Starbucks và sức mạnh của ly cà phê

Với giá trị thị trường khoảng 33 tỉ USD, Starbucks là sự thèm khát của nhiều doanh nghiệp. Thương hiệu cà phê mà Schultz xây dựng trong hơn 25 năm qua chưa bao giờ mạnh như lúc này. Doanh thu của Starbucks đã đạt xấp xỉ 12 tỉ USD trong năm ngoái

Cảm hứng từ tách cà phê Ý

Điều khiến Schultz nổi tiếng là ông không chỉ bán cà phê mà còn tạo ra một nền văn hóa giao tiếp mới tại Mỹ. Cảm hứng của ông đến từ chuyến đi Ý năm 1983. Khi đó, Schultz đã gia nhập Starbucks được 1 năm.

Tại Ý, ông đã khám phá ra những quán cà phê espresso (cà phê đen kiểu Ý) ở khắp Milan và Verona. Ông nhìn thấy các nghệ nhân pha chế cà phê espresso một cách điêu luyện. Và ông cũng khám phá ra nét văn hóa mới: người Ý xem các quán cà phê này là nơi thứ ba ngoài văn phòng làm việc và nhà của họ. Ông cũng làm một bài toán và nhận thấy Ý, quốc gia có dân số chỉ bằng 1/5 dân số Mỹ, lại có tới 200.000 quán cà phê như vậy.

Howard Schultz - Chủ tịch kiêm CEO Starbucks

Quay về Mỹ, Schultz đã bỏ việc để mở quán cà phê espresso. Năm 1987, khi các nhà sáng lập Starbucks quyết định bán cơ nghiệp của mình, Schultz đã huy động được 3,8 triệu USD từ các nhà đầu tư để mua lại doanh nghiệp này.

Khi lên sàn vào năm 1992, Starbucks đã có 165 cửa hàng. Thời điểm đó, không ít chuyên gia Phố Wall đã hoài nghi về cách kinh doanh theo kiểu văn hóa cà phê của Ý, vốn xa lạ với người Mỹ. Thế nhưng, trong 8 năm tiếp theo, Công ty đã tăng trưởng tới 49%/năm (1992-2000). Schultz đã thực sự tạo ra được ngôi nhà thứ ba tại Mỹ.

Năm 2000, Schultz quyết định rời khỏi vị trí CEO nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch. Khi đó, ông 46 tuổi. Khi ông không còn điều hành công việc hằng ngày, Starbucks ban đầu vẫn bành trướng mạnh mẽ. Thậm chí, tại một số thành phố ở Mỹ, tỉ lệ quán cà phê Starbucks/đèn giao thông là 2:1. Đến năm 2007, Starbucks có tổng cộng có 15.000 cửa hàng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, sự bành trướng với tốc độ chóng mặt cuối cùng cũng dịu lại. Lượng khách hàng vào các cửa hàng bắt đầu giảm xuống lần đầu tiên, một phần là do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.

“Tôi rất ngạc nhiên và phấn khích trước sức mạnh của ly cà phê. Chỉ một ly cà phê mà có thể kết nối được mọi người và tạo ra một cộng đồng thật sự” - Schultz đã viết trong cuốn hồi ký xuất bản vào đầu năm 2011.

Đầu năm 2008, Schultz đã quay trở lại vị trí CEO. Ông cho đóng cửa 800 cửa hàng hoạt động kém hiệu quả tại Mỹ và sa thải 4.000 lao động. Nhân viên được đào tạo lại, công nghệ được cải tiến và công việc điều hành cũng được chỉnh đốn. Starbucks cũng bỏ ra hàng chục triệu USD để tổ chức các chương trình vận động nhằm khơi dậy tinh thần làm việc của nhân viên cũng như tìm hiểu, nghiên cứu các sản phẩm mới.

Khi trở lại, Schultz đã thay đổi cách thức điều hành: ông trở nên thận trọng, ít bốc đồng và có một chút gì đấy thư thái hơn. “Khi bạn thành lập một công ty, đó là mối quan tâm duy nhất của bạn. Bạn sẵn sàng xông pha vì không mất gì nhiều. Còn khi đã xây dựng một đế chế thì điều đó lại khác hẳn”, ông nói.

Sự thịnh vượng cuối cùng đã quay lại với Starbucks. Sau khi mở thêm một loạt cửa hàng ở Mỹ, đồng thời sẽ cải tiến 1.700 cửa hàng khác nhằm tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện và gần gũi khách hàng hơn. Starbucks cũng tung ra nhiều sản phẩm mới. Theo dự kiến, Công ty sẽ mở cửa hàng cafe đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 2/2013.

Ở thị trường nước ngoài, Công ty dự kiến sẽ mở thêm 600 cửa hàng; 25% trong số đó là ở Trung Quốc. Thị truờng Ấn Độ thì vẫn còn phải chờ đợi. Tính tổng cộng, Starbucks đã có 17.000 cửa hàng, phủ khắp 50 bang của Mỹ và có mặt tại gần 60 quốc gia trên thế giới.

Một doanh nhân tích cực hoạt động xã hội

Trở thành gương mặt thu hút giới chính trị, có 1 năm kinh doanh vượt bậc chỉ là 2 trong số các lý do để Tạp chí Fortune bầu chọn Schultz là Doanh nhân của năm. Ông vượt qua bao gương mặt đình đám trong giới kinh doanh còn vì ông đã tạo ra được một môi trường làm việc khiến tất cả nhân viên đều hài lòng cũng như có những hoạt động xã hội thiết thực.

Có thể nói hầu như không doanh nghiệp nào ở Mỹ lại ưu ái nhân viên như cách Starbucks ưu ái 107.000 “đối tác” (cách Starbucks gọi nhân viên của mình) tại Mỹ của mình. Ngoài các khoản thưởng cổ phiếu, những nhân viên làm ít nhất 20 giờ/tuần đều nhận được phúc lợi y tế. Các nhà đầu tư tổ chức từng yêu cầu ông giảm các chế độ y tế cho nhân viên nhằm giảm bớt chi phí giữa lúc kinh tế bị suy thoái. Thế nhưng, ông đã từ chối. Schultz cho biết, điều đó là tối kỵ đối với đạo đức doanh nghiệp và như thế là tự mình đánh mất niềm tin của nhân viên. Theo ông, “làm điều đúng” (tức bảo đảm chế độ cho nhân viên) không hề mâu thuẫn với sứ mệnh của một doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận cho cổ đông, vì nó cũng sẽ củng cố lòng trung thành của nhân viên với Công ty và năng suất làm việc sẽ cao hơn.

Những điều ông đem lại cho nhân viên cũng xuất phát từ những điều đã ám ảnh ông khi còn nhỏ. Cha Schultz là cựu quân nhân thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Sau khi rời quân ngũ, ông đã làm rất nhiều việc từ công nhân, lái xe tải đến đánh xe ngựa… nhưng chưa bao giờ kiếm được quá 20.000 USD/năm. Là con trai cả trong số 3 người con, Schultz đã chứng kiến nỗi buồn trong cuộc đời đi làm của cha mình. Khi Schultz lên 7, ông về nhà và thấy cha nằm đau đớn trên ghế. Cha ông bị ngã khi đang làm việc, bị vẹo mắt cá chân và vỡ xương hông. Ông bị sa thải và gửi về nhà mà không có bảo hiểm y tế, không có bồi thường tai nạn hay trợ cấp thôi việc. Hình ảnh ấy đã ám ảnh và thôi thúc Schultz đến tận hôm nay. Đó là lý do ông luôn quan tâm đến đời sống của nhân viên và đối xử với họ một cách công bằng.

Sự tinh tế của cafe Ý đã được Howard Schultz biến thành văn hóa của Starbucks.

Không những thế, Schultz còn quan tâm đến đời sống của những người Mỹ bị mất việc làm. Ông rất bức xúc trước cách làm việc của giới chính trị Mỹ khi không giải quyết được những vấn đề của nền kinh tế. Ông cũng cho rằng không thể trông đợi vào Chính phủ, mỗi doanh nghiệp cần phải góp sức giúp đỡ cộng đồng.

Vì thế, năm qua, Schultz đã tung ra chương trình “Create Jobs for USA” (Tạo Việc làm cho nước Mỹ) cho doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ vay vốn, qua đó giúp tạo việc làm cho người dân. Khách hàng của Starbucks sẽ đóng góp của chương trình này. Khi ghé vào 6.700 cửa hàng của Starbucks trên khắp nước Mỹ, khách hàng có thể đóng góp bằng cách bỏ ra 5 USD mua dải băng đeo tay 3 màu đỏ-trắng-xanh với thông điệp Indivisible (Không thể chia cắt) trên đó.

Tiền đóng góp sẽ được gửi vào Opportunity Finance Network, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ vốn cho 180 tổ chức tài chính phát triển cộng đồng. Với 50 triệu khách hàng Mỹ thích ghé qua Starbucks nhâm nhi cà phê mỗi tuần, Schultz dự kiến sẽ huy động được hàng chục triệu USD. Quỹ Starbucks Foundation của Schultz đã tài trợ 5 triệu USD ban đầu. Schultz và vợ cũng hiến tặng một số tiền khá lớn. “Nhà lãnh đạo doanh nghiệp không thể là người đứng ngoài cuộc. Starbucks và các công ty khác có thể dùng sức của mình để làm điều gì đó tốt đẹp cho nước Mỹ”, ông nói.

Starbucks đã tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ. Trong khi hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm lao động, Starbucks lại tuyển dụng thêm 3.700 nhân viên. Công ty dự kiến sẽ tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động khác trong năm 2013

Schutlz cho rằng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp cần được định nghĩa lại, sâu sắc hơn. Vai trò của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông. “Cần có sự cân bằng giữa kinh doanh với trách nhiệm xã hội… Những công ty thực tâm làm điều đó cuối cùng sẽ hưởng được phần thưởng xứng đáng là tạo ra lợi nhuận nhiều hơn”.

Howard Schultz - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới Starbucks sinh ngày 19/7/1953 trong một gia đình nghèo khó ở thị trấn Brooklyn, thành phố Seattle (Mỹ). Ngay từ bé, Howard Schultzra sức làm việc giúp gia đình và miệt mài học tập. Những cố gắng của cậu đã được báo đáp khi ước nguyện đầu tiên là thi đỗ vào Trường đại học Michigan.

Ông từng được bầu 'Doanh nhân của năm' ở Mỹ năm 2011, nổi tiếng với chương trình “Create Jobs for USA” (Tạo Việc làm cho nước Mỹ) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ.

Nguồn Dùng hàng Việt