Người trẻ và bài toán văn hóa dạy con của người Việt

Người trẻ và bài toán văn hóa dạy con của người Việt

Chị Hồ Viết Dương Hạ - Group Brand Manager – Mead Johnson Vietnam

Với 3 năm kinh nghiệm trong ngành hàng Chăm sóc Cá nhân với vai trò Marketing Manager, 9 năm kinh nghiệm ở ngành hàng dinh dưỡng nhi khoa qua nhiều công ty dẫn đầu như Vinamilk, Mead Johnson Nutrition, chị Dương Hạ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing và nhận nhiều giải thưởng về Sáng tạo hiệu quả các kênh đối thoại.

- -

Chỉ còn 10 ngày nữa thôi để các nhóm thí sinh tranh tài tại vòng loại cuộc thi Young Marketers 3 và không khí đang nóng dần lên khi vòng loại ở giai đoạn chạy nước rút này. Tiếp theo loạt bài bật mí giải đề - đồng hành cùng Young Marketers 3, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện cùng chị Hồ Viết Dương Hạ (Group Brand Manager – Mead Johnson Vietnam), một trong 15 thành viên Ban Giám Khảo vòng loại của Young Marketers để ghi nhận nhanh một số lưu ý & gợi ý quan trọng của chị cho các nhóm thí sinh.

* Chào chị Hạ, đầu tiên chị có thể chia sẻ cảm xúc khi lần đầu ở cương vị BGK cuộc thi Young Marekters – một cuộc thi khá đình đám dành cho các bạn trẻ đam mê Marketing?

Chị Hồ Viết Dương Hạ:

Chị đến với Young Marketers 3 cũng là một sự tình cờ. Cũng như đa số các anh chị khác, chị được truyền cảm hứng rất nhiều từ những điều mà Young Marketers 2 mùa trước và Elite Development Program mùa 1 đã làm được. Bản thân chị cũng rất muốn trở thành những người tiếp thêm sức mạnh cho các sinh viên trẻ đam mê Marketing, dám nghĩ dám làm. Tham dự Young Marketers mùa 3 lần này, chị hy vọng sẽ được cùng chia sẻ, thậm chí là cùng học hỏi với các bạn sinh viên và với các anh chị bạn bè khác trong ngành.

* Chị thấy đề vòng loại thế nào? Theo Brands Vietnam được biết, không ít BGK đã “thú nhận” là đề khó nhằn và cũng đang đau đầu tìm cách giải!

Chị Hồ Viết Dương Hạ:

Với nhiều năm làm việc trong ngành hàng dinh dưỡng nhi khoa tại các tập đoàn dinh dưỡng trong và ngoài nước, bên cạnh đó khi bản thân cũng là một người mẹ, tiếp cận đề bài này chị đặc biệt cảm thấy hào hứng với ý nghĩa nhân văn & giá trị thay đổi lớn mà đề bài muốn hướng đến. Tuy nhiên, với chị đây cũng là một đề bài rất khó vì các em đang đứng trước thách thức của một bài toán văn hóa dạy con, văn hóa giáo dục của quốc gia, thậm chí của khu vực chứ không đơn thuần chỉ là xây dựng một thương hiệu nào đó.

* Với đề bài thách thức như thế này, “bí kíp” mà chị sẽ bật mí cho các nhóm thí sinh là gì?

Chị Hồ Viết Dương Hạ:

Trong buổi trò chuyện này, chị sẽ nhấn mạnh phần phân khúc thị trường đối tượng mục tiêu (segmentation). Để bắt đầu giải đề này, đầu tiên chúng ta cần xác định phân khúc thị trường dựa trên đối tượng khách hàng mục tiêu của Shichida muốn nhắm đến. Chắc chắn sẽ không có kế hoạch Marketing nào hiệu quả khi chúng ta nhắm đến tất cả mọi người. Đây là một bài toán có nhiều cách giải, mỗi cách giải nhắm đến một nhóm đối tượng khác nhau. Theo ý kiến cá nhân của chị, chúng ta có thể chia đối tượng bố mẹ thành 2 nhóm chính dựa trên HÀNH VI quan tâm con cái của họ: là nhóm rất quan tâm đến con cái và nhóm chưa quan tâm nhiều đến con cái.

  • Nhóm 1 – Quan tâm đến con cái:
    • 1A. Quan tâm đến con cái và chịu ảnh hưởng của phương pháp giáo dục phương Tây: Nhóm phụ huynh này tôn trọng ý kiến riêng của con, cho con tự do phát triển, không chấp nhận việc roi vọt. Họ rất chịu khó tìm tòi, áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến. Nhưng việc tìm kiếm phương pháp nuôi con gặp nhiều trở ngại vì tại Việt Nam không dễ để tìm được những nguồn thông tin chính thức và đáng tin cậy. Thay vào đó là những thông tin “tự phát” từ diễn đàn và một vài website không chuyên.
    • 1B. Quan tâm đến con cái và lựa chọn phương pháp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại: Tuy không ủng hộ việc dùng bạo lực để răng dạy con trẻ nhưng có những thời điểm nhóm phụ huynh này lựa chọn việc roi vọt để mang đến kết quả nhanh. Cộng thêm tư tưởng“chẳng phải ông bà ta cũng cho roi, cho vọt thì ta mới nên người đó sao”, khiến họ không thực sự chủ động tìm tòi và áp dụng các phương pháp giáo dục con phù hợp hơn.
    • 1C. Quan tâm đến con nhưng bảo thủ: Nhóm phụ huynh này chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá giáo dục truyền thống “thương cho roi cho vọt”. Cũng vì một phần các phương pháp giáo dục khác khi áp dụng, kết quả không biểu hiện ngay lập tức, nên thậm chí họ còn nghi ngờ sự hiệu quả của các phương pháp ấy và càng có niềm tin tuyệt đối vào “roi”, vào “vọt”.

Với ngân sách 6 tỷ, đánh đến 6 thành phố nhằm thay đổi một hành vi không đơn giản này, việc lựa chọn đối tượng mục tiêu đúng là trọng yếu để giải được mục tiêu của Shichida.

  • Nhóm 2: Chưa quan tâm nhiều đến con cái vì nhiều lí do: bận rộn, đơn giản hóa việc nuôi con, ỷ lại vào ông bà và trường học…
    • 2A. Không quan tâm đến con cái vì bận rộn: Nhóm phụ huynh này chiếm số đông trong xã hội chúng ta ngày nay. Thời gian mưu sinh chiếm hết quỹ thời gian hàng ngày nên họ không sâu sát con cái và không có một định hướng, chiến lược rõ rệt trong việc nuôi dạy con. Việc phát sinh đến đâu thì giải quyết đến đó. Khi con cái không ngoan ngoãn, bực tức đỉnh điểm sẽ làm họ dễ tìm đến la mắng, roi vọt để áp đảo con
    • 2B. Không quan tâm con cái vì ỷ lại vào ông bà, trường học: Đây là nhóm rất thoải mái trong việc nuôi con, không đặt quá nặng trách nhiệm vào mình, nếu con không ngoan ngoãn, không đối thoại được thì sẽ nhờ đến người khác, hoặc đổ lỗi cho người khác. Chỉ nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, không tìm hiểu tận cùng của sự rắc rối để giải quyết tận gốc.

* Chiến lược dành cho những nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau này theo chị sẽ như thế nào, và theo chị, đâu là nhóm tiềm năng nhất?

Chị Hồ Viết Dương Hạ:

Dựa vào phân tích trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhóm 1B và 2A là nhóm tiềm năng nhất để có thể tác động đến việc thay đổi hành vi và thói quen giáo dục con trẻ của họ, thuyết phục họ áp dụng phương pháp giáo dục mới cho con cái để các bé được phát triển toàn diện một cách đúng đắn. Trong khi đó, nhóm 1A là nhóm tạo “halo effect”, là nhóm sẽ có tầm ảnh hưởng lên nhóm 1B, 2A về mức độ tin tưởng và động lực để áp dụng những phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp hơn việc roi vọt. Trong khi đó, nhóm 1C và nhóm 2B là những nhóm khó tác động. Theo ý kiến cá nhân của chị, trong thời gian đầu tiên của dự án, chúng ta có thể tạm gác lại việc tác động đến 2 nhóm này, chờ đến thời điểm khác, sau khi dự án đã tác động thành công đến 2 nhóm tiềm năng trên. Quan trọng là các bạn sau khi phân tích đào sâu tìm hiểu hành vi, insight của các nhóm và chọn ra nhóm mục tiêu tiềm năng nhất theo các bạn để đánh trong dự án này. Các bạn đặc biệt nhớ với ngân sách 6 tỷ, đánh đến 6 thành phố nhằm thay đổi một hành vi không đơn giản này, việc lựa chọn đối tượng mục tiêu đúng là trọng yếu để giải được mục tiêu của Shichida.

Nếu có thể, các bạn nên tìm kiếm thêm các số liệu chứng minh được market size của nhóm 1A, 1B, 2A trước khi triển khai bước tiếp theo. Có vậy thì lập luận bài của các bạn sẽ chặt chẽ và thuyết phục hơn.

* Insight là chìa khóa quan trọng cho bài giải, đồng thời cũng luôn khiến các nhóm thí sinh phải đau đầu. Chị có thể bật mí cách tìm chiếc chìa khóa vàng này?

Để phát triển ý tưởng cho chiến dịch, chúng ta cần đào sâu phân tích tâm lý người tiêu dùng (insight) của cả ba nhóm 1A, 1B và 2A để thấy được đâu là động lực chính (key motivator), cũng như đâu là rào cản lớn nhất (key barrier)

Chị Hồ Viết Dương Hạ:

Để phát triển ý tưởng cho chiến dịch, chúng ta cần đào sâu phân tích tâm lý người tiêu dùng (insight) của cả ba nhóm 1A, 1B và 2A để thấy được đâu là động lực chính (key motivator), cũng như đâu là rào cản lớn nhất (key barrier) trong việc thay đổi nhận thức và hành vi giáo dục con trẻ của họ.

Về động lực thì khá đơn giản vì mức độ tương đồng cao, bố mẹ nào mà không thương con, không muốn cho con mình ngoan ngoãn, nên người? Mặt khác, vì con cái đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Á Đông, dạy con tốt đánh dấu sự thành công to lớn của ba mẹ. Và ai lại không đau sau khi chính mình sử dụng bạo lực với con mình (dù mong muốn sâu thẳm trong lòng vẫn là để con mình nên người)? Cho nên, nếu có những phương pháp tiên tiến, có thể giúp họ dạy dỗ con cái nên người một cách đơn giản và hiểu quả, mà không phải áp dụng bạo lực, họ sẵn sàng hoan nghênh áp dụng!

Thế nhưng, nguyên nhân nào ngăn cản họ thay đổi nhận thức và hành vi? Phía dưới là những nhận định cơ bản của chị để chia sẻ với các bạn, các bạn chủ động tìm hiểu, phản biện & đào sâu hơn nhé – khi các bạn thật sự tìm được mấu chốt vấn đề, lúc đó các bạn mới tìm được một lời giải thỏa đáng:

  • Ở nhóm 1A: Họ rất chủ động tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn, tuy nhiên việc này mất rất nhiều thời gian và nỗ lực, trong khi đó kết quả lại không được hệ thống hoá một cách khoa học. Họ rất cần một nguồn thông tin quý giá và hệ thống bài bản để có thể áp dụng thuận tiện và dễ dàng hơn. Bản thân chị, đã từng có những thời gian chị phải rất mệt mỏi, thậm chí muốn đầu hàng các thông tin, kiến thức thu thập thì nhiều, nhưng hệ thống chúng lại và áp dụng một cách bài bản quả thật là một vấn đề rất nan giải.
  • Nhóm 1B - 1 trong 2 nhóm đối tượng chính chị đề nghị: Hậu quả của việc áp dụng bạo lực khi dạy dỗ con trẻ không xảy ra ngay lập tức, nhưng kết quả của bạo lực lại giúp cho bố mẹ giải quyết vấn đề trước mắt ngay lập tức (đứa bé sẽ SỢ và sẽ nghe theo lời của bố mẹ ngay tại thời điểm đó và có thể sẽ SỢ không dám lặp lại sai lầm trong tương lai). Nên các ông bố bà mẹ ở nhóm này không đủ kiên nhẫn để răn dạy con cái theo phương pháp phù hợp hơn, dẫu trong thâm tâm, họ biết là sử dụng bạo lực dạy dỗ con là không nên.

  • Nhóm 2A: Nuôi con là một trải nghiệm đẹp, là hạnh phúc cao nhất mà không phải người nào cũng có được. Thời gian con cần cha mẹ không kéo dài vì trẻ con ngày nay tự lập sớm. Vì vậy cha mẹ đừng đợi chờ gì nữa, nên dành thời gian để tận hưởng niềm hạnh phúc này. Những năm đầu đời là nền tảng cho trẻ phát triển về trí lực và thể lực mà vuột mất thời gian này, cha mẹ không thể làm gì để bù đắp được. Thời gian chăm con không tính bằng số lượng mà tính bằng chất lượng. Chỉ cần bớt 30 phút mỗi ngày cho Facebook hay cho báo mạng, cha mẹ cũng đã có thêm chút thời gian vun đắp tâm hồn và tính cách cho con mình. Nên khó khăn về thời gian sẽ không là rào cản để cha mẹ chăm con. Không hiểu con sẽ dẫn đến thiếu kiên nhẫn, la mắng, đòn roi dễ xảy ra nhưng chắc chắn không giúp trẻ con ngoan hơn, hiểu biết thêm. Đó sẽ là dấu ấn rất tiêu cực khiến cho cha mẹ và con cái càng xa cách nhau hơn.

* Vậy trong bức tranh phân tích tâm lý trên, câu hỏi đặt ra là Shichida có liên quan gì đến vấn đề bạo lực gia đình? Tại sao phải là Shichida mà không phải là thương hiệu khác? Lợi ích gì khiến cho các ông bố bà mẹ phải đăng ký khoá học giáo dục con trẻ của Shichida?

Chị Hồ Viết Dương Hạ:

Đây là một “cái bẫy” của đề bài mà các nhóm thí sinh dễ dàng mắc phải nếu không đọc kĩ đề, không hiểu mấu chốt cần giải của đề bài. Chúng ta – Viện Shichida – đang mong muốn giải quyết bài toán thay đổi nhận thức và hành vi nhằm giảm bớt việc áp dụng phương pháp bạo lực trong việc dạy dỗ con cái, thay vào đó là những phương pháp tiến tiến, phù hợp của Shichida. Chứ chúng ta không đơn giản đi giải quyết vấn đề chống bạo hành gia đình các bạn nhé.

* Tìm ra ý tưởng và xây dựng kế hoạch là một chuyện, nhưng kế hoạch đó có thực thi và hiệu quả hay không lại là chuyện khác. Chị có lưu ý nào cho các nhóm thí sinh về vấn đề này không?

Chị Hồ Viết Dương Hạ:

Sau khi đặt tất cả các kết quả phân tích lên bàn, các bạn cần một lần nữa nhìn lại bài toán của chúng ta, về mục tiêu kinh doanh, mục tiêu marketing, để có thể đưa ra các phương án triển khai nhằm đặt được các mục tiêu chung. Các bạn cần trả lời ít nhất 4 câu hỏi dưới đây để iểm tra lại bài làm của mình:

  • Làm sao để đánh một đòn thật mạnh vào tâm lý mang tầm văn hoá giáo dục hiện tại trong tâm trí các bậc cha mẹ “thương cho roi cho vọt”, phải làm sao cho các bậc cha mẹ nhận ra rằng, phương pháp đó không những không phù hợp mà còn gây những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thể xác lẫn tâm hồn chính các đứa con của họ sau này?
  • Làm thế nào dẫn đến nhu cầu các ông bố bà mẹ cần phải thay đổi NGAY suy nghĩ và hành động trong việc áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp hơn cho các con?
  • Làm sao để các ông bố bà mẹ chủ động tìm hiểu thông tin các khoá học của Viện Shichida và đăng ký tham gia?
  • Làm sao để các ông bố bà mẹ hiểu rằng có nhiều phương pháp dạy con từ Viện Shichida, phù hợp với đối tượng có thời gian lẫn ít thời gian (vd: học online, hàng quí/ hàng năm off-line 1 lần…)?

Và chị cũng thấy rõ Young Marketers đã đưa ra vừa là những câu hỏi kiểm tra vừa là những tiêu chí đánh giá rất rõ ràng, rất chuyên nghiệp để định hướng các bạn khi làm bài, các bạn nhớ tham khảo kỹ nhé.

Và cuối cùng, đừng quên tham khảo, học hỏi những phương pháp giáo dục con trẻ khác trên thế giới, ví dụ như Glenn Domain ở Mỹ và Montessori của Ý... Phân tích những điểm phù hợp, không phù hợp với văn hoá giáo dục của Việt Nam, từ đó làm nổi bật sự khác biệt của phương pháp giáo dục của Viện Shichida để nhấn mạnh và kêu gọi đối tượng khách hàng mục tiêu tìm hiểu và đăng ký học. Phần này sẽ làm cho bài của các bạn trở nên phong phú và chuyên sâu hơn, có thể gây ấn tượng rất tốt với BGK!

Chúng ta đang giải quyết bài toán thay đổi nhận thức và hành vi nhằm giảm bớt việc áp dụng phương pháp bạo lực trong việc dạy dỗ con cái, chứ chúng ta không đơn giản đi giải quyết vấn đề chống bạo hành gia đình.

Chị đang rất hồi hộp, rất mong đợi đến ngày 11/10 để được chấm bài, được xem những kế hoạch thật xuất sắc và sáng tạo của các bạn – những idea thật sự có thể tạo ra SỰ THAY ĐỔI!

- -

Có lẽ phần chia sẻ này với chị Hồ Viết Dương Hạ là “chiếc phao” khá đắt lực giúp các nhóm thí sinh xác định được chiến lược tiếp cận cũng như các phương án triển khai để giải đề bài khó nhằn này. Cùng Brands Vietnam chờ đón những bài dự thi xuất sắc nhất trong vòng loại cam go của Young Marketers 3 nhé!

Young Marketers – Empower the next marketing generation

Cuộc thi do REDDER Advertising tổ chức, với BRANDS Vietnam là đối tác truyền thông.

Chương trình nhận được sự đồng hành & tài trợ độc quyền của Microsoft Mobile Devices/ Nokia Vietnam:
“Microsoft Mobile Devices là một đơn vị kinh doanh trực thuộc Microsoft và trực tiếp quản lý dòng sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) mang nhãn hiệu Lumia nổi tiếng trên toàn thế giới và dòng sản phẩm điện thoại phổ thông mang nhãn hiệu Nokia. Sứ mạng của Microsoft Mobile Devices là mang trải nghiệm điện thoại thông minh và internet đến ngày càng nhiều người dùng, thông qua đó tiếp bước cho họ vươn đến những ước mơ và khát vọng của mình trong cuộc sống”

Để biết thêm thông tin hoặc giải đáp thắc mắc liên quan đến cuộc thi, xin liên hệ BTC qua:
- Email: [email protected]
- Facebook: www.facebook.com/youngmarketersvn
- Website: www.youngmarketers.vn

Brands Vietnam