5 bước lập chiến lược Online Video Marketing

Với những ai đang có kế hoạch đưa video vào chiến lược marketing vẫn còn mơ hồ, chưa rõ cách lập chiến lược video marketing cho công ty (hoặc cá nhân) như thế nào thì hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn phần nào sáng tỏ hơn những gì cần làm cho một kế hoạch video marketing.

Kế hoạch video marketing của bạn không nhất thiết quá chi tiết, nhưng phải đảm bảo kế hoạch ấy hài hòa với mục tiêu của công ty, bởi lẽ:

  • Chúng cho bạn biết mình đang thành công ở đâu, chưa tốt ở điểm nào.
  • Giúp bạn biết cách điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp theo thời gian
  • Giúp bạn giải trình với với cấp trên về tình hình sử dụng tài nguyên (làm video có khi phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc)

Một kế hoạch tốt cho bạn biết sự khác biệt giữa nội dung nào đang sinh ra ROI mà không phải ngồi đoán mò nữa.

Bây giờ ta đi vào từng bước chi tiết nhé:

5 bước lập chiến lược Online Video Marketing

1. Xác định nội dung video

Thường thì dấu hiệu cho thấy đó là một chiến lược content marketing tốt không nằm ở sự liên quan đến sản phẩm của bạn như thế nào, và đây là điều bạn cần nhớ bởi nó liên quan nhiều tới việc bạn sẽ tạo dựng ra câu chuyện (kịch bản) cho video về sau. Trước mắt, bạn cần đi thẳng vào trả lời những thứ quan trọng nhất như:

Loại nội dung tôi sẽ tạo là gì? Là video mang tính giáo dục? Hay giải trí? Hay thực tiễn? Hay sự pha trộn các thể loại thì sao nhỉ? Hãy sử dụng danh tiếng thương hiệu, hình ảnh và đối tượng của bạn để đưa ra hướng tiếp cận đúng đắn.
Đối tượng của tôi là ai? Vạch rõ ra những đối tượng bạn nhắm đến càng chi tiết càng tốt.
Điều gì đọng lại trong tâm trí đối tượng sau khi xem video? Là giá trị của video mang lại, nó giúp được gì cho đối tượng của bạn.

2. Tóm lược các loại video và chủ đề bạn sẽ tạo

Bước này có tác dụng giới hạn phạm vi công việc khi bắt tay vào chạy chiến dịch video cho công ty. Nhưng bằng cách nào? Bạn có thể nhận ra khi nhìn vào chức năng của doanh nghiệp và xem video sẽ được dùng trong phạm vi doanh nghiệp hay ngoài doanh nghiệp, hay áp dụng cho cả hai.

Ví dụ bạn là công ty sản xuất phần mềm cho xí nghiệp lớn thì có thể phân loại nội dung dựa trên mức độ hỗ trợ các chức năng kinh doanh khác nhau của video, chẳng hạn như hỗ trợ sản phẩm, nguồn nhân lực, các sự kiện của công ti, thông tin liên lạc nội bộ, hỗ trợ bán hàng... Từ đó xác định những loại video sẽ dùng cho mỗi chức năng này.

Trong hỗ trợ sản phẩm, bạn có thể kể những câu chuyện về một dòng sản phẩm cụ thể hoặc chọn chủ đề như phân tích hoặc tối ưu hóa. Những câu chuyện này sẽ đóng vai trò làm nội dung trụ cột và bạn sẽ xây dựng các khái niệm video và theo đó là các chiến dịch, tiếp cận như vậy sẽ thoáng hơn và không mang tính quá nặng về sản phẩm khi còn ở giai đoạn đầu.

Có được kịch bản, câu chuyện rồi vẫn chưa xong việc. Bước tiếp theo bạn cần làm là với mỗi chức năng bạn brainstorm ra những loại video phục vụ tốt nhất cho yêu cầu. Một số thể loại video tham khảo như các buổi ghi hình webinar, video hướng dẫn, phỏng vấn với chuyên gia, demo sản phẩm, ý kiến của khách hàng, hoặc các case study.

Một cách được các chuyên gia đánh giá cao tính hiệu quả để lấy làm khởi điểm là lắng nghe những câu hỏi của đối tượng mục tiêu, và sau đó trả lời họ với nội dung chi tiết. Bằng cách này, bạn vừa tạo ra được các video theo chủ đề vừa được lợi nhờ áp dụng SEO trong quá trình đó và xây dựng danh tiếng như một chuyên gia và có được sự tôn trọng trong mắt đối tượng bạn nhắm đến.

Lưu ý: Trong khi tạo ra các nội dung chuyên sâu là điều quan trọng thì bạn cũng cần cân bằng với những câu chuyện về thương hiệu ở mức cao để thu hút khách hàng mục tiêu ngay từ đầu, sau đó dần đưa các video vào trong các giai đoạn, hướng người xem tiến sâu vào chu trình mua hàng.

3. Phân bổ nguồn lực chịu trách nhiệm tạo nội dung video

Vấn đề phân bổ nguồn lực thực hiện video khá rõ ràng, bạn chỉ có hai lựa chọn: dùng nhân viên nội bộ hoặc thuê đội ngũ bên ngoài. Sự lựa chọn của bạn không bắt đầu theo ý thích mà phải bắt đầu từ ngân sách và tìm ra ai là người có đủ khả năng đảm nhận công việc. Vấn đề còn nằm ở sự quyết định của bạn trong những dự án khác nhau.

Những vấn đề cần xem xét bao gồm ai chịu trách sáng tạo ý tưởng, ai sẽ viết kịch bản, ai lo kiểm duyệt nội dung, ai sẽ xử lí kĩ thuật hậu kì và ai chịu trách nhiệm phân phối nội dung video sau khi đã có được sản phẩm hoàn thiện.

Một nhân tố khác quan trọng không kém trong suốt quá trình tạo video chính là đội ngũ tư vấn. Tư vấn trong từng giai đoạn giúp sản phẩm được hoàn thiện tốt hơn nhưng cũng thận trọng, tránh vướng phải vấn đề "chín người mười ý".

4. Phân phối nội dung

Một khi đã có sản phẩm video trong tay, vấn đề quan trọng cần bàn và làm tiếp theo là chọn kênh phân phối video cho phù hợp và sinh ROI được hiệu quả.

Website, YouTube, social media, diễn đàn đều có thể là nơi đáng để video xuất hiện. Thường thì website và YouTube vẫn được ưu ái hơn cả. Theo thống kê, video xuất hiện trên website làm tăng khả năng mua hàng lên đến 144% và tăng tỉ lệ chuyển đổi trên website lên thêm 9%. Còn YouTube, kênh phân phối video với lượng người xem cực khủng hàng tháng hiển nhiên không thể thiếu trong mọi chiến lược online video marketing.

Một lưu ý với kênh YouTube, khi bạn dùng kênh này đồng nghĩa với bạn chấp nhận rủi ro khách hàng xem phải những nội dung không phù hợp, hay thậm chí là nội dung từ chính đối thủ của bạn, bởi bản chất của YouTube là giữ chân người dùng ở lại ngay trên YouTube. YouTube là kênh phân phối tốt nhưng lại là chiến lược tồi.

Bù lại là YouTube cũng hỗ trợ cho bạn làm SEO với video đăng lên trên đây. Tối ưu tiêu đề video, mô tả video cho tới liên kết trỏ về website của bạn đều có thể dùng được để tận dụng hiệu quả SEO và dẫn đưa khách hàng tiềm năng tiến dần tới thương hiệu và thông điệp của bạn.

5. Đo lường hiệu quả chiến dịch online video marketing

Số liệu đâu đó vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với các nhà marketing, nhưng với video thì tương đối dễ đo lường hơn bạn nghĩ. Trong mỗi nền tảng video marketing, ví dụ như YouTube, đều cho phép bạn theo dõi dữ liệu về video được đăng tải lên. Dữ liệu thống kê sẽ cho bạn biết video nào được xem và được xem trong bao lâu, nam giới hay nữ giới thích xem nội dung của bạn, quốc gia, vị trí cùng nhiều thông tin khác giúp bạn nắm trong tay dữ liệu chính xác hơn.

Một vài số liệu quan trọng cần theo dõi trong mỗi chiến dịch video:

  • Tỉ lệ theo dõi video và tỉ lệ thoát khỏi kênh video của bạn: Trung bình bạn có được hơn 60% đối tượng xem trọn vẹn độ dài video hay không?
  • Tỉ lệ Click-through: Phối hợp đưa video với email marketing để xem hiệu quả giữa email có và không có video.
  • Tổng lượng video khách hàng tiềm năng đã xem: Có bao nhiêu video được mỗi cá nhân xem trong một ngày? Một tuần? Một tháng?

Theo thống kê, video xuất hiện trên website làm tăng khả năng mua hàng lên đến 144% và tăng tỉ lệ chuyển đổi trên website lên thêm 9%.

Trên đây là một vài số liệu cho bạn tham khảo và hiển nhiên còn nhiều số liệu khác đáng để theo dõi được cung cấp trong các nền tảng video marketing và cũng tùy thuộc vào mục tiêu chiến dịch của bạn mà sẽ chú trọng hơn cho những số liệu nào.

Nguồn EQVN