Trà xanh đóng chai và thử thách tăng trưởng

Sự cố về chất lượng liên quan đến hai trong số ba doanh nghiệp (DN) dẫn đầu thị phần trà xanh đóng chai tại Việt Nam đã ít nhiều tác động đến niềm tin của người tiêu dùng. Điều này đặt ra câu hỏi liệu ngành trà xanh đóng chai có còn dư địa để các nhà sản xuất khai thác?

Gần đây, các đài truyền hình phát rất nhiều quảng cáo của Tập đoàn Tân Hiệp Phát - DN dẫn đầu thị phần ngành trà xanh đóng chai trong nhiều năm liền tại Việt Nam. Nhưng vụ "con ruồi" và cách hành xử của Tân Hiệp Phát đã gặp phải phản ứng của người tiêu dùng.

Tuy việc quay lưng với các sản phẩm của nhà sản xuất này tạm lắng nhưng điều đó không đồng nghĩa với lòng tin của người tiêu dùng đã được khôi phục, bởi phiên tòa phúc thẩm ngày 30/6 vừa qua xử Võ Văn Minh - người muốn "đổi chai nước ngọt có ruồi" lấy 500 triệu đồng với Tân Hiệp Phát lại bị hoãn.

Hồi tháng 3/2015, trả lời truyền thông, ông Trần Quý Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, nếu không được sự ủng hộ của truyền thông và chính quyền, DN này có thể chỉ trụ lại một vài năm nữa. Bởi, theo trang khảo sát thị trường trực tuyến Vinaresearch, thức uống không cồn thuộc nhóm ngành thực phẩm nên yếu tố quyết định trước tiên vẫn là uy tín nhãn hiệu (bảo chứng cho an toàn thực phẩm), hương vị, thành phần sản phẩm rồi mới đến giá cả.

Ảnh: Quý Hòa.

Theo thống kê của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International - EUI (có trụ sở chính ở Vương quốc Anh), năm 2015, doanh số bán lẻ của Tân Hiệp Phát đã giảm đến 30%, dù vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trong ngành trà xanh đóng chai.

Trong khi tháng 5 vừa rồi, khi Công ty TNHH URC Việt Nam (thuộc Universal Robina Corporation - URC, Philippines), nhà sản xuất nắm giữ thị phần lớn thứ hai của ngành trà xanh đóng chai, bị phạt 5,8 tỷ đồng do có nhiều vi phạm và một trong số đó là 2 lô trà xanh C2 cùng nước tăng lực hương dâu Rồng Đỏ ở Hà Nội bị phát hiện có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép (lô hàng này sản xuất vào cuối tháng 11/2015).

Ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc Thu mua ngành thực phẩm khô Lotte Mart cho biết, tại hệ thống siêu thị Lotte, một số sản phẩm gặp sự cố về chất lượng vừa qua như C2 thì sức mua giảm rõ rệt. Còn những sản phẩm chỉ gặp vấn đề về nhãn mác (như Coca-Cola Việt Nam) thì sức mua giảm không đáng kể.

Được biết, Việt Nam là thị trường đóng vai trò quan trọng của URC, chiếm khoảng 35% doanh số ở nước ngoài (các thị trường ngoài Philippines như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, New Zealand... nắm hơn 80% doanh thu của Tập đoàn). Trong đó, trà xanh C2 (bên cạnh các loại snack, bánh kẹo mang thương hiệu Jack n Jill, nước tăng lực Rồng Đỏ, kẹo Dynamite) là sản phẩm chủ lực của URC tại thị trường Việt Nam.

Trà xanh đóng chai tuy xuất hiện sau nước giải khát có gas nhưng từ năm 2006 (thời điểm Tân Hiệp Phát đưa ra thị trường Trà xanh 0o), loại thức uống này đã tạo nên "cơn sốt" và dần lấn át thị phần của các loại thức uống có gas.

Theo thống kê của EUI, năm 2013, ngành này chiếm 58% doanh thu của thị trường thức uống không cồn, còn nước uống có gas chỉ chiếm 16%, và theo dự báo của Business Monitor International, đến 2017 có thể sẽ còn trên dưới 7% (năm 2007 đạt 20,46%).

Theo EUI, năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành ở vào khoảng 14% và dự báo sẽ còn 7% trong năm 2017.

Giai đoạn 2009 - 2010, ngành trà xanh đóng chai vẫn tăng trưởng mạnh (với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm như Dr. Thanh, C2...), sau đó giảm dần nhưng vẫn duy trì ở mức hai con số. Trong năm 2013, doanh thu của trà xanh đóng chai ở thị trường Việt Nam đạt mức 994 triệu USD, tăng 12,2% và lượng tiêu thụ đạt 1 tỷ lít, tăng 13,3% so với 2012, chiếm 36,41% tổng doanh thu của ngành nước giải khát không cồn ở Việt Nam. Từ năm 2010 - 2013, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm của ngành này ở mức 15,9% về sản lượng và 14,9% về giá trị.

Song khoảng hơn 2 năm trở lại đây, thị trường trà xanh đóng chai đã tăng trưởng chậm lại. Theo EUI, năm 2014, tốc độ tăng trưởng của ngành ở vào khoảng 14% và dự báo sẽ còn 7% trong năm 2017. Nếu loại trừ những sự cố về an toàn thực phẩm vừa qua, nguyên nhân khiến biên độ tăng trưởng của ngành này bị thu hẹp một phần là do sự xuất hiện của nhiều nhãn hàng mới nên "miếng bánh thị phần" bị chia nhỏ.

Ngay như năm 2013, thị trường có khoảng 15 nhãn hiệu trà xanh đóng chai thuộc nhiều DN, như trà xanh 100 (Tribeco), trà xanh 0o, Dr. Thanh (Tân Hiệp Phát), C2 (URC), Pure Green (Pepsico), Real Leaf (Coca-Cola), Thiên Trà (Vedan), Vfresh (Vinamilk)...

Bên cạnh việc phải cạnh tranh trong nội bộ ngành, sự ra đời của nhiều loại thức uống khác, trong đó có nước ép trái cây, cũng được dự báo là đối thủ mới của trà xanh đóng chai.

Nguyên Bảo - Thiên Yến
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn