Người Thái muốn chia thị trường 4 tỉ USD ở Việt Nam

Tỷ phú giàu nhất Thái Lan tỏ rõ tham vọng thâu tóm Vinamilk để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nước giải khát ở Việt Nam.

“Lý tưởng nhất là mua lại”, ông Lee Meng Tat, Giám đốc điều hành của Fraser & Neave Ltd (F&N) trong lĩnh vực đồ uống không cồn, nói với Hãng tin Bloomberg. F&N là một doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ uống của Singapore; thuộc sở hữu của ông Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu nhất Thái Lan.

Chọn Vinamilk làm “bàn đạp”

Tháng 9.2015, Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBankSc) công bố tổng doanh thu của ngành nước giải khát không cồn VN năm 2014 đạt gần 80.320 tỉ đồng, với mức tăng trưởng lũy kế là 13,48% trong giai đoạn 2011 - 2014. Còn theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát: Năm 2015, VN sản xuất 4,8 tỉ lít nước giải khát; dự kiến đến năm 2020 sẽ là 8,3 - 9,2 tỉ lít/năm. Những con số trên cho thấy tiềm năng phát triển thị trường nước giải khát của VN là rất lớn. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, cũng nhận định triển vọng phát triển của ngành này rất tốt và dự báo doanh số vào năm 2016 sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số.

Theo TS Ngô Trí Long, trong thị trường nước giải khát không cồn, cùng với Sabeco, Vinamilk là một “con gà đẻ trứng vàng” của VN. Đây cũng là 2 DN của VN có tên tuổi trên thị trường khu vực và châu Á. Chính vì vậy, việc các DN nước ngoài muốn thâu tóm là điều bình thường, không riêng gì Thái Lan.

Người Thái muốn thâu tóm Vinamilk để tăng nhanh thị phần ở ASEAN. Ảnh: Diệp Đức Minh.

Vinamilk là DN sản xuất sữa lớn nhất VN, có thị phần cao trên thị trường, thương hiệu nổi tiếng và mạng lưới phân phối rộng khắp. Những yếu tố này phù hợp với tham vọng của F&N là trở thành một DN đồ uống hàng đầu khu vực ASEAN và có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn khác đang có mặt tại đây. Cụ thể, F&N muốn cạnh tranh trực tiếp với 2 gã khổng lồ đến từ Mỹ là Coca Cola và Pepsi. Ông Lee nói rõ tham vọng: Khoảng cách giữa họ và phần còn lại là khá xa và chúng tôi phải tìm ra con đường nhanh hơn để chiếm lấy thị phần. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, F&N nằm trong top 3 DN dẫn đầu ngành đồ uống tại Singapore, Thái Lan và Malaysia nhưng không lọt vào top 5 tại VN, Indonesia và Philippines. Đây là lý do họ muốn nhanh chóng tìm cách tăng trưởng tại các thị trường này.

Thâu tóm các DN lớn của VN để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường là một chiến lược có từ nhiều năm trước của người Thái. Hiện nay F&N đang nắm trong tay 11% vốn của Vinamilk và là cổ đông lớn thứ 2, sau Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Mới đây, Vinamilk cũng được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho phép nới room ngoại lên 100%.

Con đường ngắn nhất

Ngành nước giải khát của Thái Lan được cho là đi trước VN ít nhất một chục năm. Các sản phẩm nước uống đóng chai, nước ép trái cây, nước tăng lực... của Thái có chất lượng khá cao. Hiện trên thị trường VN các sản phẩm nước giải khát của Thái xuất hiện khá nhiều với nhiều sản phẩm khác nhau.

Nếu không có Vinamilk hay Sabeco thì họ vẫn có thể đưa hàng vào VN. Vấn đề là hàng hóa phải được cạnh tranh với nhau bằng chất lượng sản phẩm, giá cả và thương hiệu.

Ở góc độ chuyên gia marketing ngành hàng tiêu dùng, ông Trần Bảo Minh cho rằng ngoài vị thế của một DN hàng đầu VN và có tiềm lực thật sự, các nhà đầu tư ngoại muốn thâu tóm một DN nội để tiếp cận thị trường 100 triệu dân một cách nhanh nhất. Trước đây có ý kiến cho rằng các nhà đầu tư ngoại với trình độ quản lý, khoa học kỹ thuật cao hơn sẽ giúp các DN nội nhanh chóng phát triển sản phẩm thương hiệu ra thế giới, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Lấy trường hợp Big C làm ví dụ, ông Minh phân tích người Thái mua lại hệ thống siêu thị này để từng bước đưa sản phẩm của họ vào VN và việc mua Vinamilk cũng nhằm thực hiện chiến lược tương tự. Người Thái nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm nước giải khát mới, các dòng sản phẩm dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe... rất tốt. Các sản phẩm này có thể hiện nay còn chưa phổ biến nhưng sẽ thịnh hành trong vài năm tới và có thể coi là sản phẩm của tương lai. Họ cũng có thể đưa những dây chuyền, công nghệ sản xuất đó theo con đường góp vốn để tăng tỷ lệ sở hữu vốn trong các DN Việt. Đến 5 - 10 năm sau, hàng hóa của họ sẽ tràn ngập VN và DN của họ cũng sẽ chiếm tỷ lệ vốn ngày càng lớn. “Các đại gia Thái chỉ muốn sử dụng Vinamilk hay Sabeco làm bàn đạp để từng bước đưa hàng của họ vào VN, đặc biệt là các sản phẩm của tương lai”, ông Minh nhận định.

Ở một góc nhìn khác, TS Ngô Trí Long cho rằng vấn đề của Vinamilk không phải là bán cho ai mà là bán giá bao nhiêu. Còn việc người Thái đưa hàng của họ vào VN bằng con đường đó hay không không quá quan trọng, vì nếu không đi đường này họ sẽ tìm đường khác. Nếu không có Vinamilk hay Sabeco thì họ vẫn có thể đưa hàng vào VN. Vấn đề là hàng hóa phải được cạnh tranh với nhau bằng chất lượng sản phẩm, giá cả và thương hiệu. “Theo tôi, vấn đề là nhà nước yêu cầu thoái bao nhiêu phần trăm vốn, chúng ta có còn nắm cổ phần chi phối hay không mới là quan trọng”, TS Long nói.

Chí Nhân
Nguồn Thanh Niên