Đề thi tốt nghiệp Young Marketers Elite Development Program (Khoá 1, 2013-2014)

Đề thi tốt nghiệp Young Marketers Elite Development Program (Khoá 1, 2013-2014)

Có một sự thật là, chúng ta thường tỏ vẻ quan tâm đến người khuyết tật, nhưng khát khao lớn nhất của chính những người khuyết tật, lại là mong muốn được đối xử như một người bình thường. Vận động viên khuyết tật Jamie Paolinetti từng chia sẻ: “Giới hạn chỉ sống trong tâm trí bạn”, nhưng giới hạn trong tâm trí bạn thì có thể vượt qua bởi ý chí quật cường của bản thân. Còn đối với giới hạn do định kiến của những người xung quanh vạch ra cho bạn, thì sự thay đổi phải được bắt nguồn từ chính cội rễ của nó, nghĩa là từ sự thấu hiểu của xã hội.

Đánh vào “Tội lỗi lớn nhất của loài người: định kiến” (David Copperfield) nhưng mang tính thực tiễn thương mại, đề thi tốt nghiệp của Young Marketers Elite Development khóa đầu tiên là một thách thức không nhỏ cho 15 marketer trẻ của chúng ta. Đề thi được kì vọng sẽ thử thách các Eliter tất cả các kiến thức trong hơn nửa năm học tập, tạo nên các sản phẩm/dịch vụ có tính ứng dụng cao, thay đổi suy nghĩ, xóa nhòa đi khoảng cách giữa người khuyết tật và cộng đồng. Hãy cùng lật qua 9 trang của đề thi kỉ lục dài nhất, khó nhất trong lịch sử Young Marketers & chờ đợi phần giải quyết của các học viên Young Marketers Elite Development khóa đầu tiên vào 8:00-12:00 sáng 16/8 tới.

A. Tóm tắt tình huống

Theo International Labor Organization, năm 2012, Việt Nam có đến 15% dân số là người khuyết tật, và việc hạn chế tiếp nhận người khuyết tật vào thị trường lao động đã khiến nước ta mất khoảng 3% GDP mỗi năm – ngoài ra còn mang nhiều tác động tiêu cực khác về mặt nhân văn.

Không chỉ phải chịu đựng sự kỳ thị trong thị trường lao động, người khuyết tật còn gánh chịu những thái độ chưa đúng đắn từ cộng đồng. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) vào năm 2007, tại Việt Nam, 99% cộng đồng thấy người khuyết tật là ĐÁNG THƯƠNG, và gần 60% cho rằng người khuyết tật KHÔNG THỂ CÓ CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG. Hơn thế nữa, người khuyết tật còn phải chịu sự phân biệt đối xử từ chính những người thân trong gia đình mình: 40% thân nhân người khuyết tật xem họ là GÁNH NẶNG SUỐT CUỘC ĐỜI, 20,7% coi họ là VÔ DỤNG, và 16,4% có thái độ COI THƯỜNG rõ rệt.

Vậy như thế nào được định nghĩa là khuyết tật?

Ngày 17-6-2010, Quốc hội Việt Nam đã chính thức sử dụng cụm từ người khuyết tật thay cho người tàn tật trong bộ Luật Người Khuyết Tật cũng như trong các bộ luật ban hành có liên quan.

Điều 2 Bộ luật định nghĩa rằng: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

“Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

Với định nghĩa này, ta thấy được người khuyết tật vẫn hoàn toàn có khả năng lao động/ sinh hoạt, tuy có khó khăn hơn người không khuyết tật nhưng không được định nghĩa là “không thể có cuộc sống bình thường”. Và điều đó đồng nghĩa với việc người khuyết tật cần được đối xử công bằng trong xã hội, với những quyền và nghĩa vụ rõ rệt như những công dân khác.

Chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về người khuyết tật của International Labour Organization tại Geneva, bà Barbara Murray, cho biết: “Rất cần phải gỡ bỏ mọi rào cản đối với người khuyết tật. Điều đó không chỉ giúp ích những cá nhân đó và gia đình của họ mà còn mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.”

Theo bà Murray, người khuyết tật luôn cố gắng thể hiện khát vọng làm việc và năng lực làm việc để đóng góp một cách hiệu quả cho thị trường lao động cũng như xã hội. Thế nhưng, rất nhiều người trong số họ gặp rào cản và không thể thực hiện được điều này, khiến họ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Từ đó người khuyết tật dễ dẫn đến tự ti và mặc cảm về bản thân. Còn đối với xã hội: “Đây quả thật là một sự lãng phí nguồn lực” bà Murray nhận định.

Người khuyết tật, họ nghĩ gì?

Vì không được xã hội chấp nhận, đa phần người khuyết tật phải tự vươn lên. Họ không chỉ chiến đấu vượt qua khiếm khuyết của mình, mà còn phải chống lại những định kiến của xã hội, đó chính là lý do khiến anh Nguyễn Tuấn Linh, người khiếm thính 37 tuổi cho biết: “Thực sự vất vả bởi những người bình thường cố gắng một thì chúng tôi phải cố gắng gấp 3 đến 5 lần họ”. Với những nỗ lực phi thường của bản thân, anh là người khiếm thính duy nhất ở phía Bắc có bằng Cao đẳng sư phạm. Người đàn ông quê Hải Phòng này hiện đang là giáo viên cho các học sinh khiếm thính lớp 7 và lớp 8 tại trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Tuy nhiên, không phải trường hợp người khuyết tật nào cũng có thể vượt qua cuộc chiến ấy, chị Oanh – một người khuyết tật gần như tuyệt vọng sau hơn 20 lần xin việc thất bại – cho rằng điều quan trọng nhất với những người khuyết tật như chị chính là được xã hội tin tưởng và tạo cơ hội. “Đã đến lúc thay đổi thái độ của xã hội đối với người khuyết tật chúng tôi!” chị nói.

Điều quan trọng nhất với những người khuyết tật chính là được xã hội tin tưởng và tạo cơ hội.

Tờ tin Yume cũng đã từng nêu lên góc nhìn trước vấn đề này:

“Bạn nghĩ rằng điều mà những người khuyết tật cần nhất là gì?

Là sự ngưỡng mộ, thán phục mà bạn giành cho họ? Là những món quà mà bạn tặng mỗi dịp lễ tết? Bạn đã bao giờ nghĩ điều họ cần từ bạn chỉ là một thái độ bình thường, một cái nhìn sẻ chia khi thấy họ trên phố? Đó sẽ là một món quà vô giá đối với họ, họ sẽ thấy rằng xã hội đang có cái nhìn thay đổi đối với họ, công nhận họ là một thành viên trong đó và đang dần có những công bằng trong đối xử. Người khuyết tật vẫn luôn cần sự sẻ chia, đồng cảm nhưng không phải là sự sẻ chia theo lối hiếu kì, tò mò... Không chỉ những người khuyết tật tài năng mới đáng để ta khâm phục mà ngay cả những người yếu về sức khỏe mà họ luôn cố gắng để sống tốt, có ích cũng đã là một tấm gương sáng để ta học tập, cảm phục rồi.

Họ cần những đôi tay đưa ra thật sự để họ bám chắc vào chứ không phải là những lời nói suông, những cái nhìn tỏ ra thương cảm, tội nghiệp. Nghị lực sống luôn tiềm tàng trong mỗi người và đối với người khuyết tật thì điều ấy càng quan trọng hơn và sẽ được thổi bùng hơn khi có sự đồng cảm, sẻ chia chân thành của mọi người. Và một điều quan trọng nữa là việc làm thiết thực của bạn để giúp họ có được cuộc sống bình thường và một công việc có ích. Xin đừng chỉ nói "Tôi rất thương bạn" mà hãy hành động để chứng tỏ cho tình thương ấy là chân thành, là thật sự!”

Hãy hành động, nhưng như thế nào?

Trên thế giới, đã có rất nhiều tổ chức hành động với động cơ mang đến SỰ TIẾP CẬN cho người khuyết tật (1), đây chính là một trong những giải pháp nền tảng nhất để mang lại cho họ quyền bình đẳng trong xã hội.

Theo Bộ Luật Người khuyết tật Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 định nghĩa: "Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng.”

Chính SỰ TIẾP CẬN này sẽ giúp người khuyết tật sinh hoạt và làm việc gần như/ hoàn toàn như người bình thường. Từ đó họ sẽ dễ dàng hòa nhập, trở thành một phần của xã hội. SỰ TIẾP CẬN ở Việt Nam thường được biết đến như các hỗ trợ ở nơi công cộng (như làn đường riêng, thang máy riêng, nhà vệ sinh riêng,… cho người khuyết tật), ngoài ra khái niệm này có thể mở rộng đến sản phẩm hỗ trợ tiếp cận công nghệ thông tin, tiếp cận cuộc sống bình thường, hỗ trợ tiếp cận lao động (như bàn phím chữ nổi và phần mềm phát tín hiệu âm thanh để người mù sử dụng máy tính, như bút thân to để người khuyết tật dễ cầm viết, như ly uống nước được thiết kế riêng để người khuyết tật có thể tự sử dụng, hoặc bàn ghế thiết kế riêng,…)

Không chỉ là sản phẩm, SỰ TIẾP CẬN có thể là dịch vụ như dịch vụ tư vấn cho người thân / nhà trường để hiểu cách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận tốt hơn; dịch vụ đào tạo kỹ năng sử dụng các công cụ hỗ trợ sự tiếp cận;…

Những khái niệm sản phẩm / dịch vụ về SỰ TIẾP CẬN của người khuyết tật đã không còn xa lạ ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam vẫn còn nhiều mới mẻ. Đã đến lúc hành động để hỗ trợ hơn 13 triệu người khuyết tật tại Việt Nam có được cuộc sống bình thường!

B. Đối thủ

Ở Việt Nam, hiện chưa có công ty kinh doanh chuyên biệt các sản phẩm/ dịch vụ hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật. Chỉ có những đơn vị/ đại lý y tế kinh doanh các loại hình sản phẩm: xe lăn xe lắc, sách chữ nổi, sách nói,… nhưng nhìn chung còn tự phát và nhỏ lẻ.

Ngay cả các hiệp hội / tổ chức về người khuyết tật cũng không cung cấp các sản phẩm / dịch vụ này, và cũng chia sẻ ở Việt Nam các sản phẩm/ dịch vụ hỗ trợ tiếp cận này chưa phổ biến, thường phải đặt hàng từ nước ngoài với chi phí rất cao.

Tuy nhiên, cũng có thể nhắc đến DRD – Trung tâm Khuyết tật và Phát triển và Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam với một số dịch vụ tư vấn cho người khuyết tật về kỹ năng sống và việc làm, hoặc một số tư vấn khác như bên dưới, nhưng nhìn chung không có những loại hình tư vấn cho đối tượng là người thân của người khuyết tật:

  • Tư vấn pháp luật / hỗ trợ tiếp cận tư pháp: quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật
  • Tư vấn hỗ trợ: tư vấn về điều kiện/ tình trạng khuyết tật để nhận hỗ trợ của nhà nước
  • Đào tạo/ hướng dẫn các kỹ năng trong công việc (kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng trình bày, kiến thức kinh doanh,...), định hướng nghề nghiệp,...
  • Tập huấn các kỹ năng sống: kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng nói chuyện trước đám đông
  • Tập huấn "Kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật" cho sinh viên, tình nguyện viên, nhân viên đang làm việc tại các tổ chức xã hội. Chương trình do dự án “Sống độc lập” tổ chức dưới sự tài trợ của Nippon Foundation và Hiệp hội Chăm sóc Con người Nhật Bản (Human Care Association).

(Tham khảo: Trang web chính thứcFacebook của DRD)

C. Về Công ty

ABC Việt Nam là một công ty mới thành lập nhưng có thế mạnh về thương mại điện tử, xuất nhập khẩu, và tư vấn nhân sự, lại có am hiểu sâu sắc về người khuyết tật. Vì thế, trước thực trạng nói trên, công ty ABC Việt Nam muốn cho ra đời một nền tảng giải pháp giá trị bao gồm những sản phẩm hoặc dịch vụ hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật để giúp họ có thể làm việc/ sinh hoạt hoàn toàn hoặc gần như bình thường.

Sứ mệnh của công ty ABC Việt Nam là “Xây dựng hành trang hỗ trợ cho người khuyết tật để họ có được quyền bình đẳng nhằm dễ dàng hòa nhập như một công dân bình thường và phá bỏ rào cản bản thân cũng như rào cản định kiến trong xã hội.”

“Xây dựng hành trang hỗ trợ cho người khuyết tật để họ có được quyền bình đẳng nhằm dễ dàng hòa nhập như một công dân bình thường, phá bỏ rào cản bản thân cũng như định kiến trong xã hội.”

D. Về Dự án

ABC Việt Nam muốn thực hiện dự án kinh doanh này với:

  • Nền tảng / Tài sản kinh doanh: Sản phẩm hoặc Dịch vụ hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật
  • Quy mô: Việt Nam (tập trung chủ yếu ở tỉnh thành lớn)
  • Đối tượng người tiêu thụ chính yếu và thu hút trong thời gian đầu (early adopter) là nhóm người khuyết tật vận động (2), sau đó mở rộng ra các nhóm khuyết tật khác, như khuyết tật cơ quan thu nhận cảm giác, khuyết tật về nhận thức, khuyết tật về ngôn ngữ (3).
  • Đối tượng người mua sắm chính yếu là: Người thân của người khuyết tật *

Lưu ý:

Người khuyết tật ở Việt Nam ít có cơ hội tiếp cận internet/ môi trường bên ngoài nên không tiện trực tiếp mua sắm những sản phẩm/ dịch vụ trên. Vì thế, đối tượng tiếp cận chính/ đối tượng mua sắm (“shopper”, để phân biệt với “end user” là người khuyết tật) nên là thân nhân của người khuyết tật – những người hơn ai hết mong muốn người thân của mình có cuộc sống bình thường, hòa nhập cộng đồng và cống hiến cho gia đình/ xã hội.

E. Đối tượng mục tiêu

Hiểu cơ bản về người mua sắm (shopper) – mục tiêu chủ động

Nhóm đối tượng:

  • Người thân của người khuyết tật
  • Thu nhập ABC
  • Sống ở các thành phố lớn tại Việt Nam

Đối tượng mua sắm chủ yếu là người thân của người khuyết tật và nhà trường - những người thật sự quan tâm đến đời sống sinh hoạt / khả năng lao động của người khuyết tật.

Trích bài báo “Nhọc nhằn người khuyết tật Việt Nam”, tác giả Hương Vũ có nói: “Đa số các bà mẹ khi được phỏng vấn đều thừa nhận: sau ca vượt cạn đầy đau đớn mỏi mệt, hành động đầu tiên họ quan tâm là biết chắc đứa bé được bình thường khỏe mạnh. Điều đó rất quan trọng, vì tại Việt Nam, sinh ra một em bé khuyết tật đồng nghĩa với cuộc sống cả gia đình sẽ bị đảo lộn trong gang tấc.” Không chỉ người khuyết tật phải vật lộn với những rào cản định kiến của xã hội, mà cả những người thân trong gia đình của họ cũng phải chiến đấu cho cuộc chiến định kiến này.

Theo ISDS – Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tỉ lệ thân nhân bỏ rơi người khuyết tật là 7%. Con số này cho thấy Việt Nam vốn là đất nước có văn hóa yêu thương, đùm bọc trong gia đình, người thân của người khuyết tật không chọn cách bỏ rơi con em mình, nhưng hơn ai hết, họ là những người mong muốn con em mình có cuộc sống bình thường như bao người khác. Và họ là đối tượng chính quan tâm đến sản phẩm/ dịch vụ hỗ trợ sự tiếp cận cho người khuyết tật.

Hiểu cơ bản về người sử dụng (consumer/ end-user) – mục tiêu thụ động

Tỷ lệ người khuyết tật chung cả nước Việt Nam là 15.3%. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Đông Nam Bộ, thấp nhất là Tây Bắc. Tỷ lệ người khuyết tật khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (17,8% so với 14,4%).

Tỷ lệ người khuyết tật nữ cao hơn nam (16,58% so với 13,69%) lý do được đưa ra là nhóm dân số nữ cao tuổi chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với nhóm dân số cao tuổi là nam giới (theo Wikipedia).

Đối tượng này thường cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình/ xã hội, thường bị kỳ thị bởi những khác biệt của mình. Từ đó họ ít giao tiếp và có cuộc sống mặc cảm/ tách biệt. Họ có nhu cầu lớn được là một phần của xã hội, được công nhận năng lực thực sự.

F. Thách thức

Sản phẩm/ dịch vụ hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật là hình thức còn quá mới mẻ và xa lạ ở Việt Nam, có thể khó tiếp cận/ thuyết phục khách hàng mục tiêu.

Chi phí cho những sản phẩm/ dịch vụ này là không nhỏ, sẽ là thách thức khi tiếp cận thị trường của một nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt hơn nữa khi phần lớn người khuyết tật có hoàn cảnh gia đình khó khăn (4).

G. Yêu cầu công việc

Giả định bạn là Giám đốc Marketing của ABC Việt Nam, hãy xây dựng kế hoạch Marketing 3 năm để phát triển:

Đề 1: SẢN PHẨM HỖ TRỢ TIẾP CẬN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Có thể là những sản phẩm cụ thể để hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật, giúp họ không chỉ có cuộc sống bình thường mà còn tìm được việc làm.

Đề 2: DỊCH VỤ HỖ TRỢ TIẾP CẬN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Có thể là những dịch vụ tư vấn hỗ trợ người thân người khuyết tật trong việc đối xử, chăm sóc, hướng dẫn người khuyết tật; dịch vụ định hướng/ dạy kỹ năng/ đào tạo sử dụng công cụ hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật.

(xem thêm ở phần Tham Khảo để tìm hiểu những sản phẩm/ dịch vụ đã có trên thế giới)

Kế hoạch phải bao gồm cả phát triển sản phẩm/ dịch vụ và thương hiệu cũng như kế hoạch tung sản phẩm/ dịch vụ từ tháng 09/2014, với ngân sách tiếp thị 60 tỷ đồng trong 3 năm.

Kế hoạch phải làm rõ Bối cảnh dự án; phân tích sâu về Hành vi và sự thật ngầm hiểu của người mua sắm và người sử dụng; phân tích Thị trường/ tiềm năng thị trường cho sản phẩm/ dịch vụ này ở Việt Nam; phân tích Kênh bán hàng; đề xuất Ý tưởng lớn;…

H. Mục tiêu Dự án

Về ý nghĩa kinh doanh

Trong năm đầu tiên, 50% đối tượng mục tiêu chính nhận biết thương hiệu - 30% sử dụng thử nghiệm.

Sau 3 năm:

  • 30% đối tượng mục tiêu chính trở thành khách hàng trung thành - 50% có mức độ mua sắm thường xuyên (ít nhất 3 lần/ năm)
  • Xây dựng thương hiệu thành “Top Of Mind” trong ngành hàng sản phẩm / dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.
  • Làm chủ platform: “Quyền bình đẳng của người khuyết tật”
  • Đạt được doanh số trung bình 100 tỉ VND / năm đối với dịch vụ, 150 tỉ VND / năm đối với sản phẩm.

Về ý nghĩa xã hội

Sau 3 năm, thay đổi tích cực cho xã hội:

  • Mang đến khái niệm mới về quyền bình đẳng của người khuyết tật, giảm tỉ lệ định kiến tiêu cực từ 60% còn 40%. Khiến những người xung quanh đối xử với người khuyết tật công bằng.
  • Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở người khuyết tật từ 30% còn 25%, góp phần tăng GDP quốc gia.

I. Lưu ý thực hiện

Các nhóm phải thực hiện bài trình bày dưới định dạng PDF không quá 60 slides, nộp về cho BTC qua email [email protected] trước 13:00 ngày 15/08/2013.

Buổi trình bày tốt nghiệp diễn ra vào ngày 16/08/2014 (từ 08:00 đến 12:00) tại khách sạn GRAND Hotel, các nhóm sẽ trình bày trong 20 phút, sau đó trả lời chất vấn của BGK trong 15 phút, để giành được điểm số của BGK theo thang:

  • Thể hiện sự am hiểu đối tượng mục tiêu và tính chất của sản phẩm / dịch vụ / ngành hàng (20 điểm)
  • Đạt được mục tiêu dự án (35 điểm)
  • Phát triển ý tưởng sáng tạo (20 điểm)
  • Đảm bảo tính khả thi (15 điểm)
  • Trình bày xuất sắc (10 điểm)

Bài trình bày cần có tối thiểu các phần cơ bản sau:

  • Phân tích bối cảnh & mục tiêu
  • Phân khúc và xác định đối tượng mục tiêu
  • Sự thật (ngầm hiểu) của nhóm đối tượng mục tiêu và liên quan
  • Phát triển thương hiệu dựa trên sự thấu hiểu cốt lõi ngành hàng / thương hiệu / người tiêu dùng
  • Phát triển sản phẩm / dòng sản phẩm (hoặc dịch vụ/ dòng dịch vụ)
  • Kế hoạch Marketing tổng quát (3 năm)
  • Kế hoạch tung sản phẩm / dịch vụ
  • Ý tưởng lớn
  • Chiến lược triển khai
  • Cách thức đánh giá, theo dõi kết quả
  • Thời gian, kinh phí

J. Tham khảo

Một số hình thức kinh doanh sản phẩm / dịch vụ hỗ trợ tiếp cận cho người khuyết tật hoặc chương trình có liên quan:

Chú thích:

1 – Sự tiếp cận cho người khuyết tật – tiếng Anh là Accessibility for People with Disabilities/ Disability Access là một khái niệm Quốc tế, được Wiki định nghĩa: “Accessibility is the degree to which a product, device, service, or environment is available to as many people as possible. Accessibility can be viewed as the "ability to access" and benefit from some system or entity. The concept often focuses on people with disabilities or special needs (such as the Convention on the Rights of Persons with Disabilities) and their right of access, enabling the use of assistive technology.”

Tìm hiểu thêm về khái niệm này tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Accessibility

2, 3 – Tên gọi các khuyết tật được phân loại theo bộ phận / chức năng:

  • Khuyết tật vận động: Do bị tổn thương các cơ quan vận động : tay chân, cột sống gây khó khăn trong cầm nắm, đi lại, di chuyển, nằm, ngồi, đi, đứng .
  • Khuyết tật cơ quan thu nhận cảm giác: chỉ sự suy giảm hay mất khả năng cảm giác (như thị giác – khiếm thị, thính giác – khiếm thính,…)
  • Khuyết tật về nhận thức: Chỉ sự suy giảm năng lực nhận thức, không thích nghi với các hoạt động xã hội, chỉ số thông minh thấp, xảy ra trước tuổi trưởng thành, khó chữa trị.
  • Khuyết tật về ngôn ngữ: Do bị tật ở cơ quan tiếp nhận chỉ huy ngôn ngữ vùng não và tổn thương của bộ phận phát âm làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp.

4 – Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, năm 2010, Việt Nam có tới 80% người khuyết tật ở thành thị và 70% người khuyết tật ở nông thôn sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội; 32,5% thuộc diện nghèo (cao gấp hai lần so với tỷ lệ nghèo chung cùng thời điểm), 24% ở nhà tạm.

Hết.

Brands Vietnam