Patrick Pouyanné: “Máy ủi” của Total

Mỗi đêm, khi Patrick Pouyanné ra khỏi phòng làm việc ở tập đoàn năng lượng Pháp Total, ông luôn mang theo một chiếc va-li màu đen lớn, loại dùng để đi nghỉ mát, nhưng bên trong không phải chứa quần áo mà chỉ toàn là giấy tờ. Khi đồng nghiệp hỏi ông đi nghỉ mát bao lâu thì ông trả lời rằng đó chỉ là phần công việc tối nay ông đem về nhà làm.

Pouyanné, đứng đầu bộ phận hóa chất và lọc dầu của Total, vừa mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc (CEO) của tập đoàn dầu mỏ niêm yết lớn thứ 5 thế giới với gần 100.000 nhân viên, sau khi người tiền nhiệm Christophe de Margerie bất ngờ qua đời trong một vụ tai nạn máy bay ở Moscow vào cuối tháng 10 vừa qua.

Pouyanné là người có một vị thế lớn trong Tập đoàn Total. Ông khiến nhiều người bị “khớp” vì dáng người đường bệ của mình: ông cao 1,93 mét, thân hình to khỏe như một vận động viên bóng bầu dục và đôi tay to bằng kích cỡ cái đầu.

Không chỉ vậy, nhiều người cũng “khớp” vì phong cách quản lý đâu ra đó của ông. Một nhà điều hành cấp cao tại Total gọi ông là “máy ủi”. “Ông ấy là một ông chủ đòi hỏi rất cao. Nếu họp chung, ông ấy sẽ biết tài liệu mà bạn chuẩn bị còn rành rẽ hơn cả chính bạn nữa”, vị này cho biết.

Ai cũng cho rằng Pouyanné là người thích hợp nhất cho vị trí lèo lái Total.

Còn François Pelegrina thuộc công đoàn C.F.D.T, thì nhận xét: “Pouyanné là người thích đưa ra quyết định, là người mà chúng ta có thể bàn bạc khi nảy sinh một vấn đề quan trọng. Ông cũng là người biết lắng nghe và mở rộng cửa cho người khác”.

Chính vì phong cách quản lý này mà Pouyanné từ lâu đã được xem là ứng viên số 1 cho vị trí CEO tại Total. Nhưng thời điểm ông được chọn lại đến nhanh hơn dự kiến. Chưa đầy 48 giờ sau khi ông de Margerie qua đời, ông đã được đưa lên thay thế.

Pouyanné cầm cương tại tập đoàn lớn nhất nước Pháp về doanh thu vào một thời điểm rất khó khăn: việc giá dầu giảm xuống đang tạo áp lực lên lợi nhuận và trong bối cảnh chiến lược tăng trưởng của Tập đoàn đang bị đưa ra săm soi.

Thực ra, tất cả các hãng dầu mỏ đều đang gặp sức ép từ các nhà đầu tư là phải giảm mạnh chi phí, vốn đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Và điều này là lý do khiến cho tính sinh lời của các dự án mới bị giảm mạnh. Việc giá dầu thô giảm gần đây cũng đã tăng áp lực phải cắt giảm chi phí.

Total cũng không ngoại lệ. Hồi tháng 9 vừa qua, ông Christophe Margerie đã cam kết sẽ giảm chi phí hoạt động tới 2 tỉ USD mỗi năm vào năm 2017. Và Pouyanné sẽ phải tiếp tục thực hiện lời hứa này.

Việc thay đổi chiến lược của Pouyanné đến nay đã tiết kiệm được 400 triệu USD cho Total và đang trên đường tăng gấp đôi được tỉ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào năm 2015.

Điều may mắn là vị trí của Pouyanné rất tốt để giám sát việc cắt giảm chi phí đang diễn ra. Khi là người đứng đầu bộ phận lọc dầu và hóa chất, ông đã làm tăng được tính sinh lợi ở bộ phận này thông qua việc bán và đóng cửa các nhà máy ở châu Âu có biên lợi nhuận thấp và thoái vốn khỏi các chi nhánh như chi nhánh chất dính Bostik.

Cùng lúc đó, ông cũng đã đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng như một liên doanh hóa chất tại Port Arthur, Texas (Mỹ) - một dự án liên doanh với tập đoàn Đức BASF và một nhà máy lọc dầu mới ở Jubail (Ả Rập Saudi). Các chuyên gia phân tích tại Bernstein ở London ước tính việc thay đổi chiến lược này cho đến nay đã tiết kiệm được 400 triệu USD cho Total và đang trên đường tăng gấp đôi được tỉ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào năm 2015.

Hiện tại, một trong những thách thức lớn nhất của Pouyanné là ở Nga. Total hiện nắm một số cổ phần trong công ty khí đốt lớn thứ hai nước Nga là OAO Novatek và cả 2 công ty đang cùng triển khai một dự án khí hóa lỏng khổng lồ ở bán đảo Yamal (Nga), vốn được xem là nguồn tạo ra tăng trưởng cho Total trong những năm tới. Thế nhưng, dự án này đang bị đe dọa vì các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp dụng với Nga do liên quan đến vấn đề chính trị tại Ukraine.

Pouyanné sẽ phải giải quyết thách thức này. Ông sẽ phải tiếp tục mối quan hệ với Nga, nơi ông de Margerie đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các quan chức, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin.

Vị CEO mới cũng đang đối mặt với một thách thức khác. Đó là làm sao để thoát khỏi cái bóng của người tiền nhiệm de Margerie. De Margerie là một huyền thoại trong ngành dầu mỏ, một người đàn ông có sức lôi cuốn đặc biệt. Và đây là lý do ông “được phép” dùng tên riêng với các lãnh tụ Ả Rập, các ông trùm dầu mỏ phương Tây và các ông vua châu Phi.

“Ông ấy là người có mối quan hệ sâu rộng và lớn nhất trong ngành dầu mỏ vì thế rất khó để ai đó có thể đi vừa đôi giày quá lớn của ông”, Robin West, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét.

Mặc dù Pouyanné thiếu “tầm vóc” của de Margerie nhưng ông lại là người có được nền tảng chính trị cần thiết đối với một vị CEO trong ngành dầu mỏ.

Pouyanné sinh ra tại Normandy, miền Tây Bắc nước Pháp trong một gia đình trung lưu, có cha là một quan chức ngành hải quan ở địa phương. Ông theo học ở 2 trường kỹ thuật danh tiếng nhất nước Pháp là École Polytechnique và École des Mines ở Paris. Đó là nền tảng giúp ông trong vai trò là một cố vấn chính trị.

Ông từng là tham mưu trưởng cho François Fillon, cựu Thủ tướng Pháp khi còn là Bộ trưởng Thông tin vào thập niên 1990. Thời gian đó đã giúp ông rèn luyện được các kỹ năng cần thiết trong việc giải quyết những khó khăn của Total.

Sau khi gia nhập Total vào năm 1997, ông được cử sang làm việc ở Tây Phi Angola, nơi các mỏ dầu ngoài khơi khổng lồ của nó đã trở thành nguồn tăng trưởng sản xuất quan trọng cho Tập đoàn. Hai năm sau, ông được chuyển sang Qatar, nơi Total sản xuất khí hóa lỏng.

3 năm sau đó, ông quay trở lại Paris, nắm giữ một loạt các vị trí cấp cao trong lĩnh vực thăm dò và sản xuất trước khi trở thành một thành viên trong Ủy ban Điều hành vào năm 2006.

Mặc dù thiếu “tầm vóc” của de Margerie nhưng Pouyanné là người có được nền tảng chính trị cần thiết đối với một vị CEO trong ngành dầu mỏ.

Vào thời gian đó, Pouyanné đã là ứng viên tiềm năng thay cho de Margerie và ông đã được thử thách bằng cách được giao cho vị trí điều hành bộ phận hóa chất đang gặp khó khăn của Tập đoàn. Đến năm 2012, ông dẫn dắt việc sáp nhập bộ phận này với bộ phận lọc dầu. Đó là một phần trong một nỗ lực lớn nhằm tái cấu trúc Tập đoàn và là một thách thức lớn cho ông vì ông chưa hề có kinh nghiệm xử lý ở bộ phận chế biến dầu thô thành các thành phẩm như xăng.

Thế nhưng, ông đã làm một cách xuất sắc, tiếp tục củng cố tiếng tăm của mình là người cắt giảm chi phí một cách không nương tay và một trong những nhà điều hành hiệu quả nhất của Total. Chiến tích tự hào nhất là ông đã xử lý tốt kế hoạch đóng cửa gây tranh cãi cơ sở hóa chất tại Carling ở miền Đông Bắc nước Pháp.

Năng lực của Pouyanné là điều không ai phủ nhận và ai cũng cho rằng ông là người thích hợp nhất cho vị trí lèo lái Total. Thế nhưng, nhiều người vẫn băn khoăn liệu ông có thể điều hành Total như cách mà de Margerie đã làm?

Một số ý kiến cho rằng phong cách điều hành của Pouyanné có vẻ giống Thierry Desmarest, cựu CEO của Total (điều hành Total giai đoạn 1995-2007), một người được nhiều người kính nể nhưng vô cùng nghiêm khắc. Ông Desmarest vừa được Total mời trở lại giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị (Total cho biết Pouyanné sẽ kiêm luôn vị trí Chủ tịch của Desmarest khi ông này về hưu vào cuối năm 2015).

Thế nhưng, Asit Sen, chuyên gia phân tích tại Cowen & Co. LLC ở New York, cho biết: “Pouyanné cực kỳ thông minh và năng lực điều hành của ông đã được chứng minh. Vì thế mặc dù huyền thoại Christophe de Margerie sẽ rất khó mà thay thế nhưng chúng tôi tin Total có một dàn quản lý rất giỏi, có thể đưa Total vượt qua những thách thức trước mắt”.

Ngô Ngọc Châu
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư