Chiếc mũ và bộ mặt của nghề Account

Chiếc mũ và bộ mặt của nghề Account

"Account thảo mai đồ."
"Account nhiều mặt, chả biết mặt nào mà tin."
"Có phải dân Account đâu mà xạo dzữ vại?"
"Chị sếp em nói chuyện với 3rd party hứa là lần sau sẽ hợp tác tiếp, cúp máy thì nói với team kiểu hứa zui vậy thôi chứ ai biết, tới đó tính tiếp."
"Tin Account là bán lúa giống."

Từ bao giờ (không biết), Account đã mang nhiều điều tiếng đến như vậy?!

Là một người làm công việc Account Management, do yêu cầu và tính chất của nghề, tôi ý thức việc mình phải thường xuyên đội nhiều chiếc-mũ khác nhau. Mục tiêu của việc đội nhiều chiếc-mũ là để suy nghĩ, cảm nhận và thấu hiểu đồng nghiệp, đối tác có liên quan trong công việc. Đội chiếc mũ người làm 3D artist để hiểu việc chỉnh sửa hay "rendering" một hình ảnh 3D nó tốn thời gian "khủng" thế nào mà tránh đi những yêu cầu không đáng "thử"; đội chiếc mũ của designer để thấy việc cứ đòi phải phóng to logo hay dùng icon logo chèn với text nó phản cảm đến thế nào; và đội chiếc mũ nhạc sĩ để hiểu ở câu nhạc đó, cái tiết tấu đó, tên thương hiệu có thể sẽ bị "bóp méo" một chút để thấy hài lòng với các giải pháp mà nhạc sĩ đã đề ra.

Đôi lúc, đội nhiều chiếc-mũ khiến người khác nghĩ mình đang mang nhiều bộ-mặt. Đừng nhẫm lẫn giữa việc đội nhiều chiếc-mũ với việc mang nhiều bộ-mặt.

Làm nghề Account Management có thể phải đội nhiều chiếc-mũ. Hình bản quyền bởi StockUnlimited.

Như thế nào là mang nhiều bộ-mặt? Điều này không nhất thiết phải nói ra nhưng chúng ta đều biết như thế nào là kẻ nhiều-mặt để mà điều chỉnh hành vi bản thân mình. Mang nhiều bộ-mặt đôi lúc giúp bạn giải quyết được vấn đề, nhưng nếu bạn hiểu rốt ráo về phương pháp giải quyết vấn đề, bạn sẽ đủ thông minh để không chọn cách giải quyết vấn đề bằng cách mang nhiều bộ-mặt.

Từ một góc độ khác, một người làm Account luôn ở thế "trăm dâu đều đổ đầu tằm", ai cũng phải chịu nhiều áp lực và đôi lúc họ không kìm chế được, phát biểu những câu nói khiến người khác nhìn thấy mình như kẻ mang nhiều bộ-mặt. Nếu có thể, mình nên sớm "cài đặt" chế độ "not many faces" để chúng có thể ngăn cản mình từ trong vô thức, tránh phát ra những câu nói / hành vi / tư duy kiểu nhiều-mặt.

Làm nghề Account Management, chúng ta có thể phải đội nhiều chiếc-mũ nhưng tuyệt đối không nên cho phép mình mang nhiều bộ-mặt bởi chúng ta cần danh-dự của người làm nghề.

Có một hôm, tôi đi thực hiện một giao dịch ở ngân hàng, người "banking teller" yêu cầu tôi cung cấp một vài giấy tờ. Thật ra, việc có hay không có những giấy tờ đó vào ngay tại thời điểm đó cũng không ảnh hưởng gì mấy bởi tôi đã có giải pháp đảm bảo mình sẽ cung cấp được đủ giấy tờ. Tôi nói với chị teller:

Chúng ta có thể phải đội nhiều chiếc-mũ nhưng tuyệt đối không nên cho phép mình mang nhiều bộ-mặt bởi chúng ta cần danh-dự của người làm nghề.

- Chị cứ tiến hành giùm em đi, khi về Việt Nam em sẽ eMail cho chị hết những giấy tờ đó. Chị không tin em hả?

- Không phải là tin hay không em à. Vấn đề là "work ethics", đạo đức nghề nghiệp không cho phép chị phạm quy.

Trong những trường hợp như vậy, người khách hàng có hiểu biết thì tất nhiên sẽ hiểu biết và không làm khó gì người đang đảm bảo "work ethics" trong công việc của mình.

Ở buổi chấm tốt nghiệp khóa Account Management cho AiM Academy vừa rồi, tôi nhận thấy có một tín hiệu "lấp lóe" mừng khi một nhóm phát biểu: Làm Account chúng ta phải có uy tín và đạo đức. Bạn ấy nói điều đó một cách hồn nhiên, nhưng rất thật. Đó chính là "work ethics". Đó chính là điều tôi muốn nghe, chứ không chỉ là làm Account là làm cái này cái kia; vững kỹ năng; "siêu" công cụ nọ... danh-dự sẽ giúp cho công việc của người làm Account được tôn trọng. Và danh-dự chỉ có trong điều kiện chúng ta không giao tiếp, làm việc với nhiều bộ mặt.

Với tôi, danh dự của nghề không đến từ bất cứ ai khác ngoài chính người làm-nghề.

Nguồn Zennie Trang Nguyen