Sự sụp đổ của BlackBerry - Phần 1: Waterloo run rẩy

Sự sụp đổ của BlackBerry - Phần 1: Waterloo run rẩy

Research In Motion (RIM), hãng di động từng là kẻ tiên phong trong lĩnh vực wireless email, giờ đây đã không còn đứng trên đỉnh vinh quang trong thị trường điện thoại thông minh. Với Android, iOS, và thậm chí Windows Phone đang dần chiếm lĩnh thị phần, hãng di động có trụ sở tại Waterloo, Ontario đang dần chìm trong cuộc chiến để thích nghi. Năm vừa qua là một chặng đường đầy chông gai và cũng là một bước ngoặt với RIM - một tập đoàn từng được nhìn nhận là sáng tạo và luôn đổi mới. Nhưng đó cũng có thể là sự bắt đầu... cho đoạn kết của RIM.

"Research In Motion", giờ đã sắp thành "Research, no Motion".

Tháng 4 vừa rồi, Mike Lazaridis đang ngồi trong một studio của đài BBC, nắm trong tay tương lai của cả công ty mà mình đang lãnh đạo: Một chiếc tablet 7-inch, mỏng và có màu đen, với dòng chữ "BlackBerry" khắc dọc mặt trước. Đó chính là chiếc PlayBook.

Công ty đó chính là Research In Motion, có trụ sở tại Waterloo, Canada, nơi tạo ra BlackBerry - sản phẩm tiên phong đã khai sinh ra cả thị trường smartphone. Thành công đến với RIM một cách rất tự nhiên, cho đến 5 năm trước, khi Apple cho ra mắt chiếc iPhone đầu tiên và lật đổ chiếc lược của RIM là đánh vào những người dùng chuyên nghiệp nghiện email. Apple mở rộng thị trường bắt việc tạo ra một chiếc smartphone không chỉ cho các doanh nhân mà còn cho cả những người tiêu dùng khá giả và khao khát được trải nghiệm công nghệ mới. Sự thành công của Apple đã mở ra cánh cổng cho một đối thủ nặng kí cũng như có tiềm năng tài chính mạnh mẽ khác: Google, với việc mua lại và phát triển hệ điều hành Android. Thị trường di động đã thay đổi đột ngột – những đối thủ cạnh tranh mới, người tiêu dùng mới và các liên minh mới - trong khi RIM lại cố gắng thích nghi với nhiều bước đi sai lầm và tốn kém.

Mục lục:

Phần 1: Waterloo run rẩy
Phần 2: Trầy trật trong ngoài
Phần 3: Ngày đầu dựng nghiệp
Phần 4: Trỗi dậy huy hoàng
Phần 5: Đỉnh cao
Phần 6: Đe doạ tiềm ẩn
Phần 7: Sa lầy
Phần 8: Tương lai mờ mịt

Phần 1: Waterloo run rẩy


Sản phẩm iPad của Apple tiếp bước iPhone, đưa ra định nghĩa mới cho thị trường máy tính bảng, rồi tiếp tục thống trị, kéo theo hàng loạt các đối thủ khác với các sản phẩm dựa trên nền tảng Android. Apple tiếp tục cho ra mắt chiếc iPad 2, cùng lúc RIM cũng bắt đầu đưa ra chiến thuật ứng phó: đó chính là chiếc tablet mà Lazaridis đang cầm trong tay. Nó tượng trưng cho sự chuyển mình táo bạo của tập đoàn này, thay thế hệ điều hành già yếu bằng hệ điều hành mới dựa trên nền tảng QNX, được RIM mua lại vào năm 2010. Với tuyên bố "Amateur hour is over", RIM hứa hẹn sẽ sẽ mang lại tính khả dụng của các sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp tới thị trường của người dùng phổ thông. Dù sao thì đó cũng là hi vọng của họ. Cho dù những chiếc BlackBerry mới bị vây quanh bởi nhiều lựa chọn không sáng sủa lắm và dù liên tục bị trì hoãn, chiếc PlayBook mới cũng tạo ra nhiều sự đổi mới thú vị cho portfolio sản phẩm của RIM.

Và Mike Lazaridis, 4 năm sau khi chiếc iPhone được ra mắt, đang ngồi cùng phóng viên công nghệ của BBC, Rory Cellan-Jones cho một cuộc phỏng vấn ngắn và giới thiệu demo sản phẩm mới - chiếc Blackberry Playbook. Với dáng người đậm và mái tóc ngả màu xám, cặp kính trễ xuống mũi, mặc một chiếc áo xám có logo BlackBerry, Lazaridis giới thiệu sản phẩm mới của mình sẽ đem lại "một trải nghiệm không thể thay thế ở cấp độ doanh nghiệp". Ông tiếp tục nói với giọng điều đó, liều lĩnh gạt đi các câu hỏi về sự thống trị của iPhone. Dù không phải là một người có khả năng thuyết trình hấp dẫn, Lazaridis cũng đã thể hiện những điểm mấu chốt một cách trôi chảy, dù cũng có phần hơi rời rạc.

Và rồi cuộc phỏng vấn bắt đầu trở nên gai góc.


“Làm ơn đi. Anh không thể đặt câu hỏi đó, Rory. Như thế là không công bằng."

"Liệu tôi có thể chuyển sang các vấn đề về bảo mật," Cellan-Jones đặt câu hỏi, "và các cuộc tranh luận với chính quyền Ấn Độ, ừm, cũng như một số chính quyền khác ở vùng Trung Đông. Liệu các vấn đề này đã được giải quyết?"

Khi nghe thấy từ "bảo mật", Lazaridis bắt đầu nhíu mày. Ông nghiêng đầu và thay đổi tư thế ngồi. Ông chớp mắt một vài lần, mím môi và nghiến răng lại, rồi nhìn từ người phóng viên đến camera. Khi câu hỏi được nói hết, ông nhìn xuống. Một giọng nói vang lên, "Tôi xin lỗi, Rory"khi Lazaridis lắc đầu và nói, "Như thế này là không công bằng, Rory."

Một giọng nói khác vang lên hỏi xem liệu có còn câu hỏi nào không, nhưng Lazaridis lên tiếng, giọng ông đanh lại và dõng dạc. "‘Vì thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn không có vấn đề gì về bảo mật hết. Chúng tôi có nền tảng bảo mật tốt nhất — "

"Nhưng tại sao nó lại là một câu hỏi không công bằng?"

"Vì anh nói — anh ám chỉ rằng chúng tôi có vấn đề về bảo mật. Nhưng chúng tôi không có vấn đề nào về bảo mật hết," Lazaridis nói.

"Ồ, nhưng ông có một vấn đề…”

Lazaridis lại lắc đầu và nhìn xuống. “Không, chúng tôi không có.” Ông nháy mắt từ từ và nhún vai. “Chúng tôi phải đối mặt với những cái nhìn không bình thường chỉ đơn giản vì chúng tôi quá thành công trên thế giới. Sản phẩm của chúng tôi đã trở thành một biểu tượng. Nó được sử dụng bởi các doanh nghiệp, bởi các nhà lãnh đạo, bởi người nổi tiếng, bởi người tiêu dùng và giới trẻ. Chúng tôi bị dòm ngó thường xuyên,” ông nói. “Anh biết đấy,” ông lại nhún vai, lần này cầm lấy chiếc PlayBook bằng cả hai tay, “chỉ đơn giản là vì sự thành công của chúng tôi.”

"Nhưng vấn đề đó đã được giải quyết chưa? Những chuyện mà công ty đang phải đối mặt"

"Chúng tôi đang đối mặt với rất nhiều vấn đề. Và tôi nghĩ rằng chúng tôi đang làm tốt nhất có thể đạt được những kì vọng được đặt vào công ty," Lazaridis nói.

"Và ông cũng tự tin rằng - chúng tôi có rất nhiều thính giả và người xem tại Trung Đông cũng như Ấn Độ - rằng ông có thể tự tin nói với họ về việc sẽ không có bất kì vấn đề nào trong việc sử dụng chiếc BlackBerry của họ, và ông cũng có thể cho họ sự bảo đảm, về mặt bảo mật?"

Khi câu hỏi khép lại, Lazaridis nhìn xuống. Khi nghe thấy từ “bảo mật”, ông liếc nhìn camera, lắc đầu và nói, “Cuộc phỏng vấn kết thúc rồi.” Giọng PR hậu trường lại lên tiếng, “Chúng ta vẫn còn thời gian mà.” Ông nhìn lại người phỏng vấn, vẫn lắc đầu. Ông lại nhìn xuống. “Làm ơn. Anh không thể dùng câu hỏi đó, Rory. Như thế là không công bằng. “ Ông lặp đi lặp lại với giọng nói nhỏ hơn: “Như thế là không công bằng.”

Sau đó ông nhìn lên và lên giọng, “Xin lỗi, nhưng thế này là không công bằng. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề này rồi, mà nó thật ra là vấn đề bảo mật tầm quốc gia.” Ông chỉ vào camera và nói, “Tắt nó đi.”

Và cuộc phỏng vấn kết thúc.


Có thể nói rằng ít nhất Lazaridis cũng có lý về mặt cách dùng từ trong câu hỏi. Người phỏng vấn muốn hỏi về việc chính phủ Ấn Độ đe doạ sẽ đóng cửa dịch vụ BlackBerry tại nước này cho đến khi RIM có thể cung cấp quyền giám sát đối với dịch vụ BlackBerry Messenger và email. Vụ việc ngày càng trở nên nóng hơn, và Lazaridis hoàn toàn không nghĩ đến việc sẽ nhận được câu hỏi về vấn đề này trong một buổi phỏng vấn để giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên khái niệm "vấn đề về bảo mật" vẫn chưa được làm rõ, và việc nghi ngờ nó giống như một cú đánh mạnh vào một định vị quan trọng của thương hiệu BlackBerry, giống khi hỏi Apple về "vấn đề về thiết kế" hay hỏi Microsoft về "vấn đề về sự hiện diện khắp nơi". Lazaridis phản ứng lại với chữ "bảo mật" giống như là ai đó đang chất vấn công việc của cả cuộc đời ông: tạo ra một thiết bị di động quản lý email mang tính bảo mật cao. Là một người cầu toàn, một kỹ sư bẩm sinh, ông đã tạo ra thiết bị ấy và khi nghe câu hỏi, ông dường như tỏ ra bị xúc phạm, lúng túng và tức giận. Một vị CEO kiềm chế hơn có thể đã chuyển sang câu hỏi khác và tìm cách né tránh bằng các vấn đề khác, nhưng Lazaridis lại chọn cách ngược lại.

Là một người cầu toàn, một kỹ sư bẩm sinh, người đã tạo ra Blackberry với định vị "bảo mật", và khi nghe câu hỏi ấy, ông dường như tỏ ra bị xúc phạm, lúng túng và tức giận.

Tuy nhiên dù ông ấy có đang trách cứ một cách chính đáng, sự thất bại của Lazaridis khi không thể giành lại kiểm soát trong buổi phỏng vấn đã khiến ông ấy có vẻ nóng nảy. Đoạn video cũng tường thuật lại quan điểm của giới báo chí trong ngành công nghệ, các cổ đông của RIM và thậm chí cả nhân viên tại công ty. Câu chuyện kể rằng Research In Motion đã đánh mất ý chí (hay tệ hơn, cả năng lực) để tạo ra sự sáng tạo và đổi mới, và RIM giờ đây chỉ là một vương quốc riêng của 2 vị CEO đã hết thời: Lazaridis và người cộng sự từ lâu của ông, Jim Balsillie. Họ đã từng xây dựng nên một thứ tuyệt vời và chứng kiến nó vươn tới thành công vượt qua sự tưởng tượng của tất cả mọi người. Tuy nhiên họ đã bị sự thay đổi của thời của đánh gục. Họ mắc phải triệu chứng của các Founder, người sáng lập: họ chìm đắm trong công việc và một lối suy nghĩ lỗi thời, trong khi smartphone đang thay đổi từ máy tính bỏ túi sang máy nhắn tin được cải tiến.

Câu chuyện của RIM không hề hứa hẹn một kết cục tốt đẹp.

Trong những tháng sau cuộc phỏng vấn tại BBC, công ty của Lazaridis phải chịu đựng nhiều một chuỗi khủng hoảng liên tiếp.


Đón xem vào ngày mai, "Sự sụp đổ của BlackBerry - Phần 2: Trầy trật trong ngoài":

Điều gì đã khiến tình trạng này xảy ra? Tại sao mà Research In Motion - một công ty từng được kính trọng và được coi là nơi sáng tạo nhất trong thế giới công nghệ, nơi đã phát minh ra smartphone – lại có thể rơi vào tình trạng của kẻ thua cuộc như vậy? Và điều gì đã khiến cơ đồ của RIM dần tan biến?

Nguồn The Verge