Ngành công nghiệp sữa bò lo lắng trước sự trỗi dậy của sữa thực vật

Trước sự trỗi dậy của sữa được chiết xuất từ những loại hạt như hạnh nhân, đậu nành, óc chó... ngành công nghiệp sản xuất sữa bò Mỹ cảm thấy bất an và đang thúc đẩy một đạo luật cấm gọi sữa thực vật là... sữa, theo tờ The New York Times.

“Hạt hạnh nhân không tiết sữa”

Tại Mỹ, một cuộc tranh luận mới đang xảy ra xung quanh định nghĩa về “sữa”, đặt ngành công nghiệp sản xuất sữa bò vào thế chống lại những nhà sản xuất “sữa thay thế” được chiết xuất từ các loại hạt bổ dưỡng. Cuộc tranh luận này bùng lên trở lại gần đây sau khi tiến sĩ Scott Gottlieb, giám đốc Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) nói rằng: “Hạt hạnh nhân không tiết sữa”.

Phát biểu của ông Gottlieb được đưa ra tại một hội nghị ở Washington. Ông cảnh báo rằng FDA sẽ hành động để chấn chỉnh tình trạng lạm dụng từ “sữa” (milk) để mô tả các sản phẩm không phải là sữa bò, chẳng hạn như “sữa hạnh nhân”, “sữa đậu nành”. Ông cho biết FDA sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về các tiêu chuẩn nhận dạng đối với sữa.

Với phát biểu trên, Gottlieb đã mang lại niềm hy vọng cho các nhà sản xuất sữa bò, vốn đang phản bác việc các nhà sản xuất các loại đồ uống chiết xuất từ hạt hạnh nhân, mắc ca, gạo, đậu nành, óc chó, hạt điều, yến mạch... là sữa.

Ngày càng có nhiều người Mỹ sử dụng các loại sữa thực vật này, được sản xuất qua quá trình ngâm rồi xay hoặc lên men tại các quán cà phê và ở nhà.

Các loại sữa thực vật chiết xuất từ các loại hạt bổ dưỡng đang ngày càng được yêu chuộng tại Mỹ. Ảnh: New York Times.

Các loại sữa mới, nổi lên như là sữa thay thế cho sữa bò, nhanh chóng gây sức hút, đến nổi gần đây, nguồn cung sữa yến mạch bị thiếu hụt ở New York. Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Nielsen và Hiệp hội Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (Mỹ), tiêu thụ các loại đồ uống có nguồn gốc từ thực vật đang tăng nhanh chóng tại Mỹ, tăng 9% lên mức 1,6 tỉ đô trong 12 tháng tính đến tháng 6-2018. Trong khi đó, tiêu thụ sữa bò ở Mỹ vẫn đang trong xu hướng giảm. Vào thập niên 1970, trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ khoảng 30 gallon (113,5 lít) sữa bò mỗi năm nhưng giờ đây, con số này chỉ còn 18 gallon (68 lít), theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Ngành công nghiệp sữa bò bất an

Tất cả những diễn biến trên đang gây bất an cho ngành công nghiệp sữa bò.

“Bạn không gọi đó là sữa nếu nó được làm từ một loại quả, một loại hạt, một loại ngũ cốc hay một loại cây cỏ”, Chris Galen, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất sữa bò quốc gia Mỹ (NMPF), nói. Có trụ sở đặt tại Arlington, bang Virginia, NMPF là một tổ chức được thành lập vào năm 1916 nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà sản xuất sữa bò.

NMPF đang vận động thông qua Đạo luật Niềm tự hào sữa bò, được giới thiệu ra quốc hội Mỹ hồi tháng 1-2017. Đạo luật này cấm gọi các loại sữa thực vật, không có nguồn gốc từ sữa bò là “sữa”. Chris Galen cho biết đạo luật này sẽ buộc FDA phải thực thi các quy định ghi nhãn một cách trung thực hơn. Ngành công nghiệp sữa bò cho rằng từ “sữa” khi được gán cho các loại nước uống sản xuất từ các loại hạt sẽ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn vì nó ngụ ý rằng thứ chất lỏng màu trắng mà họ mua có giá trị dinh dưỡng tương tự như sữa bò.

Tiêu thụ các loại đồ uống có nguồn gốc từ thực vật đang tăng nhanh chóng tại Mỹ, tăng 9% lên mức 1,6 tỉ đô trong 12 tháng tính đến tháng 6-2018. Trong khi đó, tiêu thụ sữa bò ở Mỹ vẫn đang trong xu hướng giảm.

Michele Simon, giám đốc điều hành Hiệp hội thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (PBFA), ghi nhận rằng hạt hạnh nhân có thể không tiết sữa nhưng điều đó không có nghĩa là không thể gọi nước được chiết xuất từ hạt hạnh nhân là “sữa”. Bà khẳng định khi mua sữa đậu nành hay sữa hạnh nhân, người tiêu dùng biết chính xác rằng chúng không giống giống như sữa động vật. Các loại sữa thay thế làm từ thực vật thường không có hàm lượng chất béo, protein và vitamin giống như sữa bò.

Một cuộc nghiên cứu được PBFA đặt hàng vào năm ngoái phát hiện thấy rằng cứ 3 người tiêu dùng, có 2 người đồng ý rằng cách tốt nhất để gọi tên các loại sữa này là ghi thành phần thực vật trước từ “milk”, chẳng hạn soy milk (sữa đậu nành), almond milk (sữa hạnh nhân)

Michele Simon nói: “Không ai được quyền sở hữu riêng tiếng Anh và chúng tôi sẽ không lùi bước”. Bà hy vọng cuộc tranh cãi này có thể được giải quyết trong “không khí hòa bình”.

Người ủng hộ sữa thực vật phản đối đạo luật “ngớ ngẩn”

Trong khi cuộc tranh cãi về việc sử dụng từ “sữa” vẫn chưa có hồi kết, phát biểu của ông Gottlieb nói rằng hạt hạnh nhân “không tiết sữa” ngay lập tức gây lo lắng cho những nhà sản xuất sữa có nguồn gốc từ thực vật. Đối với những người ủng hộ các loại sữa thực vật, phát biểu của ông Gottlieb khiến họ đặt ra những câu hỏi khác, chẳng hạn nếu các công thức pha chế dựa vào hạt thực vật không được gọi là sữa, chẳng nhẽ gọi chúng là “nước ép hạt đậu nành” hay “nước uống hạt hạnh nhân”?

Jon Reagan, 31 tuổi, chủ quán cà phê có tên gọi Cafe Beit ở khu Williamsburg, quận Brooklyn ở thành phố New York, người đang bán sữa hạnh nhân tự làm ở nhà, nói rằng anh sẵn sàng “đi tù” về vấn đề này. Anh nói: “Ý của tôi là điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta vẫn cứ gọi đó là sữa?”, rồi chuyển sang nhái giọng phát thanh viên truyền hình: “Chủ quán Cafe Beit vừa bị kết án 10 năm tù vì...”

Cuộc tranh cãi về việc sử dụng từ “sữa” vẫn chưa có hồi kết.

Anh cho rằng đưa ra một đạo luật cấm gọi sữa làm từ thực vật là “sữa” là chuyện ngớ ngẩn vì luật này xuất phát từ nỗi lo sợ của ngành sữa bò.

Greg Steltenpohl, người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Califia Farms, chuyên sản xuất sữa hạnh nhân, cho rằng cuộc tranh luận hiện nay đã bị đẩy đi quá xa. Ông chỉ ra rằng năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ phát hiện thấy rằng 90% hộ gia đình Mỹ sử dụng sữa thực vật cũng mua sữa bò.

“Thế giới thực sự không phân cực như nền chính trị vẽ ra”, ông nói.

Mike Messersmith, giám đốc chi nhánh công ty sản xuất sữa yến mạch Oatly (Thụy Điển) tại Mỹ, cho biết chỉ trong vòng một năm, số quán cà phê đặt mua sữa yến mạch của Oatly tại Mỹ đã tăng từ 150 lên 2.000. Giờ đây, sữa yến mạch của Oatly cũng đang được bán tại tại chuỗi cửa hàng thực phẩm Whole Foods và chuỗi cửa hàng bách hóa Target.

Sang năm 2019, Oatly sẽ khai trương một nhà máy ở bang New Jersey, nhà máy đầu tiên của Oatly tại Mỹ. Messersmith cho rằng nỗ lực của ngành công nghiệp sữa bò Mỹ nhằm thực thi các quy định ghi nhãn liên quan đến sữa là điều không phù hợp với xu hướng chung hiện nay. Ông nói: “Trong một kỷ nguyên khi mà chính phủ Mỹ đang giảm bớt các quy định quản lý, nỗ lực này dường như là điều dị thường”.

Chánh Tài
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn