Content marketing chỉ là bình mới rượu cũ

Không nên làm nô lệ cho một khái niệm. Hiểu về một khái niệm quan trọng hơn.

Content marketing (xin được dùng từ gốc tiếng Anh trong bài viết này) là nói những điều đơn giản một cách phức tạp hay ngược lại, nói những điều phức tạp một cách đơn giản? Có vẻ như người ta thích đi theo hướng thứ nhất nhiều hơn. Có nhiều lý do.

Khi chưa hiểu rõ một vấn đề nào đấy, chúng ta thích nói dài, thích giải thích dài dòng. Vì sợ người khác không hiểu. Và có thể nói dài để cảm thấy an tâm. "Giết nhầm hơn bỏ sót" (?!).

Có thể hiểu rõ một vấn đề rồi nhưng để làm cho nó quan trọng, ta có xu hướng "hàn lâm hoá" nó. Một trong những cách thường dùng đó là cho nó một cái tên. Cái tên mới nghe lạ một chút, bí ẩn một chút. Tất nhiên mọi quan điểm hay phương pháp luận mới đều cần có một cái tên mới để gọi. Có tên mới được định nghĩa rõ ràng, khúc chiết. Có tên mới không được như thế. Và phức tạp hoá một vấn đề đơn giản cũng là một lựa chọn để làm mọi thứ trở nên... phức tạp. Có người lao vào mổ xẻ. Có người không.

Theo quan niệm truyền thống của khá nhiều tài liệu học thuật, marketing bao gồm tất tần tật từ branding (làm thương hiệu), Pr (quan hệ công chúng), communication (truyền thông) hay advertising (quảng cáo). Content marketing sẽ được hiểu theo những cách khác nhau tuỳ ngưởi định nghĩa đang làm công việc gì.

Người làm branding

Nội dung của branding là phải tìm ra một điểm bán hàng độc nhất (Unique Selling Proposition) để thương hiệu nhờ đó quyến rũ được khách hàng khó tính và đánh bay được đối thủ ghê gớm.

Nội dung hay của branding là "mua" được nguyên liệu ngon để phục vụ cho các công cụ quảng cáo hay PR sau này "nấu" món ăn ngon. Nội dung hay làm khách nhớ đến, nhắc đến và dẫn đến tiêu dùng nó. Như một thói quen hàng ngày.

Kiểu thông điệp như "sữa sạch" của TH True milk, "lọc nước hàng đầu Việt Nam" của Kangaroo hay "nóng trong người" của trà Dr. Thanh là những "content" nhạt toẹt. Chẳng ai thích. Nhưng khổ nỗi ai cung nhớ và nhiều người tiêu dùng một cách vô thức những thương hiệu này. Nói một cách khác nội dung nhạt toẹt nhưng hiệu quả. Do vậy có thể coi đó là những nội dung hay.

Người làm PR

Nội dung của PR là xây dựng được uy tín cho thương hiệu bằng các công cụ chuyên biệt. Nội dung của PR được đo lường bằng kết quả thương hiệu có gây được cảm tình với công chúng hay không.

Đối với câu chuyện con ruồi của Tân Hiệp Phát, "content marketing" dưới lăng kính PR quá ư kém cỏi. Đến một chi tiết có thật là dây chuyền sản xuất khá hiện đại, đội ngũ truyền thông của họ cũng làm "rỉ rét" vì sự vụng về khi đưa tin. Nếu họ mở cửa nhà máy kịp thời hơn, có sự giám sát của bên thứ ba, và tránh các nội dung thông tin quảng bá, gây nhiễu như treo giải "Thử là tin" thì có lẽ họ đã ít nhiều gỡ gạc được chút cảm tình của công chúng.

Trong cuốn "Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi" của tác giả Al Ries, vai trò của PR được đề cao về chức năng xây dựng thương hiệu. Với những gì Tân Hiệp Phát đã làm, xin lỗi Al Ries, quan niệm của ông đã "đi về nơi xa lắm".

Người làm quảng cáo

Giống PR, nhiệm vụ của quảng cáo là sử dụng nguyên liệu đúng mà brand đã tìm ra để chế biến món ăn hấp dẫn. Content marketing, dưới lăng kính người làm quảng cáo, là nói đúng và nói hay về thương hiệu. Nói đúng là nói về USP của thương hiệu. Nói hay là USP này được thể hiện bằng hình ảnh, ngôn ngữ hoặc âm thanh thật hấp dẫn thật sáng tạo.

Thậm chí khi một thương hiệu chẳng có một USP nổi trội nào nhưng content hay của quảng cáo là vẫn làm cho thương hiệu được biết đến và yêu thích. Ví dụ quảng cáo thương hiệu dầu ăn Neptune chẳng hạn. Chẳng nói gì về USP sất. Nhưng "Về nhà đón Tết gia đình trên hết" là một quảng cáo có nội dung hay. Vì người ta thích nó. Bàn luận về nó. Đơn thuần là yếu tố cảm xúc ngự trị. Neptune đã có một content marketing hay.

Cái gì cũng cần một tên gọi, cần một khái niệm học thuật. Nhưng tên gọi chỉ là tên gọi mà thôi. Content Marketing là một trong nhiều cái tên như vậy. Vấn đề cốt lõi là ta có hiểu bản chất của tên gọi hay khái niệm nào đấy không. Chẳng cần lãng phí thời gian để tranh luận về ý nghĩa của câu chữ.

Có người giải thích vanh vách một khái niệm về mặt ngôn ngữ nhưng có thể họ chẳng hiểu hết bản chất của khái niệm đó là về cái gì. Ngôn ngữ dùng để gọi tên là do ai đó đẻ nó ra. Chúng ta cũng có thể đẻ ra nhiều tên gọi khác để nói về cùng một vấn đề. Không nên làm nô lệ cho một khái niệm. Hiểu về một khái niệm quan trọng hơn.

Trước khi có khái niệm content marketing ra đời, thế giới marketng đã như vậy rồi. Người làm branding làm công việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Người làm PR xây dựng uy tín thương hiệu. Người làm quảng cáo chuyển tải thông điệp một cách thú vị nhất có thể. Sau khi khái niệm content marketing ra đời, thế giới marketing vẫn chẳng có gì thay đổi. Người làm branding, người làm PR hay người làm quảng cáo vẫn làm công việc trước đây họ vẫn làm. Cho dù họ có biết đến khái niệm marketing hay không.

Ai hỏi tôi content marketing là gì là tôi chịu. Tôi chỉ biết mỗi việc giúp các thương hiệu lớn bé tôi có may mắn nhặt được trên đường trao vào tay những khách hàng đang tìm kiếm họ. Nếu thấy thương hiệu và khách hàng duyên phận gặp nhau tay trong tay thì có lẽ tôi đã làm tốt content marketing rồi. Thôi cứ đơn giản cái phức tạp thế cho nó nhẹ nhàng các bạn ạ.

Nguồn Trí Thức Trẻ