Mì ly, cứu tinh của mì gói

Sức tiêu thụ mì gói của thị trường trong nước giảm sút liên tiếp trong vòng 3 năm qua đã khiến các nhà sản xuất phải cân nhắc. Mì ly rất có thể sẽ trở thành vị cứu tinh cho thị trường này trong thời gian tới.

Theo Báo cáo của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), với dân số khoảng 90 triệu người, trung bình mỗi người Việt ăn hơn 50 gói mì một năm. Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ mì gói hàng đầu thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, nhưng đến năm 2014 giảm xuống còn 5 tỷ gói và năm 2015 còn 4,8 tỷ gói.

Thế chân vạc

Trong khi đó, khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy thị trường có quy mô khoảng 24.300 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD) một năm này của Việt Nam đang có mức tăng trưởng trung bình hơn 10%. Dự báo trong năm 2016, quy mô thị trường sẽ tăng lên 25.700 tỷ đồng và đạt mức 26.600 tỷ đồng vào năm 2017.

Mặc dù có hơn 50 doanh nghiệp đang tham gia vào thị trường nhưng có đến 70% doanh số hiện nằm trong tay 3 đại gia là Acecook, Masan và Asia Foods. Vẫn giữ được ngôi vương, nhưng nhiều năm qua, thị phần của Acecook liên tục sụt giảm từ mức 51% năm 2013 xuống còn 43% năm 2015. Tương ứng với đó là sự vươn lên thị phần mạnh mẽ của người giữ vị trí thứ 2 là Masan với khoảng 25% thị phần năm 2015. Doanh nghiệp có cùng tuổi đời với Acecook là Asia Foods đã đánh mất vị trí thứ 2 vào tay Masan, trở thành người xếp thứ 3 trong cuộc chơi mì gói với thị phần ổn định quanh mức 10% trong nhiều năm nay.

Cuộc chiến giành thị phần vẫn đang diễn ra khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành với sự thay đổi thị phần liên tục trong mỗi năm, nhưng nhìn chung trên toàn thị trường, mức tăng trưởng đang chậm lại.

Ngay cả người “anh cả” Acecook cũng ghi nhận mức giảm sút đáng kể, từ 10.000 tỷ đồng doanh thu năm 2013 giảm xuống còn 9.000 tỷ đồng năm 2014 và 2015, tương ứng mức giảm 10%.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, công ty bán ra thị trường khoảng 1,3 tỷ gói mì và kỳ vọng cung ứng ra thị trường 2,9 tỷ gói cả năm, mang về doanh thu 9.000 tỷ đồng. Nếu đạt mục tiêu này, biểu đồ tăng trưởng của Acecook đi ngang.

Tình hình trên cũng diễn ra tương tự với đơn vị đang giữ vị trí thứ 2 trên thị trường là Masan. Theo báo cáo của Tập đoàn Masan, ngành thực phẩm tiện lợi, trong đó có mì gói, cũng đi ngang, do thị trường tăng trưởng âm về khối lượng tiêu thụ. Điều này dẫn đến kết quả kinh doanh của Masan Consumer không đạt được như kỳ vọng với doanh thu chỉ đạt 13.200 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận giảm 15% xuống còn 2.900 tỷ đồng. Ước tính doanh thu từ mì ăn liền của doanh nghiệp này ở mức trên 5.000 tỷ đồng/năm.

Nhưng tình trạng sụt giảm doanh số không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp đầu ngành. Ngay cả các doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ như Colusa – Miliket tình hình cũng không mấy khả quan. Cụ thể năm 2015, đơn vị này ghi nhận doanh thu 478 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40,5 tỷ đồng, mặc dù có tăng so với năm 2014 nhưng vẫn giảm đáng kể so với thời điểm năm 2013.

Mì ly “lên ngôi”

Mức sụt giảm chung của thị trường đã đẩy các doanh nghiệp trong ngành đến sự thay đổi tất yếu. Cụ thể, bên cạnh việc gia tăng mảng xuất khẩu, Acecook đang gia tăng đầu tư cho sản phẩm mới tiện dụng hơn là mì ly bằng việc tập trung mạnh vào hai phân khúc cao cấp và trung bình. “Mì ly đang bán chạy hơn mì gói ở một số cửa hàng tại TP.HCM. Lúc trước, chuyện này chưa bao giờ xảy ra”, ông Junichi Kajiwara, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam thừa nhận và cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, mì ly là dòng sản phẩm dẫn đầu tăng trưởng toàn công ty với mức tăng trưởng đột biến tới 45%.

Mới đây, doanh nghiệp này đã đầu tư thêm một nhà máy sản xuất mì mới tại TP.HCM, trong đó một trong ba dây chuyền sản xuất tại nhà máy này được dành riêng để sản xuất mì ly. Dây chuyền này có thể sản xuất 180 triệu ly mì trong một năm. Acecook cũng đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy nữa ở miền Bắc vào năm sau, nâng sản lượng mì ly trong các nhãn hiệu mì của công ty này từ 2% lên 5% vào cuối năm 2017.

Giữa tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp này đã tung ra thị trường dòng sản phẩm mì ly mới có cả thịt và rau đi kèm với giá bán lẻ 8.000 đồng mỗi ly, cao hơn gấp đôi so với giá trung bình của các loại mì đóng gói khác. Do đó, mì ly, mì tô cũng được coi là những dòng sản phẩm chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng trung bình trở lên. Theo một báo cáo mới công bố năm 2016 của hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus, những người trong độ tuổi 30 có xu hướng sử dụng mì ly nhiều hơn (63%) so với những người ở lứa tuổi 20 (48%) và nam giới có xu hướng sử dụng mì ly nhiều hơn (52%) so với nữ giới (45%).

Cũng vào thời gian này, một thương hiệu mì đình đám khác của Nhật Bản là Công ty Nissin Food Holdings đã cho ra mắt sản phẩm Cup Noodles với giá từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng/ly. Phía Nissin cho biết, chiến lược của công ty là sẽ tung ra thị trường những sản phẩm cao cấp, mang tính tiện dụng cao, nhằm tạo ra một nhu cầu tiêu dùng mới. Dù có mặt ở thị trường Việt Nam chưa lâu, nhưng “đại gia” mì ăn liền của Nhật Bản cũng đã kịp xây nhà máy quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 41 triệu USD để tiến sâu vào thị trường.

Sự chuyển hướng đầu tư thêm các dòng sản phẩm mới của những người dẫn đầu đã khiến những tay chơi khác trên thị trường không thể ngồi yên. Masan đã nhanh chóng cho ra đời mì ly Cung Đình với định vị dành cho phân khúc cao cấp. Tương tự, các hãng khác như Asia Foods cũng cho ra mắt các nhãn hiệu mì ly VIP Gấu Đỏ và mì ly Shangha, Vifon có Ngon – Ngon, mì ly bổ sung yến mạch của Reeva Ba Miền, hay mì ly của Miliket – Colusa, A-One… Bên cạnh đó, hàng loạt các nhãn hiệu mì ly từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản cũng đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam, làm cho thị trường ngách này đang ngày càng trở nên sôi động.

Mai Khanh
Nguồn Doanh Nhân Online