Ông chủ Masan chi hơn 1.000 tỷ đồng xây nhà máy chế biến thịt

Tổ hợp rộng 10ha có công suất chế biến 1,4 triệu con heo, tương đương 140.000 tấn thịt mỗi năm.

Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (MNS) vừa khởi công Dự án Tổ hợp chế biến thịt tại khu công nghệ Đồng Văn IV (Hà Nam). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích 10ha. Sau khi hoàn thành, tổ hợp này đáp ứng công suất chế biến 1,4 triệu con heo, tương đương 140.000 tấn thịt mỗi năm.

Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết doanh nghiệp dự kiến đưa ra thị trường các sản phẩm thịt mát đầu tiên vào cuối năm 2018. Thịt heo mát được lưu trữ và phân phối trong hệ thống kho, vận chuyển lạnh 0-4 độ C suốt quá trình. Vì vậy, loại thịt mới này có hạn sử dụng 5 ngày, hạn chế vi sinh vật phát triển và giữ được mùi vị tự nhiên. Theo ông Quang, với việc khởi công tổ hợp này, doanh nghiệp chạm đến mảnh ghép quan trọng cuối cùng trong việc hoàn chỉnh mô hình 3F (từ trang tại tới bàn ăn).

Bộ trưởng Nông nghiệp tham gia lễ động thổ dự án tại Hà Nam. Ảnh: Anh Tú.

Tại lễ khởi công, Bộ trưởng Nông nghiệp – Nguyễn Xuân Cường cho biết, tất cả mặt hàng nông nghiệp Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 20 thế giới và thứ 2 tại ASEAN. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi chưa hoàn thành chỉ tiêu, đặc biệt là thị lợn.

Vị trưởng ngành nông nghiệp chỉ ra cái yếu nhất của ngành hàng này là chế biến và tổ chức thị trường rất kém. Theo ông, đây cũng chính là nguyên nhân của sự cố lợn xuống giá khiến nông dân, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại hồi tháng 4 năm ngoái.

“Hiện tại, chăn nuôi phát triển nhưng chế biến nhỏ lẻ, truyền thống vẫn là chính, tổ chức thị trường chưa theo kịp. Thị trường trong nước hơn 95 triệu dân, 30% dân đô thị nhưng phương thức thịt tươi, giết mổ nhỏ lẻ thì làm sao cung ứng được. Chúng ta cần phải tổ chức lại ngành hàng này, chú ý khâu chế biên, tổ chức lại thị trường”, ông Cường nói.

Vì vậy, Bộ trưởng đánh giá việc đầu tư vào tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam của Masan là hành động tích cực để khắc phục yếu điểm của ngành hàng này. “Khâu khó nhất của ngành hàng này làm được, các ngành hàng khác sẽ làm tốt hơn”, ông Cường nói.

Anh Tú
Nguồn VnExpress