Cội nguồn sâu xa của trào lưu trên mạng xã hội

Chương trình Netviet Stories VTC10 trò chuyện với chuyên gia Lê Trần Bảo Phương, lắng nghe anh phân tích về cội nguồn sâu xa và cách thức tạo ra các hiện tượng mạng thông qua một số hiện tượng, sự kiện trên mạng xã hội nổi bật gần đây. Chuyên gia cũng sẽ lý giải vì sao những sự kiện, hiện tượng mạng đó lại thu hút được đám đông và chúng ta nên ứng xử với các trào lưu này như thế nào?

Câu hỏi: Là một chuyên gia Quan hệ công chúng tại VN, vậy anh có thường xuyên theo dõi những trào lưu trên mạng xã hội?

Có chứ. Trào lưu trên mạng xã hội ở VN đa phần được tạo ra, được hưởng ứng bởi cộng đồng giới trẻ Việt và cộng đồng các bà mẹ bỉm sữa.

Câu hỏi: Anh có thể dẫn chứng một số trào lưu mà anh đang quan tâm hiện tại? Đánh giá sự tác động của nó đến công chúng?

Trào lưu trên mạng xã hội được hiểu là những hành động, từ ngữ, hình ảnh được nhiều người chấp nhận, bắt chước làm theo và lan truyền trên mạng xã hội.

Nơi diễn ra trào lưu này, tại Việt Nam, đa phần là trên facebook, với một chủ đề nào đó được cộng đồng hàng ngàn, hàng chục ngàn người bắt chước làm theo, bình luận và chia sẻ.

Ví dụ như:

  1. Trào lưu “Dội nước đá lên đầu” (nếu ko nhận thách thức, phải quyên góp 100 USD để đóng góp cho quỹ từ thiện phòng chống bệnh xơ cứng teo cơ một bên.)
  2. Trào lưu chế ảnh “Hãy như tôi”
  3. Trào lưu sử dụng từ ngữ, ví dụ “vi diệu”, “đắng lòng”, “hoy đi nha”, “Em đi xa quá, em đi xa anh quá”, “Anh không đòi quà”
  4. Trào lưu khoe hình món ăn, món uống trên facebook
  5. Trào lưu đăng lời Thú tội trên facebook của giới trẻ
  6. Trào lưu vợ nhắn tin cho chồng
  7. Trào lưu khoe con ngủ của các bà mẹ bỉm sữa
  8. Trào lưu cùng nhau tẩy chay một nghệ sĩ, hoặc một nhãn hàng hay một DN nào đó

Khi tôi muốn giải stress và tìm kiếm cách nhìn vấn đề một cách theo một cách mới phá vỡ qui tắc, hoặc tìm kiếm sự hài hước nào đó, tôi tìm đến các trào lưu giải trí. Nhưng đa phần tôi cảm nhận là “rất teen”, “thơ ngây” (cười).

Còn khi phụ trách giải quyết 1 cuộc khủng hoảng truyền thông, tôi phải nghiên cứu rất kĩ lưỡng các trào lưu tẩy chay gay gắt của cộng đồng mạng, để hiểu xem họ đang bức xúc gì và dự kiến làm gì, và ai là người lãnh đạo trào lưu tẩy chay đó.

Có thể mô tả ngắn gọn thế này:

Trào lưu mạng xã hội (ở góc độ thông tin giải trí), nói ví von, nó giống như những con sóng vỗ vào bờ, rền rĩ chút rồi tan thành bọt biển, chìm vào quên lãng. Có những trào lưu gây ra những cơn sốt nhất thời, rồi lại chìm nghiểm theo đời sống mạng xã hội.

Tuy nhiên, trào lưu mạng xã hội (ở góc độ kinh doanh), lại giống như một cơn sóng thần có sức huỷ duyệt cả một doanh nghiệp. Gần đây chúng ta cũng đã chứng kiến trào lưu tẩy chay DN có bán sản phẩm có ruồi bên trong, hoặc tẩy chay các nhãn hàng mà 1 ca sĩ làm Đại sứ thương hiệu. MXH có một quyền năng kết nối từng cá nhân đơn lẻ thành 1 cộng đồng có sức mạnh đủ lớn để đánh bại bất kỳ doanh nghiệp hoặc cá nhân nào.

Câu hỏi: Như vậy, theo anh, đâu là những yếu tố tạo nên sự thu hút của một số trào lưu mà anh dẫn chứng?

Trào lưu trên mạng xã hội ở VN đa phần được tạo ra, được hưởng ứng bởi cộng đồng giới trẻ Việt và cộng đồng các bà mẹ bỉm sữa.

Các trào lưu trên mạng xã hội thu hút họ mạnh mẽ là vì ở đó, họ:

  • được giải trí,
  • được chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc, thành công
  • được biểu lộ quan điểm, cảm xúc, bức xúc của mình
  • tìm kiếm được sự quan tâm của bạn bè, sự khen ngợi về tính hài hước / duyên dáng (thông qua số LIKE, số SHARE, COMMENTS)
  • được trút hết bầu tâm sự, họ có thể tìm được đồng cảm, thương cảm, được lắng nghe
  • được thuộc về một nhóm có chung 1 vấn đề nào đó, để giao lưu, để được cập nhật về thông tin mà họ quan tâm.

Điều này giúp cuộc sống của họ tốt hơn, tích cực hơn thì không có vấn đề gì => chỉ cần họ đừng chủ trương bôi nhọ, làm tổn hại đến tinh thần và lợi ích của người khác.

Câu hỏi: Anh cho rằng khởi nguồn của một số hiện tượng trên mạng xã hội có thể xuất phát từ quyền năng bí ẩn? anh có thể giải thích thêm về vấn đề này?

Đúng là như vậy.

Trong quyển sách chuyên ngành về PR “Quyền năng bí ẩn”, tôi có chia sẻ rằng: một vấn đề trên MXH có thể trở thành 1 một trào lưu hay 1 hiện tượng, khi mà: chủ đề, hoặc nội dung của nó đánh đúng vào động cơ tìm kiếm, lựa chọn và tiêu thụ thông tin của con người.

Theo nghiên cứu, con người có 12 động cơ khi tìm kiếm, lựa chọn và tiêu thụ thông tin (đa phần là trên mạng xã hội để thoả mãn bản thân của họ), đó là:

  1. Thu thập được những lời khuyên hữu ích cho một vấn đề nan giải,
  2. Có thêm cách suy nghĩ mới giúp giảm thiểu những điều hiểu lầm, oan ức đối với bản thân,
  3. Có thêm hiểu biết về xã hội và thế giới,
  4. Có thêm sự hỗ trợ cho những dự định của bản thân,
  5. Có được cái nhìn sâu sắc về cuộc sống,
  6. Có thể thấu hiểu được những vấn đề của người khác,
  7. Có thêm các mối quan hệ xã hội rộng,
  8. Được kết nối với những người khác,
  9. Giải trí, vui vẻ, hài hước
  10. Được du hành vào thế giới tưởng tượng,
  11. Giảm thiểu thời gian chết, không biết làm gì,
  12. Biểu lộ quan điểm và cảm xúc của bản thân

Ở Việt Nam ta, đa phần các trào lưu trên MXH được khởi nguồn từ việc một chủ đề nào đó giúp giới trẻ “Giải trí, vui vẻ, hài hước” và “Biểu lộ quan điểm và cảm xúc của bản thân.”, và “Được kết nối với những người khác”.

Câu hỏi: Về phía người tiếp nhận thông tin, theo anh, các bạn trẻ có cần chắt lọc thông tin và nên ứng xử với các hiện tượng, sự kiện trên mạng xã hội như thế nào?

Mỗi người chúng ta có một lượng thời gian sống hữu hạn. Bây giờ có thể ta đang còn trẻ, ta tưởng rằng ta có nhiều thời gian. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ hối tiếc nếu phần lớn thời gian của cuộc đời mình dành vao việc đọc, theo dõi những thông tin, sự kiện MXH ko có giá trị, vô bổ hoặc ko có ý nghĩa đối với sinh kế và sự phát triển của bản thân.

Có 1 quan điểm cho rằng, thậm chí ko cần quan tâm đến các trào lưu MXH, vì nếu nó thực sự có ý nghĩa đối với cả xã hội, chắc chắn sẽ có ai đó nói cho ta biết. Tôi cũng đồng ý quan điểm này.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đồng ý rằng các trào lưu trên MXH cũng là nguồn thông tin hữu ích giúp chúng ta giải trí, chia sẻ, và giúp cho cuộc sống chúng ta thêm màu sắc, miễn là đừng quá lạm dụng mà tiêu phí thời gian, tuổi trẻ cho những điều ko có lợi cho cuộc sống của ta.

Câu hỏi: Làm sao chúng ta có thể tránh được hiệu ứng đám đông hay còn gọi là tránh việc trở thành anh hùng bàn phím trên mạng xã hội?

Một ai đó đang hoặc sẽ trở thành anh hùng bàn phím trên MXH khi họ có các đặc điểm như sau:

  1. Thích bôi bác, chỉ trích, phê phán, đả kích, ác ý phủ nhận người khác
  2. Thích bịa đặt để làm xáo trộn xã hội
  3. Chưa trưởng thành về suy nghĩ, hành động;
  4. Chưa tập cách nhìn vào góc độ tích cực của vấn đề
  5. Bảo thủ với quan điểm cá nhân và trải nghiệm cá nhân của mình
  6. Thích hùa theo đám đông, họ dễ phản ứng tiêu cực thái quá hoặc tỏ ra thương cảm quá lố.

Hùa theo đám đông có tác hại vô cùng lớn, nó thể hiện sự mất lập trường, không có chính kiến và mất kiểm soát hành vi. Để tránh việc trở thành anh hùng bàn phím, chúng ta phải có sự phản biện dựa vào bằng chứng, có lập luận rõ ràng, có chính kiến và có ý thức về trách nhiệm khi đưa ra quan điểm của mình.

Đa số các bạn trẻ đang hiểu lầm rằng: MXH cung cấp cho con người cái quyền phán xét bất kỳ ai mà không phải chịu trách nhiệm. Ví dụ:

  • Trên facebook, diễn đàn, một người có thể tha hồ công kích, bôi nhọ bất kỳ ai mà không cần chịu trách nhiệm. Nấp bên dưới 01 nickname hoặc 1 tài khoản ảo miễn phí nào đó, họ trở nên khá an toàn.
  • MXH giống như một xã hội ảo vô chính phủ và ko có hình phạt đủ sức răng đe, cùng lắm là bị khoá tài khoản. Có sao đâu, họ có thể tạo ra tài khoản khác miễn phí.

Hiểu như thế là không chính xác. Do đó, chúng ta nên ý thức đánh giá và kiểm soát về các bình luận của mình.

Tôi cũng mong muốn gửi gắm thông điệp đến các bà mẹ bỉm sữa rằng:

Tiếng nói của một Bà mẹ bỉm sữa trên MXH có sức ảnh hưởng rât lớn, cho dù chỉ là 1 cá nhân, nhưng hãy nhớ bà mẹ này lại thuộc về cộng đồng các bà mẹ bỉm sữa VN rộng lớn.

Các bà mẹ bỉm sữa đa phần là những người phụ nữ tốt, nhưng có nhiều tình huống họ bị các cá nhân/tổ chức xấu lợi dụng để làm vu cáo sai cá nhân/tổ chức khác. Các cá nhân/tổ chức xấu đó biết rằng các bà mẹ bỉm sữa rất mực yêu thương gia đình, yêu thương con cái nên thường dễ bị kích động.

Nói như vậy, để ta cùng hiểu rằng, các quan điểm của các Mẹ rất nên cân nhắc thấu đáo & chuẩn xác, vì sức mạnh của cộng đồng bà mẹ bỉm sữa là rất lớn nên họ cần cân nhắc khi tham gia bất kỳ một trào lưu ủng hộ hay công kích nào, vì nó có thể làm cho sự thật bị bóp méo đúng với ý đồ của những kẻ kích động nhầm trục lợi cá nhân.

Câu hỏi: Qua những gì anh phân tích thì có thể thấy rõ anh nghiên cứu rất kỹ về việc ứng dụng mạng xã hội, về ngành quan hệ công chúng. Anh có thể chia sẻ tâm huyết của anh về công việc mình đang theo đuổi?

Tôi vẫn miệt mài theo đuổi 01 việc trong hơn 10 năm qua, đó là đóng góp phần đưa ngành truyền thông – PR tại VN nói riêng và thế giới nói chung trở về với cội nguồn và sứ mệnh nguyên thủy của chính nó là xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh, lan toả & cộng hưởng những điều tích cực, giúp cho đời sống thông tin xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn.

Cụ thể là, tôi đã viết và cho phát hành quyển sách chuyên ngành về truyền thông “Quyền năng bí ẩn” do NXB Thông tin & Truyền thông ấn hành cuối 2014.

Hiện quyển sách “Quyền năng bí ẩn” đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh và được phát hành trên Amazon (tên gọi Secret Power). Đây là quyển sách đầu tiên và duy nhất về PR từ Việt Nam chia sẻ những kiến thức và kĩ thuật PR quyền lực ra toàn thế giới, giúp đọc giả toàn thế giới hiểu rõ hơn sức mạnh của truyền thông, sức mạnh của mạng xã hội để tham gia vào việc kiểm soát xã hội của họ.

Câu hỏi: Những dự định trong tương lai của anh là gì?

Ngoài công việc chính là tư vấn, và giảng dạy về truyền thông, tôi sẽ tiếp tục cho ra đời các cuốn sách bổ ích khác về truyền thông cho độc giả Việt Nam và độc giả trên thế giới.

Cuốn tiếp theo sẽ là cuốn NGHỆ THUẬT BÓNG TỐI chia sẻ về các kĩ thuật truyền thông quyền lực vì mục đích xấu.

Triết lý cuốn sách nói rằng: “Thế giới này là nơi mà mọi thứ không được đánh giá như chính nó, mà qua tác động của nó. Con người được đánh giá không phải qua giá trị thực sự mà theo khả năng diễn xuất của họ.”

Dự kiến ra đời vào 2017.

Xin cảm ơn anh!