Zalo, Viettel mang chuông đi đánh xứ người

Với cột mốc 2 triệu thuê bao Zalo hoạt động ở Myanmar đạt được mới đây, những kỹ sư công nghệ Việt Nam trong đội ngũ phát triển sản phẩm OTT này có niềm tin rằng một ngày nào đó, Việt Nam không chỉ được biết đến như là một đất nước nổi tiếng về xuất khẩu nông sản, hải sản…

Không ngại xuất ngoại

Bắt đầu từ năm 2012, khi xu hướng OTT bùng nổ trên thế giới thì Việt Nam với dân số 90 triệu là “bãi đáp” của nhiều tên tuổi lớn, đã làm mưa làm gió trên phạm vi toàn cầu, như Viber, Kakao Talk, Wechat, Line…

Vào thời điểm đó, việc Zalo - một sản phẩm tương tự của Việt Nam - chập chững bước chân vào thị trường được xem là ý tưởng điên rồ.

Bởi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, thậm chí đã có những doanh nghiệp rất mạnh về nội dung trên Internet đã phải “tự phế” sản phẩm phần mềm OTT gọi điện và nhắn tin miễn phí của mình để khỏi bị lấn sâu vào thua lỗ.

Bản thân Zalo cũng từng có thời điểm tưởng chừng không thể chen chân vào sân chơi với các đại gia.

Ông Vương Quang Khải, người sáng lập Zalo bình luận, khi một sản phẩm công nghệ Việt Nam xuất hiện, thì phản ứng đầu tiên của cộng đồng trong nước thường là sự nghi hoặc.

“Vì thế, khó khăn lớn nhất với chúng tôi thời gian qua có lẽ là áp lực hoàn thiện OTT để cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong bối cảnh xung quanh không ai tin tưởng. Xây dựng sản phẩm tốt đã khó, nhưng để nó thực sự được cộng đồng đón nhận, đội ngũ Zalo phải chịu những sức ép nặng nề”, ông Khải nói.

“Chúng tôi chỉ bắt đầu tự tin khi Zalo đạt mốc 20 triệu người dùng, tăng trưởng gần gấp ba so với 2013”.

Mới đây, Zalo tuyên bố cán mốc 60 triệu người dùng, tương đương với 2/3 dân số Việt Nam. Với con số này, Zalo đã đứng vị trí áp đảo so với các ứng dụng OTT khác như Viber, và cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến Kakao Talk và Line âm thầm rút khỏi thị trường Việt Nam không kèn không trống.

Không dừng lại ở việc nhắn tin và thoại miễn phí, Zalo đã tích hợp thêm các dịch vụ công, thông báo tiền điện hàng tháng, tra cứu điểm tiêm vắc xin…

Khi đã chiếm lĩnh thị trường trong nước, Zalo tiếp tục tiến ra nước ngoài. Myanmar là cái tên được nhắc đến cho chiến lược xuất ngoại này.

Kỹ sư Zalo đang trò chuyện cùng một người lái xe thồ trên đường phố Yangon, Myanmar.

Với 52 triệu dân và đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ dịch vụ di động, Myanmar hiện có khoảng 18 triệu thuê bao 3G. Trước khi Zalo vào thị trường này thì Viber, Wechat, Line, Beetalk đã có mặt ở đây.

Ngay lập tức, phiên bản Zalo có hỗ trợ tiếng Myanmar đã được đưa ra. Sau khoảng 4 tháng có mặt, Zalo đã có khoảng 2 triệu thuê bao tại Myanmar.

Chỉ lãng mạn không đủ

Lâu nay, việc ra nước ngoài của các doanh nghiêp Việt vẫn được xem là câu chuyện “trâu chậm uống nước đục”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) - doanh nghiệp đã và đang có nhiều thương vụ đầu tư ra nước ngoài, từng nhìn nhận, khi ra nước ngoài, doanh nghiệp của ông sẽ phải cạnh tranh với những công ty viễn thông hàng đầu thế giới…

Thế nhưng, người đứng đầu Viettel cũng nhìn sự khó khăn này dưới góc nhìn đầy lãng mạn, bởi ông cho rằng khi phải cạnh tranh với các đối thủ lớn, Viettel sẽ càng trưởng thành hơn.

“Viettel sẽ tiếp tục đi ra nước ngoài để chinh phục thế giới. Bởi vì, nếu chúng ta không chinh phục thế giới thì thế giới sẽ chinh phục chúng ta”, ông Hùng nói.

Ông cũng không giấu mục tiêu của Viettel là vươn lên top 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới, thị trường nước ngoài có dân số 600-800 triệu dân, trên quy mô 20-25 quốc gia.

Thế nhưng, nếu sự lãng mạn thôi thì chưa đủ để cho doanh nghiệp nội đứng được ở thị trường ngoại. Ông Hùng cho rằng, điều khiến Viettel tạo nên khác biệt với các đối thủ chính là bản sắc văn hoá Việt Nam trong chiến lược kinh doanh và bản lĩnh người lính. Những câu chuyện đầu tư thành công ở các nước đều liên quan đến tính cách "rất Việt Nam", "rất người lính".

Viettel đang tạo nên kỳ tích tại Haiti với Netcom.

Ví dụ tại Haiti, khi động đất, dịch bệnh, hàng trăm ngàn người chết, các nhà đầu tư ra đi thì Viettel lại đến, đến khi nước bạn khó khăn. Tại Burundi, khi có đảo chính, các nhà mạng khác rút về nước thì Viettel ở lại để đảm bảo thông tin cho người dân.

Cũng tại Burundi, Viettel đã đạt được một kỷ lục viễn thông thế giới, là sau chưa đầy 3 tháng, từ một doanh nghiệp thứ 4 vươn lên thành doanh nghiệp lớn nhất tại Burundi.

Chia sẻ với quan điểm của Viettel, đội ngũ thực hiện Zalo cũng tin rằng sự khác biệt của họ đến từ sự kiên nhẫn và chịu khó của các kỹ sư người Việt.

Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 2 triệu người dùng ở thị trường nước ngoài đầu tiên, ông Vương Quang Khải thẳng thắn nhìn nhận, từ khía cạnh vĩ mô là tài chính, trình độ nhân lực, đến giao diện lẫn tính năng sản phẩm, Zalo hoàn toàn không thể so sánh với các ứng dụng toàn cầu.

Tuy vậy, trong nhiều tháng và cho đến cả thời điểm hiện tại, những thành viên ưu tú nhất trong đội ngũ kĩ sư của Zalo đã liên tục sang Myanmar để tìm hiểu về hành vi người dùng.

Với một thị trường mà điện thoại chỉ mới phổ cập được hai năm, Google Search không phổ biến, rào cản ngôn ngữ khiến việc tiếp cận thông tin rất khó khăn, các kỹ sư Việt Nam đã phải nhờ đến thông dịch viên địa phương cùng mình lang thang trên nhiều con đường, ngỏ ngách, chợ, siêu thị, chùa chiền…, các địa điểm công cộng khác, để tiếp xúc với người dân bản địa, và trực tiếp lắng nghe mong muốn của họ.

Ông Khải bình luận, nếu như các doanh nghiệp viễn thông phương Tây có xu hướng áp đặt một tiêu chuẩn toàn cầu theo trình độ phát triển của họ, thì các kỹ sư người Việt thường cố gắng thích nghi với điều kiện của nước sở tại. Mục tiêu của Zalo tại Myanmar là đảm bảo kết nối nhanh, ổn định cho người dùng, trong bối cảnh đất nước này vẫn còn nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ.

Nhật Nam
Nguồn VN Economy