Kêu gọi lời giải cho “Cơn khát máu” của Việt Nam

Kêu gọi lời giải cho “Cơn khát máu” của Việt Nam

Việt Nam tự hào về cội nguồn trăm trứng gần gụi trong một đồng bào, về cái tình nỉ non mình dành cho nhau, tiếc gì một miếng cơm, giọt máu. Thế nhưng, ít ai biết rằng những chiến dịch hiến máu tình nguyện rầm rộ những năm qua chỉ thu về được 30% nhu cầu đặt ra, và gần 1 nửa trong số đó là những giọt máu được mua bằng 5 USD 100ml.

Đã có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời để kêu gọi hiến máu tình nguyện trên thế giới, nhưng ở bối cảnh Việt Nam, phần lớn các chiến dịch mang tính tuyên truyền và do các đơn vị nhà nước xây dựng và chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Là diễn đàn chuyên nghiệp và đầy cảm hứng của các bạn trẻ yêu Marketing, Young Marketers khao khát & không ngừng truyền cảm hứng và tiềm lực cho người trẻ Việt Nam thực hiện những dự án có ý nghĩa cho đất nước mình đang sống. Với sứ mệnh đó, nền tảng Young Marketers Initiatives ra đời.

Với dự án đầu tiên của mình, Young Marketers Initiatives tìm kiếm ý tưởng xuất sắc nhất của các bạn trẻ tài năng Việt Nam để cùng chúng tôi xây dựng một chương trình thay đổi cục diện hiến máu tình nguyện tại Việt Nam, ngay ở người trẻ, trước tiên ở 2 thành phố lớn Hồ Chí Minh và Hà Nội, trước khi nhân rộng hiệu quả đó đi xa hơn!

Young Marketers Initiatives

Dự án 1 – Thử thách kêu gọi hiến máu từ giới trẻ Hồ Chí Minh và Hà Nội

I. Tình trạng hiến máu tại Việt Nam

“Chí có 5% những người có thể hiến máu thực hiện việc đó” - Kristen Hatfield, tổ chức Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ.

“Và kêu gọi hiến máu tự nguyên còn khó khăn ở những nước đang phát triển như Việt Nam” - Phó giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện Huyết Học Việt Nam.

1. Nhu cầu: “cơn khát máu” của Việt Nam

Dân số Việt Nam hiện nay là khoảng 90 triệu người với diện tích 334,230 km2. Nhu cầu máu tại Việt Nam, theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 4 triệu lít / năm

Có 82 ngân hàng máu tại bệnh viện trên cả nước, và 100 bệnh viện lớn với dịch vụ truyền máu.

Trung bình mỗi năm chúng ta thu thập được 420,660 đơn vị máu, nghĩa là chỉ được 30% nhu cầu. Do đó, 70% nhu cầu vẫn chưa được đáp ứng.

*Theo nghiên cứu Nguồn máu Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Tiến sĩ Ngô Mạnh Quân, Giám đốc Viện Huyết học Việt Nam, Phó chủ nhiệm phòng Thu thập máu, viện Huyết học Việt Nam

Nguồn hiến máu tự nguyện là quan trọng nhất để đảm bảo nguồn máu đầy đủ, ổn định.

2. Nguồn cung: Nguồn máu Việt Nam

Có 3 nguồn máu chính: tự nguyện, gia đình và mua bán. Nguồn hiến máu tự nguyện là quan trọng nhất để đảm bảo nguồn máu đầy đủ, ổn định. Một chương trình hiến máu tình nguyện được xây dựng tốt sẽ giảm thiểu rủi ro bệnh lây truyền qua máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai.

Tại Việt Nam, nguồn tự nguyện chiếm 59%, mua bán chiếm 33% và gia đình chiếm 8%.

Phần lớn người cho máu được trả tiền là sinh viên hoặc người nghèo. Họ cho máu để nhận 10USD cho mỗi 250ml. Theo số liệu từ Viện Huyết học Việt Nam, 82% người hiến máu tình nguyện là sinh viên từ 18-35 tuổi đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học.

3. Trở ngại: Những thử thách thu thập nguồn máu tự nguyện

Như đã nói, Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại để tăng số lượng và phần trăm hiến máu tự nguyện.

Thứ nhất là phải tăng sự thấu hiểu, thái độ, hành động và niềm tin của mọi người về hiến máu tự nguyện. Theo nghiên cứu Kiến thức, Thái độ và Thực hiện tại Hà Nội và 2 tỉnh khác của WHO và Viện Huyết học Việt Nam, chỉ có 22.8% người được hỏi có kiến thức về quy trình hiến máu. Cụ thể, có những nguyên nhân như sau khiến họ không hiến máu tự nguyện:

  • 76% lo lắng về tác động đến sức khoẻ
  • 17.3% bị gia đình phản đối
  • 6.7% nghĩ rằng cho máu nghĩa là bán máu lấy tiền

Thứ hai là phải giảm số lượng người cho máu được trả tiền. Gần 1 nửa số người cho máu tại các địa phương được trả tiền cho việc đó. Mặc dù mức sống ở Việt Nam đang được nâng lên mỗi ngày, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh, nhưng rất nhiều người chỉ đồng ý cho máu khi được trả tiền. Dữ liệu của Viện Huyết học Việt Nam cho thấy số lượng người hiến máu lấy tiền trên cả nước đang tăng đáng kể. Do đó, Việt Nam cần phát triển chương trình Hiến máu tình nguyện nhanh hơn, mạnh hơn, giảm tỉ lệ hiến máu trả tiền.

Thứ ba là phải giảm bệnh lây truyền qua máu như viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét và đặc biệt là HIV/AIDS. Việt Nam là nước có tỉ lệ lây nhiễm viên gan B cao nhất thế giới, khoảng 15-20%. Viêm gan C, sốt rét, giang mai và đặc biệt là HIV đang tăng nhanh. Năm 2006, 5.4% máu hiến tình nguyện có kết quả dương tính với bệnh viêm gan B, 0.8% dương tính với viêm gan C và 0.26% dương tính với giang mai. Hiện nay, nhờ có sàng lọc trước khi hiến mà tỉ lệ dương tính với viêm gan đã giảm.

Rất ít trung tâm hiến máu có một đội thu thập chuyên nghiệp để vận hành và vận động cho chương trình. Sự thiếu thốn nhân lực này cần phải được chú ý và giải quyết.

Thứ tư là phải khẳng định vị thế của người vận động thu thập máu là một công việc chuyên nghiệp ở Việt Nam. Ở tầm quốc gia, chương trình hiến máu tình nguyện được tổ chức bởi MOH, hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học Việt Nam. Nhưng khi đưa về địa phương, chương trình này cần có sự liên kết nhịp nhàng giữa tổ chức y tế địa phương với đầy đủ chuyên môn với những đơn vị toàn quốc trên mới có thể đạt kết quả cao.

Rất ít trung tâm hiến máu có một đội thu thập chuyên nghiệp để vận hành và vận động cho chương trình. Hội Chữ thập đỏ không thể có đủ nhân lực để đưa về từng địa phương, sự thiếu thốn nhân lực này cần phải được chú ý và giải quyết.

4. Hỗ trợ: Tổ chức chính phủ và phi chính phủ

Cung cấp nguồn máu an toàn và đầy đủ là trách nghiệm của chính phủ và cần phải được liên kết với chính sách sức khoẻ quốc gia và cơ sở vật chất y tế. WHO cho rằng mỗi quốc gia cần xây dựng chính sách, hệ thống, quy trình y tế hợp lý để đảm bảo sự an toàn, chất lượng, dễ tiếp cận và kịp thời của nguồn máu, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Tất cả các hoạt động về hiến máu nên được kết nối trên toàn quốc để đảm bảo chuẩn mực chung, lợi thế quy mô, sự đồng nhất về chất lượng và an toàn, và quy trình truyền máu chuyên nghiệp nhất.

Để thay đổi kiến thức, thái độ và hành động của mọi người về hiến máu tình nguyện, rất nhiều hoạt động đã được tổ chức với sự đồng hành của MOH, hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học Việt Nam.

Ngày Hiến máu Quốc gia đã được tổ chức vào ngày 7 tháng 4 năm 2000 nhân ngày Sức khoẻ thế giới cho an toàn máu, ngày Hiến máu Thế giới đã được ấn định từ năm 2004 để tôn vinh những người hiến máu và vận động thêm nguồn máu để cứu người.

Rất nhiều mô hình tổ chức tuyển mộ và vận động hiến máu đã được xây dựng, như “Liên hiệp Tuổi trẻ Hiến máu” tại Hà Nội, với 2000 thành viên, “Câu lạc bộ 25” và “Ngày sinh nhật Hồng thứ 18 – Hiến máu Cứu đời” ở Huế và “Câu lạc bộ Hiến máu hiếm” ở Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mục tiêu chung quan trọng của các chương trình là tiến hành thu thập máu một cách hiệu quả ở tất cả tỉnh thành. Khẩu hiệu chính là “Hiến máu, Cứu đời – Hành động Vinh quang” và “Một lần nữa, hãy thể hiện trái tim tốt đẹp của bạn: Hiến máu, Cứu đời”

II. Thương hiệu: Young Marketers

Young Marketers là một nền tảng chuyên nghiệp và trải nghiệm về marketing được xây dựng từ tháng 4 năm 2013, bắt nguồn từ một ý tưởng CSR (Trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp) của Redder Advertising, với mục tiêu truyền lửa cho thế hệ người làm Marketing tiếp theo của Việt Nam về kiến thức, kĩ năng và các khả năng cần thiết khác để họ vươn ra tầm thế giới trong tương lai. Ở tầm rộng lớn hơn, Young Marketers khao khát được thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng, truyền lửa cho các bạn trẻ yêu Marketing với đam mê và khả năng marketing tham gia vào xây dựng và thực hiện những dự án có ý nghĩa, đem đến cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Trong năm 2015, sau gần 2 năm với những thành công bước đầu trong việc truyền lửa cho marketer trẻ của Việt Nam, YOUNG MARKETERS tung ra Young Marketers Initiatives – một nền tảng mới truyền cảm hứng, tìm kiếm và truyền lửa cho các dự án marketing trẻ, ấp ủ khát vọng làm cho con người và môi trường quanh mình trở nên tốt đẹp hơn (theo những tiêu chuẩn cơ bản hoặc định nghĩa của địa phương và thế giới về lĩnh vực cụ thể mà dự án nhắm đến)

Và với dự án đầu tiên của mình, Young Marketers Initiatives lựa chọn vấn đề hiến máu ở Việt Nam để hướng đến giải quyết.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin khác về Young Marketers tại trang thông tin của cộng đồng này hoặc tại www.brandsvietnam.comwww.youngmarketers.vn.

III. Thách thức của bạn

1. Dự án

Hướng đến truyền lửa cho thế thệ trẻ của Việt Nam thông qua một chiến dịch Marketing cộng đồng thực tế và ý nghĩa, dự kiến có sự cộng tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (sẽ được xác nhận sau), Young Marketers Initiatives sẽ xây dựng dự án đầu tiên kêu gọi hiến máu tự nguyện cho giới trẻ Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Với kinh phí 210,000,000 VND cho 1 chương trình dài 4 tuần từ 9/3/2015 đến 6/4/2015 (không bao gồm kinh phí tổ chức sự kiện hiến máu – dự kiến bao gồm 1 sự kiện tại Hồ Chí Minh và 1 sự kiện tại Hà Nội), là bộ phận Marketing của Young Marketers Initiatives, các thí sinh (*) hãy đề xuất một kế hoạch ấn tượng để đạt được mục tiêu của dự án.

Dự án này sẽ được hiện thực hoá, đem lại thay đổi ý nghĩa cho xã hội!

(*) Các thí sinh là các đội gồm 2 người Việt Nam sống tại Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, tuổi từ 18 đến 24.

2. Đối tượng mục tiêu

Họ là ai?

  • Sinh viên Việt Nam ở Hồ Chí Minh và Hà Nội tuổi từ 18-22
  • Năng động trên mạng xã hội phổ biến nhất cho giới trẻ Việt Nam (facebook), với khoảng 4,400,000 người (được ước tính vào 12/12/2014)
  • Chưa từng hiến máu
  • Năng động, quan tâm đến các vấn đề xã hội, sống lành mạnh

Hành vi của họ trên mạng xã hội nói trên:

  • Tham gia tích cực nhất vào thứ bảy và chủ nhật
  • Thời điểm nhiều người ghé thăm mạng này nhất mỗi ngày là từ 20:30 đến 21:30, tiếp theo đó là 10:30 đến 11:30
  • Hình ảnh là hình thức cập nhật thông tin được quan tâm nhất
  • Nội dung cập nhật càng mang tính cá nhân càng nhận được nhiều sự quan tâm. Họ thích thể hiện quan điểm cá nhân, kiến thức và thành tựu / niềm tự hào cá nhân với bạn bè và người khác và phản ứng tốt với loại hình status này từ người khác.

3. Mục tiêu

  • Tối thiểu 30% đối tượng mục tiêu biết đến dự án
  • 10,000 đối tượng mục tiêu tham gia hiến máu trong 1 sự kiện tại Hồ Chí Minh và 1 sự kiện tại Hà Nội với cách tổ chức đơn giản (so với 3000 người hiến máu trong Ngày hội Tình Nguyện Quốc gia tại Hà Nội năm 2014)
  • Củng cố tên tuổi thương hiệu Young Marketers, xây dựng độ nhận biết, yêu thích của đối tượng mục tiêu dành cho nền tảng mới, Young Marketers Initiatives.

4. Yêu cầu thực hiện

Mỗi đội phải xây dựng một kế hoạch để xuất dưới dạng file PDF không quá 7 slides bằng tiếng Anh (không bao gồm slide mở đầu, mục lục và cảm ơn) và gửi về email [email protected] trước 22:00 ngày thứ hai, 5 tháng 1 năm 2015

Kế hoạch đề xuất phải bao gồm:

  • Bối cảnh
  • Phân khúc đối tượng mục tiêu (nếu có)
  • Sự thật ngầm hiểu
  • Ý tưởng lớn với vai trò của Thương hiệu
  • Kế hoạch triển khai
  • Phân bổ kinh phí
  • Thời gian thực hiện cụ thể

Kế hoạch sẽ được đánh giá qua các tiêu chí:

  • Sự am hiểu vấn đề, thương hiệu & đối tượng mục tiêu (15%)
  • Tính hiệu quả (40%)
  • Tính sáng tạo (25%)
  • Tính khả thi, bao gồm sự phù hợp với ngân sách (20%)

5. Thời gian tiến hành

  • 15/12/2014 – Tung thách thức
  • 5/1/2015 – Nộp kế hoạch đề xuất
  • 10/1/2015 – Các thí sinh được chọn trình bày kế hoạch
  • 17/1/2015 – Các thí sinh bước vào chung kết trình bày kế hoạch
  • 18-31/1/2015 – Ý tưởng của đội thắng cuộc duy nhất sẽ được truyền lửa, củng cố và chỉnh sửa để phát triển thành kế hoạch cuối cùng bởi các chuyên gia của Young Marketers (anh Nguyễn Đình Toàn, Head of Marketing, Masan Beverage; chị Đặng Hoài An Head of Marketing, Shell Vietnam; anh Hùng Võ Managing Director, REDDER Advertising và 1 chuyên gia trong lĩnh vực y tế, hiến máu)
  • 1/2 - 7/3/2015 – Thống nhất kế hoạch cuối cùng với cácđối tác chính, các nhân vật có ảnh hưởng và thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết
  • 9/3/2015 – Tung chiến dịch chính thức
  • Tháng 4&5/2015 – Báo cáo và đánh giá

6. Tham khảo

IV. Quyền lợi của đội thắng cuộc

Đội thắng cuộc sẽ:

  • Có cơ hội được huấn luyện bởi và làm việc với những marketer hàng đầu Việt Nam – những người truyền lửa của Young Marketers
  • Có cơ hội học tập, xây dựng và phát triển một dự án có ý nghĩa cho xã hội
  • Tham gia hiện thực hoá kế hoạch
  • Được tham dự từ 2 đến 3 buổi chia sẻ quan trọng của Young Marketers Elite Development 2
  • Được nhận giấy chứng nhận của Young Marketers Initiatives
  • Nhận một chuyến du lịch nước ngoài đi Thái Lan trong 4 ngày 3 đêm trong tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2015 với trị giá 1,200USD cho 2 người trong đội

Đã có rất nhiều ý tưởng tuyệt vời để kêu gọi hiến máu trên thế giới, nhưng đặt trong bối cảnh Việt Nam, với giới hạn thời gian 1 tháng, kinh phí 150 triệu với KPI thách thức đây thực sự đòi hỏi những ý tưởng thật sự lớn, thật sự mạnh mẽ, những ý tưởng có khả năng “viral”, có khả năng kêu gọi hàng chục ngàn người tham gia một cách đơn giản…

Hãy thử lửa tài năng của bạn trong thách thức lớn này để đem lại thay đổi lớn lao, ý nghĩa cho chính đất nước bạn đã sống và lớn lên – để cùng nhau, chúng ta tìm ra ý tưởng đơn giản, có sức lan tỏa nhất.

Hãy tìm hiểu thật, hãy nghĩ thật, hãy làm thật! Đừng chỉ Like & Share nữa, các Young Marketers!

Young Marketers Initiatives – Empower marketing for a cause!

Brands Vietnam