Những điều đặc biệt về 4 tỷ phú USD của Việt Nam

Những điều đặc biệt về 4 tỷ phú USD của Việt Nam

Trở thành tỷ phú thế giới đã là đặc biệt, nhưng đằng sau sự đặc biệt ấy là rất nhiều điều đặc biệt khác của 4 tỷ phú USD của Việt Nam vừa được Fober vinh danh.

Trở thành tỷ phú Việt đầu tiên được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974, trong bảng xếp hạng được Forbes công bố hôm 6/3/2018, ông Phạm Nhật Vượng tiếp tục được ghi nhận là tỷ phú USD năm thứ 6 liên tiếp và vẫn là người Việt giàu nhất hành tinh, nằm trong top 500 của Forbes, với tài sản 4,3 tỷ USD, đứng thứ 499 thế giới, tăng 1,9 tỷ USD so với năm ngoái.

Ông Phạm Nhật Vượng rất ít khi xuất hiện trước báo giới. Tính cách này được ông và gia đình giữ gìn rất cẩn trọng, hầu như không có hình ảnh nào về những người thân của ông, ngay cả vợ và em vợ… những người giữ chức vụ Phó chủ tịch Vingroup được công khai trên truyền thông. Đó có lẽ là một trong những điều làm nên hình ảnh vị tỷ phú này, và cũng khiến những dự án của Vingroup được truyền thông săn đón nhiều hơn. Vì nếu không biết được tường tận chân dung ông, người ta sẽ phải tìm hiểu qua những gì ông đang làm.

Đời thường, nhiều thông tin cho hay, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thường chơi bóng rổ, bóng đá với nhân viên (vị trí tiền đạo). Đặc biệt, thích xem phim võ thuật khi rảnh rỗi.

Ông chủ Vingroup chia sẻ trong một bài phỏng vấn, và chia sẻ, ông sẽ cảm thấy hạnh phúc dù điều đó khiến ông mất một vài tỷ USD.

Với Phạm Nhật Vượng, đó có lẽ là xây dựng những dự án bất động sản tầm cỡ, để thay đổi bộ mặt cũng như cuộc sống của người dân tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, với những công trình gắn mác lớn nhất Việt Nam, lớn nhất châu Á.

HIện thực hóa những ước mơ đó, ngày 26/7/2013, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khai trương Vincom Mega Mall Royal City – Quần thể Trung tâm thương mại (TTTM) và Vui chơi giải trí trong lòng đất lớn nhất Châu Á tại Khu đô thị Royal City (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Đây được coi là một trong những sự kiện đánh dấu đẳng cấp và bước phát triển vượt bậc của Vingroup nói chung, cũng như tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu và dẫn dắt thị trường của Vingroup trong việc đầu tư, vận hành những dự án TTTM lớn và cao cấp nhất tại Việt Nam nói riêng.

Sau Royal City, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu Phạm Nhật Vượng sẽ làm gì với Times City, một dự án trung tâm thương mại thứ hai có chung thương hiệu Vincom Mega Mall, mà nếu so về vị trí thì rõ ràng không thể bì với sự đắc địa của Royal City. Câu trả lời là "thủy cung lớn nhất Việt Nam" - điều Royal không có và chẳng dự án nào ở Việt Nam trong thời điểm đó có.

Ngoài xây khu thương mại, khu vui chơi, làm đường, Vingroup vẫn duy trì tiến độ xây dựng những dự án chung cư, biệt thự cao cấp khủng. Trong khi giới đầu tư vẫn đặt câu hỏi, vì sao giá nhà Vincom bán ra không hề rẻ mà vẫn hút hàng, những công trình đồ sộ đi kèm với chi phí đắt đỏ không kém có thể mang lại tiền cho vị tỷ phú này, thì chính ông Phạm Nhật Vượng đã tự trả lời bài toán cho mình. Bí mật của ông có lẽ nằm ở việc tập trung vào những tầng lớp khách hàng trẻ, có điều kiện kinh tế khá giả và quan trọng là muốn nâng cao chất lượng cuộc sống. Và con số này được ước tính là 60% dân số dưới 40 tuổi của đất nước hơn 90 triệu dân, một lượng khách hàng khổng lồ.

Phân đoạn thị trường này đã làm nên điều khác biệt giữa lợi nhuận của Vingroup và các doanh nghiệp khác. Trong khi hầu hết các ông lớn địa ốc một thời phải đối mặt với nợ xấu, tồn kho, thậm chí phải giảm giá, bán dự án, chuyển sang xây dựng nhà giá rẻ để có thể luân chuyển vốn thì Vingroup vẫn xây dựng căn hộ cao cấp.

Giờ đây, không chỉ tại Hà Nội, TP HCM, Vingroup đã lan tỏa tới hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, với gần chục thương hiệu ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, bất động sản nghỉ dưỡng, thương mại… Đặc biệt, với bước đi mới, tốc độ mới – VINFAST, Vingroup đang biến ước mơ ô tô thương hiệu Việt thành hiện thực

Một số ý kiến nhận định, đầu tư vào mảng ô tô điện là bước đi táo bạo và có phần liều lĩnh của VINFAST, tuy nhiên, trên thực tế, ô tô điện đang là tương lai không chỉ ở Việt Nam mà còn cả thế giới.

Khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại xã đảo Đồng Bài (Cát Hải, Hải Phòng) với quy mô 335 ha, sản xuất ôtô động cơ đốt trong, ôtô điện và xe máy điện vào ngày 2/9/2017, sau 24 tháng, VinFast dự kiến xuất xưởng một mẫu sedan 5 chỗ, một SUV 7 chỗ mang thương hiệu của riêng mình. Nếu thành hiện thực thì đây là dự án có tốc độ hoàn thành chưa từng có ở Việt Nam.

Những công trình đẳng cấp, những bước đi táo bạo, và hơn cả, "khát khao xây dựng một thương hiệu xe Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới" đang được doanh nhân Phạm Nhật Vượng và Vingroup hiện thực hóa. Và tương lai không xa, một người Việt hoàn toàn có thể sống trọn vẹn với thương hiệu Việt khi ở nhà Vinhome, đi “chợ” Vinmart, khám bệnh Vinmec, và đi ô tô Vinfast…

“Quan tâm của tôi là làm được cái gì cho đời, mang lại cái gì cho xã hội, cho khách hàng hoặc nói rộng ra là cho dân mình” – tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ.

Trong danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2018 vừa được Forbes công bố, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những người có bước tiến mạnh nhất với hơn 900 bậc tăng.

Từ vị trí 1.678 với giá trị tài sản ròng ở mức 1,2 tỷ USD vào tháng 3/2017, sau một năm, thứ hạng của bà đã vọt lên 766 cùng tổng tài sản tăng hơn 2,5 lần (3,1 tỷ USD). Tuy nhiên, thứ hạng và sự cân đo đong đếm tài sản của Forbes dường như không mấy ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống riêng của bà. Nữ doanh nhân cho biết, hơn một năm qua, bà bỏ danh tiếng tỷ phú bên ngoài phòng làm việc cũng như ngưỡng cửa nhà. Như trước đó từng phát biểu, bà thú nhận chưa bao giờ quan tâm mình kiếm được bao nhiêu tiền.

Nhiều người từng tiếp xúc cho rằng, bà Thảo không phải là mẫu doanh nhân nói suông mà giống kiểu một "nữ chiến binh" có tinh thần lăn xả hơn. Nhân viên của bà kể, phòng làm việc của tổng giám đốc sáng đèn đến 2-3h sáng, kể cả những ngày nghỉ lễ, là chuyện bình thường.

Nhận được khá nhiều câu hỏi tương tự nhau về bí quyết thành công trong thương trường, bà Thảo nói mình không sử dụng chiêu trò. Thay vào đó, bà nhắc nhiều đến việc mơ lớn, kinh doanh lương thiện và tự tin.

Sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với bản thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm.

Khi còn là sinh viên năm thứ 2 bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax, đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong sang Đông Âu. Đồng thời bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị...

Vốn liếng của bà Thảo lúc bấy giờ chỉ là chữ tín và sự lao động chăm chỉ của bản thân. “Khi thấy mình chăm chỉ và có trách nhiệm thì các đối tác phân phối lớn sẽ chọn là đại lý để phân phối hàng cho họ nên mình không cần nhiều vốn. Do mình làm việc rất hiệu quả và trung thực. Ví dụ, thị trường giá cả hay biến động thì mình làm việc theo cách ngày nào giá bao nhiêu và doanh thu ngày hôm đấy tương ứng với giá hôm ấy mình đều thông báo cho họ rất cẩn thận. Bởi vậy, người ta có niềm tin và thấy được làm việc với mình hiệu quả, doanh thu lợi nhuận đảm bảo tốt”, nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo nhớ lại.

Nhờ khởi nghiệp thành công và có niềm tin, chỉ sau 3 năm khi mới 21 tuổi, bà Thảo đã có 1 triệu USD đầu tiên (thời đó là rất lớn) nhờ kinh doanh các loại hàng điện tử, máy văn phòng, máy fax và cao xu tự nhiên. Với số vốn này, bà Thảo chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đầu tư về Việt Nam khá sớm với hai lĩnh vực là tài chính và bất động sản. Cụ thể, bà góp vốn thành lập Techcombank, sau đó là VIB và hiện tại là Phó chủ tịch HĐQT HDBank. Sau đó là lĩnh vực hàng không với vị trí tổng giám đốc Vietjet Air.

Gần 25 năm sau, bà nổi lên như một nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet Air, HDBank và Dragon City (Phú Long), dự án bất động sản rộng 65 héc ta ở TP. HCM.

Có được những thành công từ rất sớm, khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học và trong nhiều lĩnh vực như thương mại quốc tế, ngân hàng, bất động sản, nghỉ dưỡng cao cấp… nhưng danh tiếng của bà Thảo gắn nhiều với Vietjet.

Năm ngoái, hãng hàng không này vận chuyển hơn 17,11 triệu hành khách với doanh thu cả năm đạt 22.577 tỷ đồng, tăng 41,8% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.755 tỷ đồng, tăng 75,9% so với năm 2016 và vượt 26% kế hoạch.

Nhưng “giấc mơ bay” đã vấp phải hiện thực khắc nghiệt. Đó là giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường nặng định kiến với hàng không tư nhân, hạ tầng, chính sách hàng không la liệt bất cập.

“Trong bối cảnh tài chính toàn cầu đang chao đảo, chúng tôi đã dừng lại một nhịp để nghiên cứu kỹ hơn và chuẩn bị cho mình một con đường riêng”, bà Thảo nói và cho biết, con đường riêng đó bắt đầu từ việc từ bỏ mô hình hàng không 5 sao sang mô hình để hành khách được tự chọn dịch vụ, thay vì kèm tất cả vào giá vé.

CEO của một hãng hàng không, điều hành một ngân hàng và nhiều doanh nghiệp khác, nhưng Nguyễn Thị Phương Thảo luôn nhẹ nhàng, dù là người thành đạt và giàu có nhưng khiêm cung và kiệm lời về mình.

John Leahy, Tổng giám đốc thương mại toàn cầu của Airbus từng nhận xét: Ceo Vietjet là người phụ nữ có “bàn tay sắt bọc nhung” bởi sự cứng rắn bên trong vẻ ngoài mềm mỏng.

Một đồng nghiệp từng có cơ hội tham gia cùng đoàn đàm phán của VietJet tại Dubai Airshow kể lại, trước khi đến cuộc hẹn làm việc với đại diện Airbus, thương lượng hợp đồng mua 30 tàu bay A321 tại Dubai Airshow tháng 11/2016, Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo tựa trên sofa trong phòng khách sạn, hát nhạc Trịnh Công Sơn: “Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn. Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng. Cho quê hương giấc ngủ thật hiền. Rồi từ đó, tôi yêu em”.

Dù trước mắt là một thương vụ tàu bay gần 4 tỷ USD, cần phải chuẩn bị để có thể thỏa thuận được những điều kiện kỹ thuật và pháp lý đầy phức tạp, nhưng bà Phương Thảo không tỏ ra quá tập trung. Bà vẫn nhả từng lời hát nhẹ nhàng như một ca sĩ nhẩm lại lời trước khi ra sân khấu biểu diễn.

Nguyễn Thị Phương Thảo hay hát tặng bạn bè mỗi dịp gặp gỡ vui chơi, đặc biệt là trong những chuyến đi thăm trẻ em ở các trung tâm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, làng SOS. Ngoài những đóng góp vật chất, món quà tinh thần của nữ Tổng Giám đốc xinh đẹp dành cho các em là cất tiếng hát hoà cùng bọn trẻ và cùng chơi những trò trẻ thơ.

Tết Đinh Dậu vừa qua, tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật, mô côi Thị Nghè - TPHCM, nhiều người xúc động khi nữ CEO của Vietjet đến bên các em, bắt nhịp cùng hát bài “Đàn gà trong sân”, “Năm ngón tay ngoan”. Ngày giá rét, người ta thấy chị lặn lội tới tận bản làng vùng cao phía Bắc. Và “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” lại vút lên bên bếp lửa hồng. Chị không phải là ca sĩ, chỉ là người có giọng hát truyền cảm, nồng nàn cảm xúc, dùng âm nhạc để bày tỏ những điều sâu thẳm trong tâm hồn…

Ông Trần Đình Long là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hòa Phát, từng được ví như "vua" thép ở Việt Nam. Khởi đầu với một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt lấn sân sang nhiều lĩnh vực, từ nội thất (1995), ống thép (1996), thép (2000), điện lạnh (2001) và gần nhất là bất động sản rồi mới đây là cả nông nghiệp. Nhưng dù trở thành công ty đa ngành, phần lớn kết quả kinh doanh của Hòa Phát vẫn đến từ sản phẩm cốt lõi là thép xây dựng và ống thép.

Theo danh sách của Fober, ông Long đứng thứ 1756, là một trong hai tỷ phú mới của Việt Nam năm nay, với khối tài sản 1,3 tỷ USD.

Vài ngày sau khi được tạp chí Forbes công bố là tỷ phú USD, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long có buổi nói chuyện thân tình cùng báo giới.

“Khi biết mình có tên trong danh sách tỷ phú USD 2018 vừa được Forbes công bố, gia đình tôi không ai nhắc gì đến danh hiệu này bởi kể cả bản thân tôi cũng thấy rất bình thường. Còn với công ty, có hay không danh hiệu đó thì ở Hòa Phát mọi thứ vẫn vận hành như thế thôi” - ông Long chia sẻ.

Theo ông Long, niềm vui lớn hơn với tôi là trong thông tin công bố của tổ chức này có anh Trần Bá Dương – Chủ tịch Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải và tôi, là đại diện cho 2 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Với những nước có nền công nghiệp mới như Việt Nam thì sớm muộn cũng xuất hiện tỷ phú USD thuộc lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đằng sau bảng xếp hạng, chính là ghi nhận sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất Việt bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Vị tỷ phú này thẳng thắn chia sẻ triết lý cuộc sống của mình. Ông cho rằng dù là doanh nhân điều hành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam nhưng khi làm việc không nghĩ đến tiền, cũng chẳng biết mình có bao nhiêu tiền. Tuy vậy nhưng cuộc sống của ông không quá bận rộn hay áp lực như trong hình dung nhiều người.

"Tôi không muốn cuộc sống cứ phải đầu tắt mặt tối, hai tay hai điện thoại, hay không có đủ thời gian để ăn sáng, ăn trưa hay tối cùng gia đình. Ví dụ từ sáng đến giờ là tôi chỉ có một cuộc điện thoại nhưng đó là họ gọi nhầm chứ cũng không phải vì ai đó gọi để bàn công việc", vị tỷ phú sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD này chia sẻ.

Theo đó, ông vẫn có thời gian để làm những điều mình thích, những sở thích bình dị như cà phê bụi, tập thể thao. Những sở thích cá nhân như đọc sách, xem tivi, xem phim hay bóng đá vẫn được tỷ phú này duy trì và không hề phải vứt bỏ. Thậm chí là trà đá vỉa hè với những người bạn đã 20 năm của mình. Đó là điều ông rất tự hào.

Không chỉ dành thời gian cho bạn bè, gia đình cũng là ưu tiên số 1 với ông Long. "Có người bận rộn không còn thời gian đi du lịch nhưng như tôi thì mỗi năm phải đi ít nhất 4 lần và lúc nào cũng đi với cả gia đình", tỷ phú này chia sẻ. Ông Long còn rất tự hào là người ăn đủ 30 bữa cơm nhà trong một tháng, thậm chí đủ cả 365 ngày trong năm.

Trong danh sách của Forbes, ông Trần Bá Dương có tài sản 1,8 tỷ USD, xếp vị trí 1.339. Ông Trần Bá Dương đang sở hữu tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng. Cổ phiếu Thaco chưa niêm yết nhưng trên trên thị trường tự do (OTC) tiếp tục đứng ở mức cao, khoảng 150.000-180.000 đồng/cp.

Hiện tại, Thaco có gần 415 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lên gần 4.150 tỷ đồng. Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của Thaco đạt gần 2,8 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cùng với vợ trực tiếp và gián tiếp nắm giữ hơn 65% doanh nghiệp này.

"Tôi thèm khát sự kinh doanh minh bạch, và luôn khao khát nền kinh tế Việt Nam hội nhập với lộ trình hợp lý cho từng ngành nghề, để doanh nhân và doanh nghiệp Việt được cạnh tranh một cách sòng phẳng với các doanh nghiệp ở khu vực và trên thế giới”, ông Dương nói.

Ông Trần Bá Dương cho biết ngay từ năm 2003, ông đã có một quyết định táo bạo để chuẩn bị cho mốc hội nhập 2018. Với phương châm “hoặc không làm hoặc phải làm thật lớn để hội nhập”, người đứng đầu Thaco chọn Khu Kinh tế Chu Lai là “đại bản doanh” để thực hiện ước mơ.

Ông Dương kể, năm 2003, ông chọn giải pháp ra Chu Lai chấp nhận thiếu thốn đủ thứ, một trong những lý do là vấn đề nhân lực.

Trước đó, Công ty ở Biên Hòa chúng tôi đã dày công đào tạo nhân sự nhưng rồi có nhiều trường hợp gia đình họ bán được miếng đất có được khoản tiền lớn là họ mất động lực làm việc; hoặc có người bị công ty khác câu kéo thì họ nghỉ mất. Cuối cùng ông Dương chọn ra Chu Lai, ở đó con người sống trong môi trường đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt nên rất chịu khó làm việc và rất sáng tạo, phù hợp với ngành cơ khí và ô tô.

"Đến giờ này chúng tôi đã đúng, chuyên gia nước ngoài đến Chu Lai đào tạo 2,3 năm quay lại vẫn thấy nhân sự cũ ở đó. Họ có nói rằng chỉ có ở Chu Lai mới vậy, chứ các thành phố ở các nước trên thế giới, đào tạo một thời gian quay lại nhân sự có thể đi mất", lãnh đạo Thaco khẳng định.

Ông Dương đưa ra những ví dụ về giá trị doanh nghiệp. Ông đề cập đến câu chuyện Tesla, công ty chuyên sản xuất ô tô điện. Hiện họ đang lỗ, năm ngoái chỉ bán 4.000 xe. Tuy nhiên, họ đang đi vào năng lượng sạch và đó là tiềm năng của tương lai, như các chuyên gia vừa chia sẻ. Bản chất giá trị công ty hướng tới tiềm năng của tương lai. Tesla hiện trị giá 51 tỷ đô, cao hơn Ford trong khi năm 2016, lỗ tới 900 triệu đô. Còn Ford năm ngoái lãi 6 tỷ đô Mỹ nhưng trị giá lại thấp hơn.

Từ đó, ông Dương khẳng định rằng: "Hãy đầu tư vào thương hiệu, ý tưởng đột phá và phương pháp quản trị đặc thù để có được những sản phẩm dịch vụ đón đầu xu thế của thị trường, thì công ty sẽ có giá trị lớn và giá trị gia tăng trong tương lai".

Trong dự định của “ông vua” ô tô Việt Nam, mô hình Chu Lai khi thành công sẽ là nơi tập trung sản xuất tất cả máy móc, và phát triển các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực ô tô, cơ khí…

“Chính mục tiêu này đã thôi thúc tôi chọn Chu Lai – mảnh đất khô cằn và thiếu thốn mọi thứ. Lựa chọn Chu Lai là một điều tất yếu sau khi tôi nghiên cứu tất cả các nhà máy sản xuất ô tô ở Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và rất nhiều nước khác trên thế giới”, ông Dương hồi tưởng lại.

Và để “đánh cược” với cuộc chơi lớn từ 2018, ông Dương quyết định hợp tác xây dựng nhà máy Mazda lớn nhất Đông Nam Á ở Chu Lai.

Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều người vẫn không thể tin rằng, một doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam lại “nắm trong tay” 6 thương hiệu ô tô nổi tiếng bậc nhất trên thế giới. Nhưng Thaco đã làm được điều đó. Và cùng với tham vọng vươn ra khu vực, thế giới với hàng loạt những dự án đầu tư chiều sâu sẽ giúp doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở vị trí dẫn đầu Việt Nam mà còn dẫn đầu khu vực.

Quang Minh - Đinh Thanh
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp