Thị trường bán lẻ: Cơ hội ngày càng khó

Suy thoái kinh tế cùng những khó khăn nội tại đã ảnh hưởng mạnh đến sức mua của thị trường, kéo ngành bán lẻ Việt Nam rớt hạng liên tục trong vòng 4 năm qua.

Theo dự báo, thị trường bán lẻ Việt Nam phải mất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi và phát triển. Trước mắt, các DN cần cải thiện một số chính sách để giữ thị phần.

Liên tục mất điểm

Do nhiều yếu tố tác động nên thị trường bán lẻ nước ta trong năm qua đã có sự tụt dốc so với các năm trước. Năm 2008, theo bảng xếp hạng “Chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu” do Công ty Tư vấn A.T Keamey thực hiện, Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.

Thời điểm đó, Việt Nam được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao vì nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nguồn vốn FDI dồi dào, lượng dân số trẻ ưa thích chi tiêu đứng hàng đầu châu Á.

Nguyên nhân việc mất điểm của thị trường bán lẻ Việt Nam được cho do các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô bộc lộ nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Việt Nam liên tục mất điểm trong mắt các nhà đầu tư. Cụ thể, năm 2009 thị trường bán lẻ của nước ta bị đánh rớt xuống hạng 6, năm 2010 xuống hạng 14, năm 2011 hạng 23 và năm 2012 xuống 32.

Nguyên nhân việc mất điểm của thị trường bán lẻ Việt Nam được cho do các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô bộc lộ nhiều bất ổn, khiến sức mua bị tác động mạnh; các nhà đầu tư gặp khó khăn trong khâu xin giấy phép, mở rộng hoạt động tham gia vào thị trường.

Hơn nữa, ngành bán lẻ tại Việt Nam chưa được quy hoạch, nên các DN đầu tư tràn lan, thiếu định hướng, dẫn đến việc không khai thác được hết tiềm năng. Như các ngành kinh doanh khác, bán lẻ cũng cần có chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của các DN, nhưng thị trường trong nước hầu như quá yếu kém về các vấn đề này.

Năm 2012, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia có mức tiêu dùng tăng trưởng mạnh, thì ở nước ta sức mua lại sụt giảm nghiêm trọng. Các chuyên gia nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam phải mất 2-3 năm nữa mới phục hồi và mất khoảng 10-15 năm mới bắt kịp các nước trong khu vực. Yếu tố bất lợi ngăn đà phát triển của ngành bán lẻ là giá thuê mặt bằng đắt đỏ và niềm tin của người tiêu dùng bị sụt giảm.

Theo khảo sát, trong 3 quý đầu năm, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã liên tục giảm, chạm mức thấp nhất trong vòng 3 năm nay. Đa số người dân đang thắt chặt chi tiêu, cân nhắc kỹ khi mua sắm và chỉ chi tiền để sở hữu những sản phẩm có tích hợp giá trị cộng thêm cao. Vì vậy, các DN phải liên tục tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà khi mua hàng để kích cầu tiêu dùng.

Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn nên chỉ các đơn vị có đủ tiềm lực tài chính mới có thể trụ vững trên thị trường. Cũng vì vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam chỉ có một vài tên tuổi quen thuộc như Parkson, BigC, Metro, Co.opmart, Viễn Thông A, Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim… Có rất nhiều thương hiệu xuất hiện nhưng nhanh chóng biến mất, hoặc sau một thời gian hoạt động phải thu hẹp quy mô kinh doanh.

Liên kết phát triển

Trong khoảng 6 năm trở lại đây, 2012 là năm đầu tiên xuất hiện sự sụt giảm sức mua trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, điện tử. Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây, dù bước vào mùa mua sắm cuối năm nhưng sức mua trên thị trường đã giảm 10-50%. Đối với ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, các DN cũng chưa lạc quan với thị trường tết vì mức tiêu thụ hàng hóa đang ngày càng giảm sút. Các nhà bán lẻ lại hy vọng vào một sự thay đổi của thị trường trong năm 2013.

Co.opmart là thương hiệu bán lẻ Việt có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh hàng loạt khó khăn, thị trường vẫn còn một số yếu tố hỗ trợ nếu DN biết cách khai thác. Cụ thể, hiện tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trên 5%. Hơn nữa, cơ cấu dân số trẻ chiếm khoảng 50% tổng dân số của cả nước, nên các nhà đầu tư vẫn rất lạc quan cho rằng thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Theo dự báo của GFK, năm 2013 nhiều mặt hàng điện máy, điện tử sẽ tăng trưởng mạnh. Cụ thể, các thiết bị gia dụng có tốc độ tăng trưởng 10-15%, riêng các dòng điện thoại thông minh có thể đạt mức tăng trưởng trên 100%.

Song, để khai thác được tiềm năng này, các DN phải giải được bài toán tài chính, năng lực quản lý, bán hàng và dịch vụ. Đồng thời, để kích cầu, cải thiện sức mua, các nhà bán lẻ cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với nhau để giảm giá các dịch vụ cung ứng như thuê mặt bằng, chi phí vận chuyển… nhằm tạo ra nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng.

Nhiều thương hiệu lớn như Sony, Panasonic, Samsung… đã liên kết với các đơn vị bán lẻ để triển khai các chương trình khuyến mại, gia tăng giá trị khi mua sản phẩm cho người tiêu dùng và các chương trình này cần được phát triển dưới nhiều hình thức hấp dẫn hơn nữa để kích sức mua.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu có chính sách giá hợp lý, dịch vụ ổn định và chính sách hậu mãi tốt, các DN bán lẻ sẽ còn nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.

Nguồn Dùng hàng Việt