Xu hướng YOU của Truyền thông 3.0

Thế giới thông tin đang có dịch chuyển căn bản sang một kỷ nguyên mới - Truyền thông 3.0. Trong kỷ nguyên này, thông tin sẽ phân tích nhu cầu thực của con người để tự tìm đến với đúng đối tượng mục tiêu của nó.

Web 3.0 sẽ như một con người với trí tuệ tổng hợp, có chức năng tư vấn cho người sử dụng. Dựa trên các dấu vết con người để lại trên mạng (ví dụ: thích (like) gì trên mạng xã hội, bình luận (comment) gì, chia sẻ (share) gì, vào trang web nào, gửi email có nội dung như thế nào, Web 3.0 sẽ tự tính toán ra tính cách, sở thích, cảm giác, vị trí địa lý, nghề nghiệp, công việc, các mối quan hệ v..v.. của người sử dụng mạng. Dựa vào những tính toán đó, Web 3.0 sẽ trình bày những nội dung thông tin cần thiết cho người sử dụng web.

Năm 2006 tạp chí Thời đại đã chọn YOU - chính bạn, là nhân vật của năm, đánh dấu sự khởi đầu của quá trình mạng Internet kết nối từng biểu hiện riêng lẻ trong mỗi cá nhân để tập hợp lại thành tổ hợp đặc điểm nhận dạng tính cách (identity) của con người đó, giúp cho mỗi cá nhân hiểu biết sâu sắc về bản thân mình hơn trong quá trình giao tiếp với các cá nhân khác. Hướng tới từng cá nhân là xu hướng nổi trội nhất của kỷ nguyên truyền thông 3.0.

Ngay từ thế kỷ thứ 2, Hierocles, triết học gia Hy Lạp, đã đưa ra mô hình các vòng của mối quan hệ tạo nên đặc điểm nhận dạng của mỗi con người. Vòng tròn trung tâm là bản thân con người, vòng thứ hai là gia đình nhỏ của người đó (cha mẹ - con cái), vòng thứ ba là gia đình lớn (ông bà, cô dì, chú bác), vòng thứ tư là những người xung quanh (hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè). Tương tác trong phạm vi bốn vòng tròn này thường diễn ra trong phạm vi một địa bàn cụ thể, dưới hình thức truyền miệng, gặp mặt trực tiếp, và có thể không cần sử dụng các phương tiện truyền thông.

Cùng với quá trình con người trưởng thành, giao tiếp xã hội được mở rộng hơn. Vòng tròn thứ năm là những người sống trong cùng thành phố hoặc khu vực. Vòng thứ sáu là những người sống trong thành phố khác, khu vực khác trong cùng một đất nước. Cùng với quá trình toàn cầu hoá diễn ra từ cuối thế kỷ 20, vòng tròn mối quan hệ của mỗi người mở rộng ra tới vòng thứ bảy là những người cùng liên quan tới một công việc nhưng sống ở các quốc gia khác nhau (ví dụ các nhân viên tập đoàn đa quốc gia, các thành viên hiệp hội quốc tế). Và vòng thứ tám là những người nước ngoài, không có liên kết về mặt địa lý, công việc với người ở vòng tròn thứ nhất.

Web 1.0 mở ra cơ hội cho con người ở vòng tròn thứ nhất truy cập vào dữ liệu thông tin ở vòng tròn từ thứ tư trở ra mà không gặp các trở ngại về địa lý. Web 2.0 làm được điều quan trọng hơn, đó là tạo ra đối thoại liên tục, dễ dàng, ngay tức thì giữa người ở vòng tròn thứ nhất với 7 vòng tròn còn lại, giúp con người xây dựng được nhóm năng lực truyền thông đặc biệt chưa từng xuất hiện trong kỷ nguyên tiền Internet: Năng lực quản lý cuộc sống hội nhập toàn cầu. Nhóm năng lực này gồm bốn vòng, tỷ lệ thuận với sự mở rộng của các vòng mối quan hệ của con người. Bốn vòng đó là: (1) tự ý thức về bản thân; (2) chấp nhận rủi ro, tư duy cởi mở, quản lý sự đa dạng; (3) hiểu biết về lịch sử và bối cảnh toàn cầu; và (4) năng lực thích nghi và hợp tác với nhiều nền văn hoá.

Web 1.0 và 2.0 cho phép con người mở rộng mối quan hệ với những người ở 7 vòng ngoài thì Web 3.0 phân tích con người ở vòng cốt lõi - YOU. Con người càng thấu hiểu bản thân bao nhiêu thì các vòng quan hệ và năng lực càng có cơ sở vững chắc bấy nhiêu. Sau nhiều thiên niên kỷ nhân loại tìm mọi cách truyền thông với nhau, thiết lập các mối quan hệ với người khác thì trong kỷ nguyên Truyền thông 3.0, mạng toàn cầu đã giúp con người xây dựng mối quan hệ với chính bản ngã của mình, phủ kín nhóm vòng tròn các mối quan hệ và năng lực. Câu hỏi đặt ra là, khi các mạng lưới mối quan hệ đã được thiết lập và duy trì đầy đủ, có phải chăng các mối quan hệ không còn có thể mở rộng thêm được nữa, Web 3.0 liệu có phải là đã quá đủ cho truyền thông toàn cầu và không cần đến hình thức truyền thông cao hơn nữa (Web 4.0)? Câu trả lời có thể là bản thân mỗi con người là một vũ trụ đa dạng và phức tạp và Web 3.0 vẫn còn rất nhiều việc để làm mới có thể khám phá hết được mọi góc độ của hơn 7 tỉ người - tương đương với 7 tỉ vũ trụ trên toàn cầu.

Để bàn thêm về chủ đề này, mời quý vị đến tham dự Hội thảo “Xu hướng truyền thông 3.0”, do Khoa PR-Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tại Học viện vào sáng thứ 4, ngày 9/9/2015. Hội thảo này hứa hẹn sẽ có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, khách mời cùng những ý kiến chia sẻ quý báu và thú vị về xu hướng truyền thông 3.0. Thông tin chi tiết xin mời xem thêm tại trang pr-quangcao.edu.vn

Mạch Lê Thu - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền