Nhựa An Phát không bỏ qua thị trường nội địa

An Phát là nhà xuất khẩu nhựa màng mỏng lớn nhất của Việt Nam, với 95% doanh thu đến từ thị trường EU, Nhật, Mỹ.

Theo bảng xếp hạng những cổ phiếu có giá tăng mạnh nhất trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AAA của Công ty Nhựa và môi trường xanh An Phát nằm trong tốp 3. Cụ thể, giá cổ phiếu AAA hiện đã đạt mức 34.500 đồng (ngày 27.7), tức tăng hơn 180% chỉ trong 7 tháng đầu năm.

An Phát hiện là doanh nghiệp hoạt động hàng đầu trong ngành bao bì nhựa mỏng của Việt Nam, chuyên sản xuất các loại túi siêu thị, túi đựng rác, màng nhựa. Theo Công ty Chứng khoán VPBank, An Phát chiếm tỉ trọng 11% tổng sản lượng xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam. Việc này giúp An Phát có nhiều lợi thế hơn các công ty cùng ngành trong việc thâm nhập sâu vào thị trường nước ngoài và có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong việc mở rộng thị trường. Sản lượng của An Phát ước tính sẽ tăng mạnh trong vòng 3 năm tới khi nhà máy số 6 và số 7 hoạt động hết công suất.

So với các công ty cùng ngành, An Phát chỉ đứng sau TPBI (Thái Lan) trong khu vực Đông Nam Á về công suất hoạt động. Nhưng từ năm 2016, công suất của An Phát đã vượt qua TPBI, đạt 60.000 tấn/năm. Nếu TPBI dẫn đầu xuất khẩu tại Thái Lan thì An Phát là nhà xuất khẩu nhựa màng mỏng lớn nhất của Việt Nam, với 95% doanh thu đến từ thị trường châu Âu (EU), Nhật, Mỹ…

Hai năm qua đã diễn ra các cuộc thâu tóm ồ ạt của các tập đoàn châu Á vào ngành nhựa với các thương vụ đình đám như Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) mua cổ phần đáng kể ở Bao bì Minh Việt và Bao bì nhựa Tân Tiến; MeiwaPax Group chi hàng chục triệu USD mua Bao bì Sài Gòn; Oji Holding Corporation (Nhật) mua Bao Bì United; Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua 80% cổ phần ở Bao bì Tín Thành… Tuy nhiên, trong làn sóng này, An Phát vẫn không có biến động.

Hiện nay, kinh doanh của An Phát hoàn toàn phụ thuộc thị trường nước ngoài. Trong đó, thị trường Nhật ngày càng trở nên quan trọng, đạt mức tăng trưởng đến 145% trong 6 tháng đầu năm nay. Có thể thấy, thị trường Nhật sẽ đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng tương lai của An Phát. Bởi các nhà nhập khẩu Nhật đang chuyển dần mua hàng qua Việt Nam. Việt Nam hiện đã vượt lên Thái Lan và chỉ đứng sau Trung Quốc trong xuất bao bì nhựa sang Nhật. Một số khách hàng như Mitsubishi, Mitsui, Hanwa đã đặt mua túi nhựa của An Phát.

Lâu dài, An Phát kỳ vọng các loại túi siêu thị tự hủy phục vụ cho thị trường Nhật sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn. Đã có một nhà máy riêng, với công suất sẽ bằng tất cả 5 nhà máy cũ của An Phát vừa được xây dựng, chỉ để đón đầu cơ hội xuất hàng sang Nhật. Từ cuối năm nay, khi cả hai giai đoạn của nhà máy hoàn tất, An Phát đặt mục tiêu sẽ nâng dần tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường Nhật từ 17% doanh thu lên 50% (đến năm 2019).

Đối với thị trường Mỹ, An Phát đang xúc tiến xây nhà máy mới cho mục tiêu tận dụng các cơ hội từ hội nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ để bù đắp doanh thu suy giảm ở những thị trường khác. Nhà máy này dự kiến sẽ vận hành khoảng đầu năm sau.

Ở thị trường EU, sự kiện Brexit (việc Anh rời EU) đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của khu vực này. Ngoài ra, dưới tác động của Brexit, đồng euro và đồng bảng Anh yếu đi có thể khiến An Phát phải giảm giá sản phẩm, như đã từng xảy ra vào cuối năm 2014. Trước các khó khăn này, Công ty cũng đã lên kế hoạch chuyển dần thị trường sang các nước khác. Nhưng trong dài hạn, một khi Công ty tăng cường sản xuất túi tự hủy, từ 20% sản lượng toàn Công ty lên mức 25-27%, doanh thu lợi nhuận của An Phát ở thị trường EU vẫn sẽ tăng. Bởi EU đang hướng tới sử dụng sản phẩm túi tự hủy thân thiện với môi trường. Đặc biệt, giá bán túi tự hủy thường cao gấp 3 lần so với túi nhựa thông thường.

Thực tế, An Phát đã được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất vào EU cho sản phẩm bao bì tự hủy. Đây sẽ là mặt hàng chủ đạo trong tương lai và An Phát có kế hoạch xây dựng thêm 1 nhà máy túi tự hủy, để nâng công suất sản xuất mặt hàng này. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng với kế hoạch, An Phát dự tính, Công ty có thể đạt tới doanh thu 4.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 300 tỉ đồng vào năm 2019.

An Phát đang lên kế hoạch hướng về thị trường nội địa. Ảnh: kinhte.today.

Đối với thị trường trong nước, lâu nay, An Phát nhận thấy sản phẩm khó kinh doanh trong nước do bao bì màng mỏng chịu thuế môi trường cao (40.000 đồng/kg), còn sản phẩm túi tự hủy thì giá cao hơn so với túi ny-lon bình thường. Ngoài ra, các công ty sản xuất nhựa màng mỏng Việt Nam còn lép vế trước đối thủ ngoại do phải nhập khẩu nguyên liệu cũng như sử dụng công nghệ kém thua. Nhưng sau 14 năm tham gia thị trường xuất khẩu, lãnh đạo An Phát cho rằng không nên bỏ qua thị trường nội địa, nhất là khi sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng 76% nhu cầu tiêu thụ. An Phát dự tính sẽ lập liên doanh đầu tư nhà máy bao bì màng phức, với công suất 100 triệu mét dài/năm. Hoàn tất liên doanh xây nhà máy này, Công ty sẽ thuận lợi hơn trong việc tấn công thị trường nội địa.

Nhưng để đạt tới các mục tiêu này, tổng chi phí đầu tư các nhà máy mới ước tính cần lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cách đây 2 tuần, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch An Phát, cho biết, tuy An Phát có tổng nợ vượt vốn chủ sở hữu và chiếm hơn phân nửa tổng tài sản nhưng trong cơ cấu nợ, khoảng 300 tỉ đồng là từ phát hành trái phiếu chuyển đổi. Sắp tới, An Phát dự kiến sẽ cháo bán 25% vốn điều lệ cho đối tác chiến lược. Mục tiêu tìm kiếm đối tác chiến lược không phải là nhà đầu tư tài chính mà là nhà sản xuất trong cùng lĩnh vực hoạt động với Công ty, để hỗ trợ An Phát về mặt công nghệ và thị trường.

Thủy Ngọc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư