Việt Nam sẽ trở thành trung tâm bán lẻ của khu vực

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành mục tiêu chạy đua giành giật của các tập đoàn nước ngoài với triển vọng phát triển vô cùng khả quan.

Thị trường bán lẻ VN đang phát triển chóng mặt với cuộc chạy đua quyết liệt giành thị phần của các đại gia từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc... với làn sóng đầu tư ồ ạt cùng những thương vụ mua bán, sáp nhập cực lớn. Chỉ trong tháng 9, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện của nhãn hàng thời trang nổi tiếng Zara của Tây Ban Nha, rồi chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng Miniso (Nhật Bản). Không chịu thua, hệ thống bán lẻ thời trang đa quốc gia H&M cũng đang hoàn tất thủ tục để nhanh chóng nhập cuộc. Theo giới chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của phân khúc này ở VN sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Miếng bánh hấp dẫn

Mới đây, Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân (TP.HCM) thông báo doanh thu đã vượt mức dự báo đến 18% kể từ khi mở cửa vào đầu tháng 7. Hiện Aeon, tập đoàn bán lẻ số 1 Nhật Bản, đã mở 4 trung tâm và 54 siêu thị ở VN. Số siêu thị Aeon ở VN nhiều gấp đôi số cửa hàng tiện ích mà tập đoàn này đầu tư vào Trung Quốc và chiếm đến khoảng 1/3 tổng số siêu thị Aeon ở nước ngoài. Chưa hết, đại gia Nhật Bản còn tham vọng mở thêm 16 trung tâm bán lẻ ở VN trong vòng vài năm tới.

Chuỗi siêu thị Big C hiện đã thuộc về Central Group của Thái Lan. ẢNh: Khánh An.

Emart, nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc, cũng chính thức bước chân vào TP.HCM khi ra mắt khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD sau khi “đồng hương” Lotte Mart cũng đã rất thành công tại đây với 11 siêu thị và đang kỳ vọng đạt tới con số 60 cửa hàng cho đến năm 2020. Trước đó, thời điểm cuối năm 2014, Tập đoàn Berli Jucker Plc của Thái Lan thâu tóm Metro Cash & Carry VN với giá 655 triệu euro, phát pháo hiệu cho cuộc chạy đua vào thị trường bán lẻ VN. Sau đó không lâu, một ông lớn khác từ Thái Lan là Central Group cũng bắt tay với Nguyễn Kim và thâu tóm BigC. Những tên tuổi nhảy vào cuộc đua gần đây còn có Tập đoàn Takashimaya của Nhật Bản vừa mở khu thương mại chiếm 15.000 m2 diện tích sàn tòa nhà Saigon Center ở trung tâm TP.HCM. Bên cạnh đó, AuchanSuper cho ra mắt thêm 3 cửa hàng Simply Mart tại TP.HCM và có kế hoạch tung thêm 17 chuỗi siêu thị và 20 cửa hàng từ nay đến năm 2020.

Bà Trang Bùi, Giám đốc bộ phận cho thuê của Công ty tư vấn quản lý đầu tư Jones Lang LaSalle (JLL) VN, nhận định nhà đầu tư chọn VN không chỉ do các yếu tố hấp dẫn nội tại mà còn vì thị trường này sẽ là bệ phóng mở rộng sang các nước ASEAN khác. Bà cho rằng nhà đầu tư bán lẻ bao gồm 2 dạng là kinh doanh mặt hàng và đầu tư trung tâm mua sắm để cho thuê. Đông Nam Á, đặc biệt là VN, hiện đang rất thu hút các nhà đầu tư bất động sản vào xây dựng trung tâm mua sắm và “VN là cơ sở để phát triển mạng lưới toàn khu vực, sang Philippines, Indonesia và Malaysia”, bà Trang Bùi nói với chúng tôi.

Nhà đầu tư chọn VN không chỉ do các yếu tố hấp dẫn nội tại mà còn vì thị trường này sẽ là bệ phóng mở rộng sang các nước ASEAN khác.

Cạnh tranh khốc liệt

Các chuyên gia cho rằng thị trường bán lẻ VN chỉ mới phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây và đang bắt đầu bước vào giai đoạn sung sức. “Thị trường bán lẻ VN có rất nhiều tiềm lực để phát triển với dân số trẻ và thu nhập của người dân đang tăng. Tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu ở VN cao nhất trong khu vực, cộng với tỷ lệ dân số thành thị tăng cao hơn nữa là các dấu hiệu tích cực rõ nét nhất”, bà Trang Bùi nhận định với chúng tôi. Theo bà, sự bùng nổ các trung tâm bán lẻ ở VN vẫn còn quá sớm để bước vào giai đoạn bão hòa bởi miếng bánh thị phần này vẫn còn nhiều mảng đang bỏ ngỏ. “Mình thiếu những sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý và những dịch vụ vui chơi thì mới chỉ có cinema, bowling và chưa đa dạng. Vì thế đây sẽ là cơ hội cho nhiều ngành nghề khác về bán lẻ thâm nhập vào”, bà Trang Bùi nhìn nhận.

Mặt khác, lượng dân số trẻ có thu nhập tốt đang tăng cao tại VN tạo điều kiện mở rộng thị trường cho rất nhiều mặt hàng giá cả phải chăng dành cho số đông (mass products). Sự xuất hiện của mass products mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng, buộc nhà đầu tư sau khi đã xâm nhập được thị trường vẫn phải liên tục thay đổi và cải tiến, nhất là về giá cả để cạnh tranh. “Khi một tay chơi mới xuất hiện, họ không chỉ đem theo sản phẩm mà còn là cách bán hàng mới, dịch vụ mới và những phương thức thanh toán tiện lợi mới. Đó là những điều mà các nhà đầu tư bán lẻ ở VN phải liên tục cập nhật, nghiên cứu không ngừng nếu muốn tăng lợi thế cạnh tranh”, bà Trang Bùi nhận định.

Khánh An
Nguồn Thanh Niên