[Nielsen] Xem video trực tuyến – thói quen thường nhật của người Việt

Hành vi “tiêu thụ” nội dung số của người tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây, và điều này đang tạo ra những cơ hội cho các thương hiệu trong việc gia tăng sự kết nối với người tiêu dùng.

Với mức độ sở hữu các thiết bị kết nối của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chủ động truy cập vào các dịch vụ nội dung số vào bất cứ khi nào và ở bất cứ nới đâu và bằng bất kỳ thiết bị nào, theo báo cáo mới nhất được công bố bởi Nielsen - công ty thông tin và đo lường toàn cầu.

Báo cáo về Xu Hướng Đa Nền Tảng tại Việt Nam 2015 của Nielsen (Nielsen Vietnam Cross-Platform Insights Report 2015), cung cấp một cái nhìn toàn diện về cách người Việt truy cập nội dung số như thế nào trong môi trường đa nền tảng hiện nay, từ đó giúp hiểu chi tiết hơn về mức độ tiêu thụ nội dung số trên các thiết bị kết nối. Các hiểu biết về cách NTD tiêu thụ thông tin số cũng như thời gian và địa điểm họ truy cập vào nội dung số sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra nội dung, quảng cáo, kế hoạch truyền thông và phân bổ ngân sách truyền thông tiếp thị để đạt được hiệu quả cao nhất.

Xem video trực tuyến đang trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người Việt

Lượng người xem video trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á ngày càng tăng mạnh. Và ở một số nước còn có sự tăng mạnh vượt trội. Báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến mỗi tuần, với 92% người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hàng tuần. Xem video trực tuyến này bao gồm cả việc xem video trực tuyến lẫn việc tải bất kỳ một video nào, không nhất thiết là một chương trình TV hay phim ảnh. Các quốc gia theo sau Việt Nam là Ấn Độ (87%), Philippines (85%), Indonesia (81%), Thái Lan (76%) và Malaysia (74%).

Tỉ lệ xem video mỗi ngày cũng có sự tang đáng kể qua từng năm. Báo cáo chỉ ra rằng, trong 4 năm vừa qua, tỉ lệ xem video trực tuyến mỗi ngày đã tăng chỉ từ 10% lên đến 64% trong số những người sử dụng internet tại Việt Nam.

[Để tải báo cáo đầy đủ, bấm vào đây]

“Nhờ vào sự phát triển của cơ sở hạ tầng công nghệ số tại Việt Nam mà thói quen xem video của người Việt đang thay đổi rất nhanh. Ngày nay, sự phát triển của các kênh video trực tuyến - nơi mà người dùng có thể tải hoặc xem trực tuyến - đang tạo ra vô vàn cơ hội cho người dùng để họ hoàn toàn chủ động điều chỉnh và lựa chọn những gì họ xem, xem ở đâu và xem lúc nào.” – theo quan sát của ông Đoàn Duy Khoa, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Người tiêu dùng, Nielsen Việt Nam. “Đối với khán giả, các nhà quảng cáo cũng như các nhà cung cấp nội dung số, sự hiểu biết sâu sắc không chỉ về việc người tiêu dùng đang thay đổi như thế nào mà còn là lý do tại sao họ lại thay đổi sẽ là một lợi thế mạnh mẽ.”

Buổi tối là giờ cao điểm

Video trực tuyến bắt đầu trở thành một lựa chọn ưu tiên trong khung giờ vàng buổi tối bên cạnh truyền hình truyền thống. Theo báo cáo, 8:00 – 10:00 tối chính là khung giờ vàng của người xem video trực tuyến.

“Để tận dụng được tốt nhất các nền tảng của video trực tuyến, các nhà quảng cáo và các nhà cung cấp nội dung số nên tập trung vào việc tối đa hóa lịch quảng cáo vào buổi tối, đặc biệt nên tận dụng các nền tảng video trực tuyến trên điện thoại – vì 90% người sử dụng internet tại Việt Nam có xu hướng tương tác với hai màn hình cùng lúc” – ông Khoa bổ sung.

Điện thoại thông minh & máy tính bảng đang dần là hai thiết bị được sử dụng nhiều nhất khi xem video trực tuyến

Xu hướng xem video trực tuyến trên điện thoại thông minh đang phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2015, 62% người sử dụng internet ở Việt Nam xem video trực tuyến trên điện thoại thông minh, so với con số 39% trong năm 2014. Tỉ lệ sử dụng máy tính bảng để xem video trực tuyến cũng tăng từ 15% trong năm 2014 lên 18% trong năm 2015.

Gần sáu trong mười người sử dụng internet tại Việt Nam (58%) vẫn tiếp tục xem video trực tuyến trên máy tính để bàn và laptop. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã sụt giảm mạnh qua từng năm, từ 91% năm 2014 xuống còn 58% trong năm 2015.

“Tốc độ truy cập internet nhanh hơn, cách thức phân phối video thông minh hơn và điện thoại thông minh công nghệ cao hơn sẽ tiếp tục giúp gia tăng mạnh mẽ trải nghiệm xem video trực tuyến trên thiết bị điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, vì mức độ sở hữu các thiết bị cũng tăng lên, nên việc xem nội dung số trên các thiết bị mới như tivi thông minh (connected/smart TV) cũng sẽ tăng theo. Trong 12 tháng tới tivi thông minh và máy tính bảng có thể sẽ tăng thị phần hơn nữa vì mức độ mong muốn sở hữu các thiết bị này đang có khuynh hướng tăng mạnh” – ông Khoa nhận xét.

[Để tải báo cáo đầy đủ, bấm vào đây]

Người Việt khao khát nội dung: từ phim ảnh, ca nhạc, phim truyền hình nước ngoài đến tin tức thời sự – đều là những thể loại yêu thích của người Việt

Ngay cả khi các kênh truyền hình truyền thống tiếp tục là nguồn nội dung quan trọng cho phim ảnh và đài truyền hình vẫn là các nhà sản xuất nội dung chính, thì việc xem trực tuyến các video thời lượng dài ngày càng trở nên phổ biến hơn trong số những người sử dụng internet tại Việt Nam. Phim ảnh là loại hình ‘video theo nhu cầu’ (VOD) được người Việt yêu thích và xem nhiều nhất. 97% người Việt được hỏi cho biết họ sử dụng dịch vụ chương trình ‘video theo nhu cầu’ để xem phim, kế đến là xem các chương trình giải trí (90%), các chương trình tin thức/thời sự từ các kênh truyền hình trong nước (89%), các chương trình ca nhạc/MV ca nhạc (87%), phim truyền hình nước ngoài (84%), các chương trình về phong cách sống (82%), phim truyền hình trong nước (81%) và các chương trình thể thao trong nước trên các kênh truyền hình trong nước (80%).

Tuy nhiên, đôi với những người thích xem các chương trình thời sự, các trận đấu thể thao nước ngoài và các chương trình phong cách sống thì họ cũng đồng thời thích xem trực tuyến các video với thời lượng ngắn hoặc các video chiếu lại các phần nổi bật nhất của những chương trình này.

Ông Khoa nhận định thêm rằng “Có hai sự thật mà luôn luôn đúng trong thời đại hiện nay: Nội dung luôn là điều tối quan trọng, và người tiêu dùng sẽ tiếp tục mong muốn hơn nữa được chủ động điều chỉnh và lựa chọn những gì họ xem và cách họ xem trực tuyến như thế nào. Các nhà cung cấp nào đáp ứng được các nhu cầu nêu trên của người tiêu dùng sẽ luôn có được lợi thế.”

Nguồn Nielsen