Thế Giới Di Động giải bài toán xanh

Làm sao để Thế Giới Di Động tiếp tục là “con gà đẻ trứng vàng” đang trở thành bài toán đau đầu của các lãnh đạo công ty này.

Với giá trị Công ty hơn 1 tỉ USD, cách đây không lâu, lãnh đạo của doanh nghiệp này đã đặt lên bàn chiến lược những viễn cảnh tăng trưởng mới. Không chỉ phân phối các sản phẩm công nghệ di động, nhóm lãnh đạo Thế Giới Di Động đã nghĩ về nhiều thứ khác như: lấn sân vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phân phối sản phẩm thời trang, quần áo, giày dép... Và sau nhiều toan tính, họ quyết định sẽ “bán rau, củ, quả” - một cách nói bình dân của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thế Giới Di Động, về mô hình kinh doanh Bách Hóa Xanh đầy tham vọng trong tương lai.

Màu xanh tham vọng

Khoảng 1,5 tỉ USD là doanh thu tính đến tháng 10.2016 của Thế Giới Di Động với 929 cửa hàng thuộc chuỗi Thế Giới Di Động (phân phối sản phẩm di động), 173 cửa hàng Điện Máy Xanh (phân phối sản phẩm điện máy) và 39 cửa hàng Bách Hóa Xanh (bán lẻ tổng hợp). Điện Máy Xanh ra đời sau, được xem là chiến lược thức thời của Thế Giới Di Động trước sức ép tạo tăng trưởng sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, bên cạnh tỉ suất lợi nhuận của ngành bán lẻ thấp và thị trường điện thoại không còn nhiều dư địa.

Thế Giới Di Động công bố với cổ đông rằng hệ thống Điện Máy Xanh tăng trưởng 200% một cách đều đặn từ khi mở cửa, trong khi ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, hệ thống này chỉ mới đi được 50% chặng đường (so với chuỗi Thế Giới Di Động). Ông Tài và các nhà lãnh đạo tỏ ra quyết liệt xây dựng hệ thống mới này, để nó trở thành “sự lựa chọn số 1 trong tâm trí người tiêu dùng”. Một cửa hàng Thế Giới Di Động đầu tư 100.000USD, trong khi Điện Máy Xanh là 250.000USD. Ông chủ của Thế Giới Di Động còn chịu chi hơn 100 tỉ đồng để làm thương hiệu riêng cho Điện Máy Xanh trong năm 2016 và hứa hẹn con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017.

Nhưng tham vọng không dừng lại đó. Sau khi tính toán, lãnh đạo của Thế Giới Di Động thấy rõ, nếu cộng giá trị thị trường cả 2 mảng điện thoại di động và điện máy, chỉ vào khoảng 6 tỉ USD, trong khi thị trường hàng tiêu dùng tổng hợp đạt gấp 10 lần (60 tỉ USD). Con số ước tính hấp dẫn này là bàn đạp để Thế Giới Di Động tung “con bài” Bách Hóa Xanh gần đây.

So với Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh là bài toán chưa có lời giải cuối cùng. Chuỗi Thế Giới Di Động thành công vì tham gia thị trường từ rất sớm, đối thủ cạnh tranh chuyên nghiệp không nhiều, tư duy quản trị hiện đại và hoàn chỉnh hóa hệ thống quản lý trên diện rộng. Điện Máy Xanh bước đầu tạo dấu ấn vì tận dụng sức mạnh và kinh nghiệm kinh doanh tương đồng từ Thế Giới Di Động, cũng như mở rộng các khu vực vùng ven còn nhiều tiềm năng. Nhưng Bách Hóa Xanh có ít không gian hơn trong môi trường kinh doanh bán lẻ đang rất khốc liệt.

Bán lẻ tổng hợp (gồm siêu thị và các chuỗi cửa hàng tiện lợi) đang bước vào thời điểm cam go khi Vinmart (thuộc Vingroup) hoàn tất 50 siêu thị và 3.000 cửa hàng trên toàn Việt Nam trong năm 2016 (con số này dự báo tiếp tục tăng cao những năm tiếp theo). Song song đó là hệ thống nhà nước Co.op Mart, ngoài 75 siêu thị, 200 cửa hàng Co.op, cũng bắt đầu tiến hành nhượng quyền mạnh mẽ hệ thống mang tên Co.op Food (Co.op Food đã có 97 cửa hàng). Satra Food và Vissan cũng tham vọng bành trướng bên cạnh xấp xỉ 80 cửa hàng bán lẻ thực phẩm. Đó là chưa kể sức “công phá” của khối ngoại khi chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K tuyên bố đạt 500 cửa hàng vào cuối năm 2017, so với 200 cửa hàng hiện thời; Family Mart bung 1.000 cửa hàng đến năm 2020, so với 125 cửa hàng hiện nay. Đặc biệt là hệ thống Seven-Eleven cũng dự kiến tham gia vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Dĩ nhiên, còn một danh sách dài các hệ thống bán lẻ tổng hợp khác cũng đang so kè quyết liệt trong thị trường được xem là rất tiềm năng.

Bách hóa Xanh

Trong lúc đó, Bách Hóa Xanh mới có 39 cửa hàng. Mô hình này không hẳn là siêu thị (supermarket), cũng không định dạng như cửa hàng bán lẻ (convenience store), Bách Hóa Xanh là mô hình “lai” hay được gọi là siêu thị nhỏ, nơi có hàng hóa bán nhanh, rẻ, phổ chúng, tiện nghi (không có hàng trữ quá lâu, hay quá chuyên sâu về chủng loại).

Thế Giới Di Động đang thử nghiệm mô hình này với mỗi cửa hàng được đầu tư dao động 50.000USD, khoảng 200m2, ước 1/3 doanh thu đến từ thực phẩm tươi, rau quả, 2/3 từ thực phẩm đóng gói, nhưng chưa thể ước tính sẽ mở rộng bao nhiêu cửa hàng trong tương lai. Họ tuân thủ nguyên tắc cửa hàng phải đạt 1 tỉ đồng doanh thu/tháng và tiền thuê mặt bằng không quá 2% doanh số mới để tồn tại. Các địa điểm đầu tiên của Bách Hóa Xanh tập trung ở khu vực ngoài trung tâm nhằm thu hút lượng dân nhập cư tại các vùng ven có nhu cầu cao.

Ở giai đoạn đầu (năm 2016), Bách Hóa Xanh (với mô hình siêu thị mini đa dạng) đang tìm câu trả lời từ người tiêu dùng. Đó là, nếu mua rau củ, nước mắm, nước tương, họ sẽ đến siêu thị hay ra chợ truyền thống, hay vào Bách Hóa Xanh? Nếu câu trả lời là có tiềm năng cho Bách Hóa Xanh thì đến năm 2018, Thế Giới Di Động sẽ đầu tư mạnh hơn. Nhưng khi được hỏi về tương lai của Bách Hóa Xanh, ông Tài cũng chưa dám chắc chắn.

Ông chỉ nói: “Bài toán quản lý về chuỗi bán lẻ dạng này rất khó. Bạn hãy hình dung làm sao cho hàng ngàn cửa hàng luôn có rau quả tươi, an toàn, đúng giá, không bị tồn nhiều... Nếu giải quyết được, bạn sẽ thắng cuộc. Nhưng thực chất chưa có ai giải được bài toán này kể cả các siêu thị lớn. Sau 9 giờ tối mỗi ngày, rau còn lại sẽ trở thành rác, trái cây giữ thêm tối đa 1-2 ngày. Chúng tôi vẫn đang học cách làm sao cho đến năm 2017, tỉ lệ thực phẩm tươi phải vứt bỏ là thấp nhất”. Ngoài ra, ông cho biết thêm, về khía cạnh phát triển hệ thống, chiến lược của Bách Hóa Xanh là không nằm cạnh những siêu thị lớn, vì khó tạo sự khác biệt. Công ty sẽ chọn một địa điểm nào đó và chỉ khoanh vùng phục vụ vài ngàn dân sống xung quanh, trước khi mở được hàng chục ngàn cửa hàng cho người tiêu dùng mọi nơi. “Chúng tôi cần thêm thời gian để tìm lời giải chính xác cho tất cả bài toán trên”, ông Tài giải thích.

So với Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh là bài toán chưa có lời giải cuối cùng.

Dù bài toán bán lẻ hàng tiêu dùng còn nan giải, các ông chủ của Thế Giới Di Động vẫn đang nỗ lực hướng đến sự cộng hưởng quyền lực với các nhà sản xuất. Ông Tài lý giải, nếu Bách Hóa Xanh mở rộng đến 200 cửa hàng, tạo ra doanh thu 200 tỉ đồng, nghĩa là bằng quy mô của 4 siêu thị cộng lại, thì chuyện “bắt tay” nhập hàng trực tiếp với các nhà sản xuất sẽ dễ dàng hơn, khi đó chi phí sẽ tối ưu hơn. Song song với câu chuyện của Bách Hóa Xanh, lãnh đạo của Thế Giới Di Động còn ấp ủ một tham vọng lớn hơn.

Không chỉ xanh, phải còn vui!

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh qua hệ thống cửa hàng, Thế Giới Di Động còn được biết đến là “kẻ phá bĩnh” thị trường thương mại điện tử. Các hệ thống kinh doanh trực tuyến của Thegioididong.com và Dienmayxanh.com ăn nên làm ra, trong khi nhiều mô hình kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam phải đóng cửa. Năm 2015, mua sắm trực tuyến từ Thegioididong.com đã mang về hơn 1.000 tỉ đồng cho công ty này.

Có thể thấy ít nhất trong 2 năm tới (2016-2018), doanh thu kinh doanh trực tuyến của Thế Giới Di Động vẫn đến từ Thegioididong.com và Dienmayxanh.com, nhưng trong nhiều năm sau đó (2019-2025), doanh thu này dự kiến sẽ cộng hưởng mạnh sang hệ thống trực tuyến của Bách Hóa Xanh và một mô hình mới mang tên Vuivui.com.

Kế hoạch chuẩn bị cho Vuivui.com chưa được chia sẻ cụ thể, nhưng ông Nguyễn Đức Tài bác bỏ mọi so sánh với với các mô hình Lazada (Lazada), Sendo (FPT), Adayroi (Vingroup) đang khá mạnh hiện nay. Vuivui.com được hiểu là mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng), theo đó, trình làng và bán tất cả mọi thứ, với tên gọi “siêu thị trực tuyến đa ngành hàng”. “Tôi chỉ có thể nói, bây giờ chúng tôi có điện thoại, điện máy, bách hóa bán online, sắp tới sẽ là đủ thứ... Đơn giản là đủ thứ, vậy thôi!”, ông Tài chia sẻ. Dù gì việc xuất hiện của Vuivui.com trong tay một tên tuổi lớn như Thế Giới Di Động cũng sẽ tạo thêm một đối trọng mới trong thị trường thương mại điện tử thời gian tới.

Trong phác thảo về tương lai của Thế Giới Di Động với Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh và Vuivui.com, con cưng Thế Giới Di Động không thể bị ra rìa. Cho đến nay, doanh thu từ điện thoại di động vẫn chiếm 55% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động, tiếp đến là điện máy với 20%, laptop, máy tính bảng khoảng 7%, còn lại là những sản phẩm phụ kiện. Tuy nhiên, bức tranh phân phối của chuỗi Thế Giới Di Động ngày một chật chội hơn. Chuỗi này đã phủ tất cả các tỉnh thành Việt Nam với hệ thống quản lý hiệu quả. Con đường toàn cầu hóa được xác định phải là hướng đi tiếp theo cho chuỗi Thế Giới Di Động.

Ông Tài cho biết, Thế Giới Di Động vừa hoàn tất thủ tục để đặt chân vào thị trường Campuchia và dự kiến sẽ có 15 cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại di động được mở tại đây vào giữa năm 2017. Thêm một thử nghiệm mới đầy triển vọng. Nhưng điều này chẳng phải là thách thức của Thế Giới Di Động khi họ đã chứng minh được khả năng mở rộng rất nhanh. Có thể lấy ví dụ gần nhất là chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, cả 2 chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã mở thêm 481 cửa hàng. Với con số này, một nhà đầu tư khác có thể sẽ phải mất đến... 9 năm.

Những mong đợi về hiệu quả kinh doanh của Thế Giới Di Động tại Campuchia không được các lãnh đạo công ty chia sẻ, nhưng nếu Thế Giới Di Động lập lại lịch sử thành công như ở Việt Nam thì không loại trừ khả năng hệ thống Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh cũng sẽ phủ rộng đất nước chùa tháp trong tương lai.

Coi trọng giá trị doanh nghiệp

Rõ ràng, tương lai của Thế Giới Di Động sẽ nằm trong những hệ thống “xanh” (Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh). Ông Tài cho biết sẽ dành 20% thời gian mỗi ngày để gặp gỡ các nhà đầu tư, 40% quản lý chung thương hiệu và giữ giá trị chuẩn mực cho hệ thống, trong khi 40% là dành cho Bách Hóa Xanh.

Với tốc độ mở rộng rất nhanh của hệ thống “xanh”, ông Tài chia sẻ về cách thức quản lý phân quyền. Ông thoải mái nói: “Ngày nào mà ông Tài không còn làm việc thì cổ đông, nhà đầu tư không có gì phải lo lắng, bởi không có ảnh hưởng nào xảy ra. Tôi có thể tự tin nói rằng, Thế Giới Di Động giao cho người được phân quyền đưa ra quyết định cuối cùng, chứ không phải là người cao nhất đưa ra quyết định cuối cùng”.

Ông Tài cũng được biết đến là người có cá tính mạnh trong kinh doanh và đưa ra quyết định. Khi được hỏi nếu doanh thu giảm vì thị trường khó khăn, Thế Giới Di Động sẽ làm gì, ông trả lời: “Nhanh chóng cắt giảm chi phí nhân viên, thương lượng với chủ nhà giảm tiền thuê; nếu vẫn thấy doanh thu giảm, lợi nhuận bị xói mòn thì đóng ngay, không phải nói nhiều!”. Sau sự hỗ trợ về đầu tư từ Quỹ Mekong Capital, trong tương lai, ông Tài vẫn mong đợi chính sách nới room ngành bán lẻ (trên 49%) sẽ được thông qua. Nhưng trong tư duy lãnh đạo của ông cho sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống thuộc Thế Giới Di Động phải là: “Người tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mới thực sự là linh hồn của doanh nghiệp, chứ không phải là người sở hữu doanh nghiệp”.

Tàng Long - Đức Tài
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư