượng quyền quốc tế, tổng giá trị nhượng quyền trên thế giới năm 2014 là 3.800 tỉ đô la Mỹ, riêng nước Mỹ chiếm 2.400 tỉ đô la, châu Á chỉ chiếm 600 tỉ đô la nhưng tương lai đang thuộc về châu lục này.

Các nước châu Á đang đầu tư mạnh để đưa thương hiệu của họ ra bên ngoài bán nhượng quyền, như chính phủ Malaysia có chương trình 2 tỉ đô la để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa thương hiệu ra nước ngoài. Nhưng tại Việt Nam, nhượng quyền thương hiệu vẫn chưa phát triển.

Tại triển lãm quốc tế ngành bán lẻ và nhượng quyền diễn ra hồi tháng 6-2016 ở Việt Nam, ông Sean Ngo, Giám đốc Công ty tư vấn VF Franchise Consulting chuyên tư vấn cho các công ty nước ngoài đến Việt Nam bán nhượng quyền cho biết, mới chỉ có khoảng 144 thương hiệu nước ngoài đăng ký nhượng quyền vào Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia về nhượng quyền, thành viên sáng lập Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, các thương hiệu lớn vào Việt Nam để bán nhượng quyền vẫn đang ở giai đoạn “gieo hạt”, chứ chưa sinh lời được vì thị trường Việt Nam vẫn còn quá nhỏ. Theo khảo sát của hãng Euromonitor, năm 2015, trung bình một hộ gia đình ở Việt Nam hàng năm chi tiêu chưa đầy 4.000 đô la, mức chi tiêu chỉ xếp trên Myanmar trong 10 nước ASEAN, trong khi mức chi tiêu trung bình hàng năm của một hộ gia đình ở Singapore là 73.704 đô la.

Nguyễn Phi Vân

Theo bà Nguyễn Phi Vân, thị trường nhượng quyền Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn “gieo hạt”. Ảnh: Chính Phong.

Các thương hiệu Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu thử nghiệm việc nhượng quyền ở trong nước. “Nếu không có cố vấn giỏi, các doanh nghiệp phải học 3-5 năm mới thành thục việc bán nhượng quyền”, bà Vân chia sẻ tại một buổi nói chuyện với các bạn trẻ ở TPHCM ngày 29-12-2016.

Thực tế đã có khá nhiều chuỗi bán lẻ, ẩm thực của người Việt Nam hoạt động ở Việt Nam nhưng chủ yếu là họ tự sở hữu chi nhánh của mình, chứ nhượng quyền rất ít. Trong khi đó, trong tốp 10 tập đoàn ẩm thực hàng đầu thế giới, chỉ có hai thương hiệu hiện sở hữu trên 50% chi nhánh của mình là Starbucks và Darden. Năm 2008, Burger King sở hữu 12% số chi nhánh, đến năm 2013, tỷ lệ này chỉ còn 0,4%. Subway thậm chí còn không sở hữu chi nhánh nào, tất cả đều là nhượng quyền.

"Xu hướng nhượng quyền đi vào Việt Nam trong những năm tới sẽ là ẩm thực, giáo dục, y tế", theo bà Vân, "trong khi xu hướng nhượng quyền từ Việt Nam đi ra vẫn là ẩm thực". Song hiện tại, những thương hiệu ẩm thực Việt Nam như phở, bánh mì, gỏi cuốn… nhượng quyền ra nước khác lại không bắt nguồn từ Việt Nam. Ví dụ như Phở Hòa hiện có hơn 80 chi nhánh ở 7 nước lại từ nước Mỹ đi ra. Một số nhãn hiệu như bánh mì, gỏi cuối từ Mỹ, Úc, thậm chí có cả phở Việt Nam bán nhượng quyền xuất xứ từ Hàn Quốc.

Sở dĩ các thương hiệu Việt chưa nhượng quyền ra nước ngoài nhiều vì họ vẫn trong giai đoạn học, như nói trên. Các công ty tư vấn nhượng quyền hoạt động tại Việt Nam là các công ty nước ngoài, họ chủ yếu đưa thương hiệu nước ngoài tới Việt Nam. Công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, để giúp các thương hiệu Việt nhượng quyền ra ngoài, hầu như không có.

Bà Vân dự đoán, phải 5 năm nữa, khi mức chi tiêu ở Việt Nam gia tăng mạnh, các doanh nghiệp ý thức và học hỏi tốt về nhượng quyền, thị trường nhượng quyền Việt Nam mới bùng nổ. Và đó cũng là cơ hội để cho nhiều người phát triển.

Đinh Hiệp
Nguồn Thời báo Kinh tế Sài Gòn