Chiến lược làm mới đầy nguy hiểm của Samsung

Chương trình Startup Samsung được thực hiện nhằm làm mới vẻ văn hóa tập đoàn này tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định đây có thể là bước đi sai lầm của Samsung.

Bức hình dưới đây cho thấy 5 người đàn ông mặc bộ vest đen lịch lãm, cùng giơ đều cánh tay phải và đưa ra một cam kết thay đổi quan trọng.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như bức ảnh này không phải xuất phát từ một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất hành tinh Samsung.

Thường được gọi là Chaebol tại quê nhà Hàn Quốc – Samsung hiện đang nỗ lực trở nên tinh gọn hơn, giống một công ty khởi nghiệp (startup hoá), làm mới mẻ văn hóa tập đoàn để phù hợp với kỷ nguyên mới chứng kiến sự trỗi dậy của những hãng điện thoại giá rẻ như Xiaomi hay OnePlus.

Cụ thể, cam kết nói rằng nhân viên Samsung sẽ loại bỏ bớt những quy tắc lễ nghi cứng nhắc trong công sở, giảm số lượng các cuộc họp và hạn chế làm thêm ngoài giờ. Tất cả những động thái này nằm trong chương trình “Startup Samsung” được công bố tại trụ sở công ty ở Suwon, Hàn Quốc cuối năm 2015.

Tờ Reuters nói rằng tập đoàn này cũng lên kế hoạch thực hiện những ý tưởng như tổ chức các buổi thảo luận trực tuyến về tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty giữa lãnh đạo và nhân viên.

“Chúng tôi nhắm tới việc cải tổ văn hóa nội bộ công ty nhằm để mọi thứ diễn ra nhanh chóng nhất có thể như một công ty khởi nghiệp, tạo ra bầu không khí cởi mở và không ngừng đổi mới”.

Cam kết kể trên được xem là lấy cảm hứng từ tuyên bố của chủ tịch Lee Kun-hee nói vào năm 1993 với tất cả các lãnh đạo công ty rằng: “Hãy thay đổi mọi thứ, trừ vợ và các con của bạn”.

Áp lực buộc phải thay đổi

Từ lâu nay, Samsung phải chịu áp lực về việc cố gắng tìm ra cách thức để cải thiện tình hình kinh doanh của mảng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, họ còn nỗ lực thay đổi văn hóa làm việc theo kiểu kỷ luật quân đội và tìm cách mang lại những đổi mới cho sản phẩm.

Rào cản lớn nhất đối với việc tạo ra và thực thi những ý tưởng mới trong công ty chính là các thủ tục hành chính lạc hậu. Với một công ty công nghệ như Samsung, điều này đồng nghĩa với việc sẽ mất đi thị phần.

Giống như rất nhiều nhà lãnh đạo từng nói, rào cản lớn nhất đối với việc tạo ra và thực thi những ý tưởng mới trong công ty chính là các thủ tục hành chính lạc hậu. Với một công ty công nghệ như Samsung, điều này đồng nghĩa với việc sẽ mất đi thị phần.

Chính vì vậy, không khó để nhận thấy “Startup Samsung” được thực hiện với mục đích giúp tập đoàn này tinh gọn bộ máy, đưa ra các quyết định nhanh chóng hơn và nhờ vậy có thể cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ khác.

Tuy nhiên, nguy hiểm là ở chỗ, Samsung dường như đang đi sai hướng

Để các nhân viên trong bộ vest đen lịch lãm cùng quyết tâm đưa ra cam kết thay đổi không phải là hướng đi đúng đắn để "startup hoá".

Không khó để đưa ra hình mẫu các tập đoàn lớn đã áp dụng thành công chiến lược “startup hoá” để theo kịp những thay đổi nhanh chóng của thời đại.

Lấy ví dụ như Google. Dù có trên 70.000 nhân viên nhưng các lãnh đạo công ty, bao gồm cả CEO Sundar Pichai và đồng sáng lập Sergey Brin và Larry Page đều thường xuyên ngồi uống cà phê cùng nhân viên để khuyến khích họ đặt những câu hỏi, hay trao đổi về những ý tưởng cải tiến mới mẻ.

Facebook thì có một cuốn sổ đỏ mà bất kỳ nhân viên mới nào cũng phải đọc để hiểu về văn hóa và sứ mệnh của công ty.

Khi truyền thông đồng loạt chỉ trích văn hóa làm việc của Amazon, CEO Jeff Bezos đã ngay lập tức mở một trang truyền thông trực tuyến dành cho nhân viên trong công ty, để ông có thể lắng nghe bất cứ phàn nàn nào từ họ.

Còn với tập đoàn GE thì họ đã chọn cách thuê 500 cán bộ đào tạo để giảng dạy cho các lãnh đạo về cách chấp nhận rủi ro và học hỏi từ thất bại.

Những ví dụ như vậy để thấy rằng “startup hoá” không chỉ dừng là việc để nhân viên mặc vest đen và cùng hô to cam kết thay đổi. Càng không phải chỉ dừng ở việc cắt giảm số lượng các buổi họp hay yêu cầu nhân viên gỡ bỏ bộ vest nghiêm trang để mặc quần jean và áo hoodies như những gì Samsung đang hướng đến.

Vấn đề là cần phải tiến hành một cuộc cải cách văn hoá từ tận gốc, thay đổi cách tư duy và can đảm loại bỏ một số thói quen vốn đã ăn sâu vào máu từ rất lâu trước đó.

Chưa kể đến việc trong trường hợp của Samsung, công ty này vốn đã bị mắc kẹt trong một thể chế cứng nhắc từ hàng chục năm nay. Hơn nữa, nhiều báo cáo cho thấy trong công ty còn tồn tại sự mất lòng tin giữa các nhân viên.

Một vài chuyên gia phân tích thì nghĩ rằng tuyên bố về chương trình “Startup Samsung” chỉ là chiêu trò Samsung sử dụng để cắt giảm lực lượng lao động. Bởi tới thời điểm này, đội ngũ nhân viên của công ty có quá nhiều người được thăng tiến đều đặn chỉ nhờ vào thâm niên làm việc chứ không phải năng lực.

Đây là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tuyển dụng nhân tài của công ty và là điều không bao giờ xảy ra ở thung lũng Silicon.

Hơn nữa, “các công ty Hàn Quốc lâu nay nổi tiếng có nền văn hoá quân sự và coi trọng vấn đề thâm niên. Liệu Samsung có thể tạo ra thay đổi hay không? Có lẽ là không”, theo Kim Young-woo – một chuyên gia phân tích tại SK Securities.

Nhìn chung, một công ty lớn với tổng cộng hơn 300.000 nhân viên trên toàn cầu như Samsung sẽ rất khó khăn trong việc thay đổi bản thân. Và đặc biệt nếu lựa chọn chiến lược sai lầm, cách thức thay đổi đi chệch hướng, hình ảnh Samsung dày công xây dựng từ hàng chục năm nay sẽ có nguy cơ bị huỷ hoại trong nháy mắt.

Vân Đàm / Trí thức trẻ
Nguồn CafeBiz