Giá nào cho Sabeco?

Nếu không có gì thay đổi, ngày 12.12 tới đây, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM (HSX).

Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters mới đây của ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp Bộ Công Thương. Như vậy, sau 8 năm trì hoãn, những mong chờ của giới đầu tư cuối cùng cũng đã được đáp ứng. Cơ hội để thị trường tiếp cận cổ phiếu số 1 ngành bia đã rộng mở.

Theo thông tin công bố, Sabeco có quy mô vốn điều lệ 6.413 tỉ đồng, tương ứng với 641,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, Bộ Công Thương nắm 89,59% vốn, còn Heineken sở hữu 5%. Sau khi lên sàn, Bộ Công Thương sẽ thoái vốn khỏi Sabeco theo 2 đợt: đợt 1 thoái 53,59% vốn ngay năm 2016; đợt 2 sẽ bán tiếp 36% còn lại trong năm 2017.

Lộ trình thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi Sabeco đã làm giới đầu tư hoan hỉ. Hàng loạt các tên tuổi trong ngành bia thế giới như Kirin Holdings, Asahi (Nhật), Heineken (Hà Lan), Singha, ThaiBev (Thái Lan), AB InBev, SABMiller (Mỹ)… đang xếp hàng chờ mua cổ phiếu Sabeco. Mục tiêu của những nhà đầu tư chiến lược này là muốn nắm quyền chi phối ở Sabeco, để làm bàn đạp tấn công mạnh mẽ vào thị trường bia Việt Nam.

Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của Sabeco đạt 4.510 tỉ đồng, trong đó mảng bia góp 86%.

Việt Nam hiện đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và trong top 11 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, theo báo cáo của Kirin Beer University. Nghiên cứu của Nielsen cũng chỉ ra, tốc độ tiêu thụ bia của Việt Nam luôn duy trì ở mức 2 con số suốt nhiều quý và vẫn tăng 9,2% tính đến cuối quý III/2016. Dự báo đến năm 2025, tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam sẽ đạt tới 7 lít/người/năm. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, gần 62% dân số trong độ tuổi 15-54 và tầng lớp trung lưu giàu có ước tăng gấp đôi vào năm 2020, đạt 33 triệu người (theo Trung tâm Nghiên cứu Người Tiêu dùng và Khách hàng của hãng tư vấn Mỹ BCG) cũng là những yếu tố thúc đẩy ngành bia phát triển.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho bất cứ công ty bia thế giới nào muốn đặt chân đến. Và Sabeco, với vị thế dẫn đầu, chiếm khoảng 40% thị phần ngành bia, giữ cách biệt so với các đối thủ như Habeco, Carlsberg đã trở nên cực kỳ hấp dẫn trong mắt giới đầu tư.

Bằng chứng là sau khi có thông tin Sabeco sắp lên sàn, cổ phiếu của Công ty giao dịch trên sàn OTC đã đạt 150.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với khi chưa có thông tin niêm yết. Đáng chú ý, dù giá cổ phiếu của Sabeco đã tăng cao chót vót, người mua vẫn không sao tìm được lệnh bán để giao dịch. Điều này cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư rằng giá cổ phiếu sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Trong khi đó, giá tham chiếu của Sabeco khi niêm yết, theo thông tin chưa chính thức, có thể sẽ ở mức 110.000 đồng/cổ phiếu. Nếu theo mức giá này, quy mô vốn hóa của Sabeco ước đạt 3,15 tỉ USD.Tính toán sơ bộ cho thấy, mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu tương ứng với P/E khoảng 18,7 lần, không cao so với các doanh nghiệp trong top đầu về vốn hóa thị trường như Vinamilk, Vingroup… Báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cũng chỉ ra, so với P/E của Heineken, ThaiBev, Carlsberg, Asahi, San Miguel, Sapporo…thì P/E của Sabeco vẫn thấp hơn và đang ở mức hấp dẫn.

So sánh các chỉ số tài chính khác như ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận/tài sản), Sabeco cũng nổi bật. Chẳng hạn, ROA 2015 của Sabeco là 16,7%, ROE là 25,6%, cao hơn Habeco cũng như ThaiBev, Asahi..

Xét về kinh doanh, Sabeco tiếp tục ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng đạt hơn 21.800 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng tới 21%, đạt 4.510 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2016. Trong đó, đóng góp từ mảng bia chiếm tới 86%. Đáng chú ý, Sabeco đã tạo bức tranh kinh doanh tăng trưởng khả quan như thế suốt nhiều năm qua và chính thức trở thành doanh nghiệp tỉ đô từ năm 2012. Với tiềm năng của ngành bia, thị phần hiện đứng đầu, hoạt động kinh doanh của Sabeco dự báo sẽ còn tăng trưởng.

Rõ ràng, so với Habeco đang sa sút cả về kinh doanh lẫn thị phần, Sabeco đã vượt trội hơn hẳn. Vì thế, nếu như cổ phiếu của Habeco có thể tăng kỷ lục 100-200% chỉ trong một số phiên giao dịch sau khi lên sàn thì diễn biến ở Sabeco được giới phân tích dự đoán sẽ không hề thua kém. Đó là lý do vì sao thị trường kỳ vọng kịch bản tăng trần liên tục ở Habeco sẽ được lập lại tại Sabeco. Nói cách khác, mức giá của Sabeco sau khi lên sàn có thể sẽ còn vượt xa hơn con số 110.000 đồng/cổ phiếu.

Về mặt tâm lý, giới đầu tư yêu thích cổ phiếu Sabeco hơn vì mức cổ tức hằng năm mà công ty này chi trả đều ở mức khá cao. Điển hình, Sabeco đã chia cổ tức năm 2014 bằng tiền tỉ lệ 30% vốn điều lệ cho cổ đông và dự kiến sẽ duy trì mức này cho các năm tiếp theo.

Sabeco tiếp tục ghi nhận doanh thu lũy kế 9 tháng đạt hơn 21.800 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng tới 21%, đạt 4.510 tỉ đồng, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2016.

Về lâu dài, mạng lưới phân phối rộng khắp của Sabeco, với 23 công ty con, 17 công ty liên kết và 5 liên doanh là đích nhắm tới của các nhà sản xuất bia lớn trên thế giới. Đó là chưa kể, thương hiệu bia Sài Gòn, bia 333 của Sabeco rất có giá trị. Thương hiệu ưa chuộng, lịch sử kinh doanh lâu đời, cùng những lợi thế của một công ty nhà nước chuyển sang được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho Sabeco.

Sabeco cũng là doanh nghiệp có tài chính vững mạnh. Theo báo cáo hợp nhất mới đây, Sabeco có tiền và tương đương tiền hơn 6.800 tỉ đồng. Đó là chưa kể còn gần 3.300 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Số tiền này sẽ giúp Sabeco dễ dàng triển khai các chiến lược đầu tư của mình. Một điểm tích cực là Công ty đang tìm cách giảm các khoản đầu tư tài chính, đã khấu hao hơn 50% giá trị tài sản cố định hữu hình.

Tuy nhiên, cũng như Habeco, Sabeco đối mặt với những khó khăn từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, buộc Sabeco phải trích dự phòng gần 2.500 tỉ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt các năm trước cũng như bị áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại. So với con số thị phần 43% mà Sabeco công bố tại thời điểm Đại hội cổ đông thường niên đầu năm 2016, thị phần hiện nay của Sabeco đã giảm, theo nghiên cứu của Nielsen.

Mặt khác, so với các đối thủ ngoại, các dòng bia mà Sabeco đang tập trung lại ở phân khúc cấp thấp và trung bình, cho tỉ suất lợi nhuận/doanh thu không cao, khoảng 17%, trong khi của Heineken Malaysia là 19,1%, Carlsberg 17,5%, theo Bloomberg.

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư