Sức mạnh của cái bắt tay của Apple và IBM

Sau gần 30 năm xem nhau là kẻ thù không đội trời chung, giữa năm 2014 Apple và IBM đã đặt bút ký thỏa thuận hợp tác lịch sử.

Giữa năm 2014, giới công nghệ xôn xao trước thông tin mối lương duyên hợp tác mới giữa 2 gã khổng lồ hàng đầu trong làng công nghệ là Apple và IBM. Một bên là công ty phần cứng hàng trăm năm tuổi hàng đầu thế giới, bên còn lại là nhà sản xuất điện thoại thông minh đình đám nhất dĩ nhiên sẽ tạo ra sức mạnh khủng khiếp ở thung lũng Silicon.

Càng ngạc nhiên hơn khi mối lương duyên này lại đến sau gần 30 năm Apple và IBM luôn xem nhau là kẻ thù không đội trời chung. Bản thân nhà sáng lập Steve Jobs từng có những hành động kiếm nhã khi đứng cạnh logo của IBM. Tuy nhiên với thỏa thuận lần này, Tim Cook đã xóa bỏ mọi hiềm khích giữa hai bên và cùng nhau phát triển.

Ginni Rometty (CEO IBM) và Tim Cook (CEO Apple). Ảnh: IBM / cio.com.

"Chúng tôi đã trải qua 30 năm từ đối thủ không đội trời chung cho đến sự hợp tác khó tin hôm nay. Tôi xin nhấn mạnh rằng, sự kết hợp này đem lại lợi ích cho cả hai công ty. Đây không chỉ là tin tốt đối với Apple và IBM mà còn cả với những khách hàng của cả hai tập đoàn trên toàn thế giới", Tim Cook khẳng định.

Kẻ thù không đội trời chung

Khởi nguồn từ Steve Jobs, Apple và IBM đã có thời kỳ căng thẳng như nước với lửa. Những chiếc PC của IBM thống trị thị trường máy tính trong thập niên 80, khiến cho máy tính Mac gần như không có chỗ đứng. Jobs không tiếc lời chê bai những chiếc PC của IBM, cho rằng chúng quá phức tạp và gây khó khăn cho người dùng.

"Nếu vì một lý do nào đó mà Apple phạm sai lầm và để thua IBM, cảm nghĩ cá nhân của tôi đó là chúng ta sẽ có một kỷ nguyên bóng tối trong khoảng 20 năm đối với ngành công nghiệp máy tính" - Steve Jobs khẳng định.

Apple về sau còn không sử dụng con chip của IBM trên máy tính của mình mà chuyển sang bắt tay với Intel.

Thậm chí, trong một lần tình cờ đứng cạnh biểu tượng logo của IBM, Steve Jobs đã có hành động khiếm nhã khiến ông nhận vô số lời chỉ trích thậm tệ.

Hành động có phần quá khích của Steve Jobs.

Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi iPad xuất hiện. Trái với mong đợi, doanh số bán iPad không đạt như kỳ vọng. Năm 2014, doanh số bán hàng của iPad đạt mức 64,9 triệu máy. Như vậy doanh số iPad của Apple đã giảm 12,7% so với năm 2013 - đánh dấu mức giảm lần đầu tiên trong lịch sử.

Chu kỳ nâng cấp iPad quá dài, cùng với việc tablet này không có những thay đổi cách mạng để thu hút người dùng là những nguyên nhân chính của sự tụt giảm.

Apple nhận thấy họ cần làm gì đó để vực dậy tình hình. Và Tim Cook đã thoáng nghĩ tới một thị trường khác cho sản phẩm này: Doanh nghiệp. Đây là thị trường mà khách hàng có túi tiền rủng rỉnh và sẵn sàng chi ra những số tiền khổng lồ để mua sắm thiết bị có logo Apple, nếu chúng được việc.

Đầu tháng 6/2015 đánh dấu cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Apple và IBM khi IBM lần đầu tiên khuyến khích nhân viên của họ sử dụng máy tính Mac trong công việc - điều mà người ta tưởng chừng sẽ không bao giờ xảy ra bởi IBM là ông tổ của những chiếc máy tính PC.

Đôi bạn cùng tiến

Trong suốt 22 tháng kể từ khi công ty đặt bút ký vào hợp đồng không thể tưởng tượng với IBM, Apple đã “bật lên” trong mắt các chuyên gia CNTT chỉ đơn giản bởi Apple đã đưa vào thị trường doanh nghiệp các thế mạnh sẵn có như trải nghiệm tiêu dùng, giao diện thiết kế và phần cứng.

Trong quá trình gần 2 năm quan hệ đối tác với Apple, IBM đã phát hành 100 ứng dụng di động iOS với các chức năng chuyên ngành, phục vụ cho 65 nghề thuộc 14 ngành.

Trong quá trình gần 2 năm quan hệ đối tác với Apple, IBM đã phát hành 100 ứng dụng di động iOS với các chức năng chuyên ngành, phục vụ cho 65 nghề thuộc 14 ngành, theo CIO.

"Có lẽ đó là một trong những quan hệ đối tác thành công - một điều bí mật được giữ kín", Van Baker, phó chủ tịch nghiên cứu tại Gartner nói. Cả 2 công ty hiện đang triển khai một cách khiêm tốn, nhẹ nhàng sáng kiến di động cho hệ điều hành “MobileFirst for iOS”, và không “gióng trống khua chiêng”.

Mục tiêu chính của Apple trong thị trường tập đoàn - doanh nghiệp hoàn toàn giống những thị trường khác là: Bán thêm được nhiều thiết bị. "Tôi cho rằng việc này đang chuyển đổi các công nghệ iPhone và iPad mà Apple đang có trong lĩnh vực doanh nghiệp, từ các công cụ tăng năng suất nói chung trở thành các công cụ ứng dụng chính", Baker nói.

"Không có nghĩa là rằng Apple đột nhiên sẽ trở thành công ty có hiểu biết sâu sắc về (thị trường công nghệ và giải pháp) doanh nghiệp... Apple nhận ra thị trường này quan trọng đối với họ, nhưng họ vẫn không có tài nguyên, vị thế, sự hiểu biết để thực sự hòa quyện vào thị trường doanh nghiệp này". IBM là câu trả lời hoàn hảo cho những thiếu sót đó.

Baker cho biết Apple đã mở một trung tâm thiết kế ở California vào hè năm ngoái và thu hút hơn 150 doanh nghiệp khách hàng trong vòng 6 tháng hoạt động đầu tiên. Công ty cũng có "4 cơ sở khác nhau trên khắp thế giới mà IBM phát triển và nhà phát triển Apple đang làm việc cùng nhau hàng ngày", ông nói.

IBM đã giúp công ty có định hướng người tiêu dùng giải quyết những hạn chế trong lĩnh vực doanh nghiệp bằng cách cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ mà các doanh nghiệp lớn mong đợi từ nhà cung cấp, theo Baker.

Ảnh: IBM.

Ông cũng nói rằng nghiên cứu của Gartner cho thấy rằng số lượng ứng dụng gốc cho các thiết bị của Apple được các doanh nghiệp lớn triển khai còn lớn hơn lượng ứng dụng mà Apple đã tự vận hành và ông cho biết ít nhất 4.000 doanh nghiệp đang chờ đợi để tham gia sáng kiến này.

Nhiều tập đoàn bỏ tiền vào chương trình MobileFirst for iOS với mục tiêu tạo ra một ứng dụng chỉ để giải quyết một bài toán cụ thể trong doanh nghiệp, nhưng họ thường cuối cùng quyết định triển khai thêm các ứng dụng khác, theo Baker.

Trong báo cáo thu nhập tháng 5, CFO của Apple là Luca Maestri nói công ty đã tiến bộ lớn với các sáng kiến trên thị trường doanh nghiệp. "IBM hiện đang trong quá trình triển khai cho hơn 200 khách hàng các ứng dụng gốc để tăng tốc độ chuyển đổi lên nền tảng di động", ông nói. "Chúng tôi thấy ngành vẫn liên tục thu nhận các ứng dụng gốc iOS để chuyển đổi cách các chuyên gia CNTT làm việc và phục vụ khách hàng".

Nhìn chung, đúng như những gì CEO Tim Cook nói khi đặt bút ký kết thỏa thuận với IBM, đây là mối lương duyên "có một không hai" và nó "đem lại lợi ích cho cả hai bên".

Vân Đàm
Nguồn Trí thức trẻ